Thanh Hóa thu ngân sách tăng trưởng khá, đạt trên 6.000 tỷ đồng trong 4 tháng
TCDN - Cục Thuế Thanh Hóa cho biết, 4 tháng đầu năm 2021, ngành thuế thu ngân sách Nhà nước hơn 6.045 tỷ đồng, đạt 36,9% dự toán giao, tăng 4,4% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, khối doanh nghiệp Nhà nước Trung ương nộp ngân sách Nhà nước hơn 614 tỷ đồng, đạt 39,9% dự toán, tăng 38,7% so với cùng kỳ; doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hơn 1.195 tỷ đồng, đạt 39,8% dự toán, bằng 98,5% so với cùng kỳ; khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh 726 tỷ đồng, đạt 38,3% dự toán, tăng 21,1% so với cùng kỳ; thuế thu nhập cá nhân 341 tỷ đồng, đạt 48,8% dự toán, bằng 95,8% so với cùng kỳ.
Một số doanh nghiệp trọng điểm trên địa bàn tỉnh nộp ngân sách tăng cao như Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn nộp ngân sách 88,561 tỷ đồng, đạt 70,9% dự toán, tăng 47,2% so với cùng kỳ; Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thanh Hóa nộp ngân sách 184,899 tỷ đồng, đạt 40,6% dự toán, tăng 50,9% so với cùng kỳ; Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa nộp ngân sách 52,966 tỷ đồng, đạt 21,1% dự toán, bằng 84,1% so với cùng kỳ;
Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn nộp ngân sách 91,799 tỷ đồng, đạt 70,6% dự toán, tăng 88,1% so với cùng kỳ; Viettel Thanh Hóa - Chi nhánh Tập đoàn Viễn thông quân đội nộp ngân sách 26,86 tỷ đồng, đạt 29,8% dự toán, bằng 78,5% so với cùng kỳ; Công ty Xi măng Nghi Sơn nộp ngân sách 31,236 tỷ đồng, đạt 26% dự toán, bằng 42,6% so với cùng kỳ; Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn nộp ngân sách 969,247 tỷ đồng, đạt 46,15% dự toán, tăng 33,6% so với cùng kỳ.
Theo đại diện Cục Thuế Thanh Hóa, trong thời gian tới Cục Thuế sẽ thực hiện hàng loạt giải pháp để hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2021.
Cụ thể, tập trung triển khai hỗ trợ người nộp thuế nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh; các biện pháp quản lý thuế; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, trốn thuế, nợ thuế...
Chỉ đạo các đơn vị đánh giá từng doanh nghiệp, hộ kinh doanh để có giải pháp quản lý, chỉ đạo khai thác nguồn thu mới bù đắp hụt thu, nắm bắt những vấn đề vướng mắc phát sinh để tháo gỡ kịp thời.
Tập trung phân tích, đánh giá hồ sơ khai thuế để thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra đúng đối tượng, có hiệu quả, tập trung ưu tiên các lĩnh vực có dư địa, rủi ro cao và thường xuyên đôn đốc các khoản nợ có khả năng thu.
Rà soát, đối chiếu, phân loại nợ và tình trạng nợ thuế, phát hành thông báo tiền thuế nợ và gửi đến người nộp thuế và thực hiện các biện pháp xử lý, đôn đốc thu nợ, cưỡng chế nợ thuế theo quy định.
Nắm bắt kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trọng điểm, doanh nghiệp có số nộp ngân sách lớn và dự kiến nộp ngân sách Nhà nước năm 2021 để chủ động trong điều hành thu ngân sách hoặc báo cáo UBND tỉnh hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để tăng thu ngân sách. Đánh giá tình hình thu ngân sách Nhà nước của khu vực doanh nghiệp, rà soát các dự án đầu tư, dự kiến nguồn thu phát sinh khi đi vào hoạt động phục vụ cho công tác chỉ đạo quản lý thuế.
Rà soát các dự án trúng đấu giá quyền sử dụng đất, trúng thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất còn phải nộp tiền sử dụng đất, xác định rõ nguyên nhân chưa nộp, phân loại để xác định nợ tiền và tiếp tục thông báo, đôn đốc quyết liệt các trường hợp có số tiền sử dụng đất đã quá hạn nộp vào ngân sách Nhà nước...
Thực hiện điều tra, khảo sát doanh thu của các hộ, cá nhân kinh doanh, hộ đăng ký mới hoặc quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh; tập trung hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng trở xuống trong lĩnh vực kinh doanh dược phẩm, dịch vụ ăn uống, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt... để giao chỉ tiêu cho các chi cục thuế bảo đảm quản lý đầy đủ, chặt chẽ diện hộ và chống thất thu ngân sách Nhà nước.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899