Thanh Sơn - Phú thọ: Giải tỏa hành lang giao thông hay "mở đường" giúp doanh nghiệp?
TCDN - Có hay không, việc UBND thị trấn Thanh Sơn với danh nghĩa giải tỏa hành lang giao thông, nhưng phía sau hành động đó là để “mở đường” giúp doanh nghiệp như người dân tố cáo?
Thời gian vừa qua, UBND thị trấn Thanh Sơn liên tục bị người dân tố về việc Cơ quan này đã mượn danh nghĩa giải tỏa hành lang giao thông, nhưng phía sau hành động đó là việc sử dụng quyền lực Nhà nước để “mở đường” giúp doanh nghiệp?
Năm 2019, Công ty Cổ phần Xây dựng Dịch vụ và Thương mại Phú Đạt (Công ty Phú Đạt) triển khai việc đầu tư xây dựng Trung tâm đăng kiểm xa cơ giới 19-05D tại khu Bãi Tần, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Quá trình triển khai xây dựng dự án này đã nảy sinh những va chạm về quyền lợi giữa đơn vị này với gia đình bà Nguyễn Thị Chúc - ông Lê Văn Chín. Đây là hộ dân đã canh tác và sử dụng toàn bộ khu đất này theo Hợp đồng giao khoán với Nhà máy chè Phú Sơn (nay là Công ty chè Phú Đa) từ năm 1989.
Hiện tại, phần đất phía ngoài khuôn viên xây dựng dự án (kéo dài, giáp đường được cho là thuộc hành lang giao thông đường liên khu Bãi Tần đi khu Thống Nhất - thị trấn Thanh Sơn) vẫn được gia đình bà Nguyễn Thị Chúc - ông Lê Văn Chín liên tục sử dụng, canh tác và sản xuất nông nghiệp từ đó đến nay.
Việc phát sinh những va chạm về quyền lợi giữa bà Nguyễn Thị Chúc - ông Lê Văn Chín với Công ty Phú Đạt đã làm nảy sinh thắc mắc, khiếu kiện phức tạp kéo dài hàng năm trời tại khu vực này. Điều đáng nói, việc giải quuyết của UBND thị trấn Thanh Sơn và UBND huyện Thanh Sơn dường như chưa có sự minh bạch, rõ ràng; càng làm cho những bức xúc của người dân xung quanh, đặc biệt là gia đình bà Nguyễn Thị Chúc - ông Lê Văn Chín thêm phần căng thẳng…
Theo phản ánh của gia đình bà Nguyễn Thị Chúc - ông Lên Văn Chín, trú tại Tổ 5B, khu Bãi Tần, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ: Năm 1989, gia đình tôi có nhận Hợp đồng giao khoán - nuôi cá dài hạn với Nhà máy chè Phú Sơn (nay là Công ty chè Phú Đa tại khu vực Ao Cạn, khu Bãi Tần, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, trên diện tích 6020 m2 (bao gồm cả ao nuôi và phần đất xung quanh bờ ao). Quá trình thực hiện Hợp đồng giao khoán giữa gia đình bà Chúc với Nhà máy chè Phú Sơn cả hai bên luôn tuân thủ và đảm bảo đúng tất cả các điều khoản đặt ra khi ký kết, không phát sinh bất cứ mâu thuẫn và tranh chấp nào.
Năm 2013, trong khi gia đình bà Nguyễn Thị Chúc vẫn đang thả cá, cấy lúa và canh tác hòa màu thì bất ngờ xuất hiện một số xe ôtô chở đầy đất đá vào đổ xuống khu vực mà gia đình đang canh tác và sản xuất nông nghiệp. Cả gia đình bà ngay lúc đó vô cùng bất ngờ trước hàng động có tính chất phá hoại sản xuất theo kểu “đánh úp” của đối tượng nào đó đứng sau chỉ đạo việc này ...
Ngay lập tức gia đình chúng tôi ngăn cản việc đổ đất của đoàn xe nói trên và hỏi cho rõ ngọn ngành việc này. Qua câu chuyện với người lái xe, gia đình tôi được anh ta cho biết: “Thị trấn chỉ đạo…anh ta chở đất đổ vào khu vực đang canh tác và sản xuất nông nghiệp của gia đình tôi với mục đích san lấp"?
Ngay sau đó, gia đình tôi đã yêu cầu toàn bộ đoàn xe chở đất dừng lại và không được đổ đất vào khu vực mà gia đình tôi đang canh tác, sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, ông Lê Văn Chín (chồng tôi) cũng lên UBND thị trấn Thanh Sơn gặp ông Vương Bá Lương - Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Sơn để hỏi cho rõ ngọn ngành sự việc, ông Lương có trả lời rằng: “… UBND thị trấn Thanh Sơn thu hồi để làm bãi đỗ xe cho Nhà nước …
Sau đó, ông Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Sơn - Vương Bá Lương có đưa cho ông Lê Văn Chín (chồng tôi) 2.500.000 đồng (hai triệu năm trăm nghìn đồng) và nói: “… Trả bác tiền lúa giống…”?
Khu vực được cho là hành lang giao thông đường liên khu, hiện do gia đình bà Nguyễn Thị Chúc - ông Lên Văn Chín quản lý sử dụng, án ngữ phía ngoài Dự án của Công ty Cổ phần Xây dựng Dịch vụ và Thương mại Phú Đạt
Bẵng đi một thời gian, vào khoảng giữa năm 2015, lại có một số cá nhân đến chặt phá một số cây chè do gia đình bà Chúc trồng trên bờ ao (giáp đường) và bất ngờ vào một buổi đêm xuất hiện một đoàn xe chở vật liệu san lấp đến đổ xuống khu vực đất mà gia đình bà đã, đang quản lý và sử dụng.
Nhận thấy điều bất thường, già đình bà Chúc cùng nhiều bà con hàng xóm xung quanh ra kiểm tra thì phát hiện vật liệu đổ xuống đây nghi là quặng trong khai thác mỏ vật liệu nào đó chưa rõ…
Vì lo sợ việc đổ vật liệu này xuống đây về tương lai sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và môi trường khu dân cư, nên toàn thể người dân quanh khu vực và gia đình tôi đã ngăn cản không cho đoàn xe chở vật liệu nghi là quặng đổ xuống khu vực này nữa.
Ngay lúc đó, gia đình bà Chúc có gặp ông Hán Trung Ái - Trưởng khu Bãi Tần để hỏi về sự việc trên và được ông Ái cho biết: “Đây là Chỉ thị của trên đưa xuống”. Sau đó, toàn bộ bà con trong khu dân cư đã làm đơn tập thể kiến nghị - Yên cầu UBND thị trấn Thanh Sơn không được tiếp tục cho xe đổ vật liệu xuống đó và phải bốc xúc những khối lượng vật liệu san lấp (nghi là quặng) đã trót đổ xuống khu vực mà gia đình tôi đã, đang quản lý và sử dụng.
Tiếp đó, UBND thị trấn Thanh Sơn đã phải đưa phương tiện vào bốc xúc một phần khối lượng vật liệu đã trót đổ xuống đi nơi khác…
Tuy nhiên, sau việc làm đổ đất rồi đổ vật liệu san lấp khác (nghi là quặng) của một số cá nhân nhân danh tổ chức xuống khu vực đất mà gia đình bà Chúc đã, đang quản lý và sử dụng không thành thì khu đất đó gia đình bà cũng buộc phải bỏ hoang một phần, không thể canh tác và sản xuất được nữa.
Mọi việc im ắng đi một thời gian sau, không rõ cá nhân hay tổ chức nào lại đến xây tường bao, khoanh lấy khu vực đất phía trong còn phía ngoài (giáp mặt đường liên khu) gia đình bà vẫn canh tác sản xuất nông nghiệp như bao lâu nay…
Năm 2018, gia đình bà Chúc bất ngờ biết được rằng mảnh đất mà gia đình đã, đang quản lý và sử dụng từ năm 1989 (theo hợp đồng dài hạn với Nhà máy chè Phú Sơn) đã được UBND huyện Thanh Sơn “âm thầm” cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho bà Đinh Thị Thu Hằng năm 2011 (PV - vấn đề này chúng tôi sẽ thông tin sâu hơn trong những bài viết sau) với danh nghĩa là cho thuê để xây dựng bãi đỗ xe thị trấn Thanh Sơn.
Điều đáng nói là, việc cấp GCNQSDĐ này lại diễn ra trong lúc Hợp đồng giao khoán giữa gia đình tôi với Nhà máy chè Phú Sơn (nay là Công ty chè Phú Đa) vẫn đang có hiệu lực. Ngạc nhiên hơn nữa, gia đình bà Chúc cũng không hề hay biết là, trước đó năm 2006 UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Quyết định Số: 915/QĐ-UBND Về việc thu hồi một phần đất của Công ty chè Phú Đa giao cho các địa phương thuộc huyện Thanh Sơn quản lý, trong đó có toàn bộ diện tích 6020 m2 đất Ao Cạn, khu Bãi Tần, thị trấn Thanh Sơn giao cho UBND thị trấn Thanh Sơn quản lý… Và điều càng khó hiểu hơn, khi Hợp đồng giao khoán giữa gia đình bà Nguyễn Thị Chúc - Lê Văn Chín với Nhà máy chè Phú Sơn đến bây giờ vẫn chưa được thanh lý?
Hiện tại, Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 19-05D do Công ty Phú Đạt đầu tư xây dựng đang dần hoàn thiện. Có lẽ vì điều này, nên trước đó UBND thị trấn Thanh Sơn đã có hành động “dọn đường cho doanh nghiệp” khi tháng 10/2019 UBND thị trấn Thanh Sơn ban hành Thông báo Số 21/TB-UBND Về việc yêu cầu tháo dỡ các công trình, hoa mầu, cây nằm trên hành lang giao thông đường liên khu Bãi Tần đi khu Thống Nhất (đoạn từ ngã ba nhà Thủy Oanh đến nhà Thắng Nhàn) với lý do hết sức chung chung “theo kế hoạch giải tỏa hành lang giao thông liên khu làm rãnh thoát nước đường nội thị”.
Điều đáng nói, Thông báo trên của UBND thị trấn Thanh Sơn chỉ để thực hiện giải tỏa duy nhất khu đất được cho là hành lang giao thông mà gia đình nhà bà Nguyễn Thị Chúc - ông Lê Văn Chín đã nhận quản lý và sử dụng từ năm 1989 theo Hợp đồng giao khoán với Nhà máy chè Phú Sơn. Trong đó, khu đất này hiện đang án ngữ toàn bộ mặt tiền rộng nhất (cũng có thể là cổng chính đi ra) của Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 19-05D do Công ty Phú Đạt xây dựng…
Vì sao, UBND thị trấn Thanh Sơn lại sốt sắng trong việc giải tỏa hành lang giao thông tuyến đường nối từ khu Bãi Tần sang khu Thống Nhất, nhưng lại chỉ chú trọng duy nhất vào vị trí mà gia đình bà Nguyễn Thị Chúc - ông Lê Văn Chín đang quản lý và sử dụng từ Năm 1989 đến nay?
Như vậy, có hay không một lợi ích nhóm nào đó đã và đang hình thành xung quanh câu chuyện này… Đặc biệt, có hay không dấu hiệu lạm dụng quyền lực Nhà nước của UBND thị trấn Thanh Sơn và các cá nhân nhân danh tổ chức trong vụ việc này? Trách nhiệm đối với quyền lợi của gia đình bà Nguyễn Thị Chúc trong việc đền bù, hỗ trợ để giải phóng mặt bằng thuộc về ai (bà Đinh Thị Thu Hằng - Chủ đầu tư Dự án bãi đỗ xe trước kia, Công ty Phú Đạt - Chủ đầu tư Dự án Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 19-05D, Công ty chè Phú Đa hay UBND các cấp tỉnh Phú Thọ)?
Tài chính Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899