Thanh Hóa: Khối tài sản công 160 tỷ bỏ hoang, ngân sách nhà nước còng lưng trả nợ
TCDN - Trung tâm hội nghị Hàm Rồng được xây dựng với tổng kinh phí gần 160 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ADB, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam đến nay đã trở thành phế tích.
Trung tâm hội nghị thành bãi chăn dê
Trung tâm hội nghị Hàm Rồng, là công trình được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ các sự kiện văn hóa trọng đại của TP Thanh Hóa và tỉnh Thanh Hóa. Công trình được khởi công xây dựng tháng 12/2012 tại phường Hàm Rồng thành phố Thanh Hóa và được đưa vào sử dụng tháng 11/2014. Năm 2015 Trung tâm hành chính của Thành ủy, UBND thành phố Thanh Hóa chuyển sang xây dựng tại vị trí mới nên đã sử dụng Trung tâm hội nghị Hàm Rồng là nơi làm việc tạm thời.
Năm 2019, Trụ sở làm việc mới của thành ủy, UBND thành phố Thanh Hóa tại phường Đông Hải hoàn thành đưa vào sử dụng thì Trung tâm hội nghị Hàm Rồng đã ngưng hoạt động. Trong thời gian này xảy ra đại dịch Covid-19 nên thành phố Thanh Hóa trưng dụng nơi này làm nơi cách ly tập trung bệnh nhân nhiễm Covid của thành phố.
Trung tâm hội nghị Hàm Rồng được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn vay Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng chi phí gần 160 tỷ đồng do Ban quản lý Dự án phát triển toàn diện Kinh tế xã hội TP Thanh Hóa (còn gọi là CSEDP) làm chủ. Đơn vị thi công là Tổng công ty Cổ phần Miền Trung (Thanh Hóa).
Theo Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Thanh Hóa, Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng có hình thức kiến trúc truyền thống gồm: Nhà Trung tâm đón tiếp + Thông tin, nhà nghỉ sinh thái và các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật. Khu nhà cao 2 tầng, cao 12,55m (gồm cả mái); mặt bằng tầng hầm được bố trí 12 phòng làm việc, không gian trưng bày, không gian đa năng…với diện tích xây dựng là 3.419m2, diện tích sàn là 5.560m2.
Theo thiết kế Nhà Trung tâm đón điếp khách + Thông tin chiều cao tầng một là 4,2m, tầng hai là 3,6m với diện tích xây dựng là 590m2, diện tích sàn là 935m2. Nhà nghỉ sinh thái gồm 5 nhà, hình thức kiến trúc truyền thống, mỗi nhà cao 2 tầng, tầng 1 cao 3,6m, tầng 3 cao 3,3m; diện tích xây dựng là 162m2, diện tích sàn là 300m2. Bên cạnh đó, còn có các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật khác như: cổng (3 cổng), tường rào (bằng sắt, dài 849m), đường giao thông trước Trung tâm hội nghị, sân đường nội bộ, cấp điện ngoài nhà, cấp thoát nước ngoài nhà, cây xanh…
Theo quan sát của phóng viên TCDN, hiện nay Trung tâm này sau một thời gian bỏ hoang đã trở thành phế tích. Các hạng mục xây dựng đã xuống cấp trầm trọng, cỏ mọc um tùm. Nhiều người dân đã tranh thủ thả dê vào khuôn viên để vỗ béo.
Câu chuyện về sự lãng phí
Nói về lãng phí, thất thoát trong hoạt động đầu tư công, ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trả lời truyền thông: “Vấn đề thất thoát, lãng phí trong đầu tư công đã đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ. Thất thoát, lãng phí diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh. Từ xác định chủ trương đầu tư, công trình đó đã thật sự cần thiết hay không, hoặc có những dự án cấp bách hơn nhưng lại không tập trung đầu tư mà tập trung vào những nơi không phát huy hiệu quả.
Đã có rất nhiều công trình đầu tư xong lại đem “đắp chiếu”, hoặc có đưa vào sử dụng nhưng cũng không mang lại hiệu quả.
Nguyên nhân xuất phát từ chủ trương đầu tư cho đến thất thoát trong quá trình thực hiện, như trích lại phần trăm, lại quả cho các bên đối tác... đây là một trong những vấn đề dư luận bức xúc và cần phải loại bỏ những hình thức tiêu cực này. Hay thất thoát, lãng phí trong quá trình sử dụng sau đầu tư, bảo trì, bảo dưỡng phát huy hiệu quả sau đầu tư... Tóm lại, cả quá trình đầu tư công trong mỗi công đoạn đều có khả năng xảy ra thất thoát, lãng phí.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến - Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nhấn mạnh: “Các đại biểu Quốc hội đi giám sát thực tế các dự án đầu tư công thấy rất đau lòng. Bởi, tình trạng công trình dở dang khắp nơi, gây nên lãng phí vì tiền ngân sách nhà nước khi dự án không đưa vào sử dụng mà tiền thì cứ đọng trong ngân khố, không tiêu được”.
Mới đây tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề sát sườn với chúng ta hơn bao giờ hết, đôi khi lãng phí còn gây thiệt hại hơn cả tham nhũng… Vấn đề cấp bách đặt ra trong thời điểm hiện nay là cần bảo đảm tốt nguồn lực lâu dài cho phòng, chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế. Trong khi nguồn ngân sách Nhà nước còn khó khăn, phải huy động các nguồn lực, thì tiết kiệm, chống lãng phí sẽ là một nguồn tích luỹ lớn nếu cả nước tập trung thực hiện”.
Công trình Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng được đầu tư từ nguồn vốn vay của Ngân hàng phát triển Châu Á với số tiền lên tới 160 tỷ đã trở thành phế tích chỉ sau hơn 7 năm đưa vào sử dụng. Ngay từ đầu, việc xác định đầu tư Trung tâm này đã tồn tại nhiều vấn đề. Trên thực tế, chưa bao giờ Trung tâm này được sử dụng đúng mục đích đầu tư ban đầu là phục vụ các sự kiện trọng đại của thành phố Thanh Hóa. Các sự kiện cấp tỉnh diễn ra tại Trung tâm hội nghị 25B trong khi đó các sự kiện lớn của thành phố diễn ra ở Trung tâm hội nghị thành phố Thanh Hóa mới được đầu tư xây dựng khang trang tại phường Đông Hải.
Tại Thanh Hóa, không ít sự lãng phí trong đầu tư, sử dụng tài sản công đã và đang diễn ra. Trước đây, Trung tâm hội nghị triển lãm được đầu tư rộng hàng chục ha với kinh phí hàng trăm tỉ suốt một thời gian dài hoạt động cầm chừng, chủ yếu cho thuê bán cây cảnh đào quất trong dịp tết Nguyên đán, trước khi trụ sở Đài truyền hình Thanh Hóa chuyển về đây. Hay như kí túc xá sinh viên ở phường Quảng Thành cũng được xây dựng cao tầng hiện bỏ hoang trơ trọi.
Ngoài ra, nhiều công sản cũng đang bỏ hoang sau khi trụ sở các đơn vị chuyển đến địa điểm mới. Có thể kể đến như trụ sở cũ của Đài PTTH Thanh Hóa trên phố Hạc Thành, trụ sở cũ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh trên đại lộ Lê Lợi hay trụ sở Tòa án thành phố Thanh Hóa cũ trên đường Trần Phú.
Liên quan đến khoản vay của ADB các điều khoản tài trợ áp dụng trong các dự án vốn vay ADF là như sau: kỳ hạn 32 năm, bao gồm 8 năm ân hạn với lãi suất 1% và lãi suất 1,5% trong giai đoạn trả nợ gốc và khối lượng thanh toán nợ như nhau qua các lần.
Các khoản vay chương trình cũng có điều khoản vay tương tự, trừ một điểm khác là có kỳ hạn ngắn hơn là 24 năm. Đối với khoản vay Hỗ trợ khẩn cấp, điều kiện là: kỳ hạn 40 năm, bao gồm 10 năm ân hạn với lãi suất 1% mỗi năm và hoàn trả gốc với lãi suất 2% trong 10 năm sau thời kỳ ân hạn và 4% đối với các năm sau đó.
ADB không thu phí cam kết gắn với các khoản ADF. Các khoản vay OCR có kỳ hạn và thời gian ân hạn tùy thuộc vào tính chất của dự án (thường có kỳ hạn 15-25 năm và thời kỳ ân hạn 4-6 năm). Từ tháng 7/2002, ADB đã áp dụng chính sách vốn vay dựa trên LIBOR đối với nguồn vốn OCR.
Theo chính sách này, kể từ 7/2002 các khoản vay OCR sẽ có mệnh giá bằng đô la Mỹ, euro hoặc đồng yên. Bên vay có thể chọn lãi suất cố định hoặc lãi suất vay vốn thả nổi dựa trên LIBOR. Hiện nay, ADB áp dụng LIBOR cộng với sai biệt cổ định 0,6% để bù đắp cho chi phí quản lý.
Như vậy, mặc dù khối tài sản công trị giá 160 tỉ bị bỏ hoang, gây thất thoát lãng phí nghiêm trọng nhưng hàng năm ngân sách vẫn phải oằn lưng trả nợ khoản vay cho Ngân hàng Phát triển Châu Á. Bên cạnh số tiền thanh toán lãi, gốc theo kì hạn thì nhà đầu tư còn phải chịu khoản lãi do chênh lệch tỷ giá.
Trong khi đó, tỉnh Thanh Hóa được biết đến có rất nhiều huyện miền núi có điều kiện về kinh tế cực kì khó khăn. Cơ sở vật chất như Công Sở, Trạm Y tế xã, Bệnh viện, Trường học tại các huyện miền núi vẫn trong tình trạng thiếu thốn xuống cấp trầm trọng. Điển hình như các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước…
Theo tìm hiểu của TCDN, tỉnh Thanh Hóa đang có kế hoạch đưa các đơn vị sự nghiệp về làm việc tại Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng. Trong tháng 4, Thường trực Tỉnh ủy sẽ họp, bàn bạc về nội dung này nhằm lựa chọn đơn vị phù hợp. Tuy nhiên có thể thấy việc chuyển các đơn vị sự nghiệp về làm việc tại đây chỉ là giải pháp “chữa cháy”.
Bởi vì Trung tâm hội nghị này được thiết kế chính với công năng phục vụ các sự kiện, hội nghị trọng đại của tỉnh và thành phố Thanh Hóa. Câu chuyện lãng phí, thất thoát vì thế càng trở nên nhức nhối khi ngay từ đầu tính cấp thiết cho việc đầu tư xây dựng dự án đã không được tính toán phù hợp với sự phát triển của thành phố Thanh Hóa.
Vì thế, mặc dù là Trung tâm hội nghị được đầu tư hoành tráng bậc nhất miền Trung nhưng chưa ngày nào Trung tâm này được sử dụng đúng với công năng mà mục đích đầu tư ban đầu khi phê duyệt đề án.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899