Thanh tra chỉ ra nhiều tồn tại của Ngân hàng Hàng Hải
TCDN - Cơ quan thanh tra thuộc Ngân hàng Nhà nước vừa chỉ ra một số hạn chế và thiếu sót trong hoạt động của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) trong công bố kết luận thanh tra vào ngày 26/12/2024.
Cụ thể, giai đoạn từ ngày 01/01/2020 đến 30/09/2023, một số cổ đông của MSB phát sinh các giao dịch chuyển nhượng mà sau giao dịch dẫn đến cổ đông lớn trở thành cổ đông thường và ngược lại, nhưng thực hiện chưa đầy đủ theo trình tự thủ tục theo quy định tại Thông tư 50/2018/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung).
Việc thẩm định và quyết định cho vay đối với một số hồ sơ cấp tín dụng cho khách hàng của MSB chưa chặt chẽ, chưa đầy đủ theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Thống đốc NHNN (đã sửa đổi, bổ sung). Công tác kiểm tra, giám sát đối với một số khoản cấp tín dụng chưa cập nhật đầy đủ, kịp thời theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã sửa đổi, bổ sung) và một số quy định pháp luật khác có liên quan.
Cơ quan thanh tra cũng cho biết MSB thực hiện phân loại nợ chưa kịp thời theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN (đã sửa đổi, bổ sung) và Thông tư 11/2021/TT-NHNN (đã sửa đổi, bổ sung).
Ngoài ra, Ngân hàng thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm và/hoặc lập hợp đồng thế chấp, phong tỏa, đăng ký giao dịch bảo đảm đối với một số hồ sơ chưa đúng quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN (đã sửa đổi, bổ sung) và Nghị định 99/2022/NĐ-CP.
Về hoạt động xử lý nợ xấu, kết luận thanh tra cho biết tỷ lệ thu hồi đối với các khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro của MSB chưa đạt như kỳ vọng, một số tài sản bảo đảm thu giữ sau xử lý rủi ro là máy móc, thiết bị, nhà xưởng đã xuống cấp và giảm giá trị so với thời điểm thu giữ; tài sản bảo đảm là cổ phần của doanh nghiệp nhưng đã dừng hoạt động; tài sản bảo đảm là bất động sản nhưng chủ sở hữu đang có vướng mắc về pháp lý dẫn đến khả năng thu hồi thấp.
Việc cấp tín dụng, kiểm tra/giám sát sau cho vay, đôn đốc thu hồi nợ của MSB... còn có một số hạn chế, thiếu sót và chưa đúng quy định tại Quyết định 1627/2001/QĐ- NHNN; Thông tư 39/2016/TT-NHNN; Thông tư 11/2021/TT-NHNN (đã sửa đổi, bổ sung) và Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã sửa đổi, bổ sung).
Trước tình hình này, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II đưa ra các giải pháp, kiến nghị HĐQT, Ban điều hành của MSB khắc phục các vi phạm, tồn tại đã nêu.
MSB phải có giải pháp về cơ chế phối hợp/hỗ trợ chia sẻ thông tin nhận diện/cảnh báo các giao dịch chuyển nhượng/nhận chuyển nhượng của các cổ đông nhằm kiểm soát kịp thời các giao dịch theo luật định.
Chấn chỉnh công tác thẩm định và phê duyệt cấp tín dụng (thu thập đầy đủ thông tin/tài liệu để làm căn cứ thẩm định, phân tích, đánh giá đầy đủ, chặt chẽ các yếu tố cấu thành phương án sử dụng vốn vay, nguồn trả nợ của khách hàng...) theo quy định pháp luật.
Có biện pháp quản lý, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tài sản bảo đảm là quyền tài sản hình thành trong tương lai phát sinh từ các dự án bất động sản. Đồng thời phối hợp với khách hàng có lộ trình hoàn thiện pháp lý và thực hiện nhận tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật và quy định nội bộ của MSB.
Thực hiện định giá lại tài sản bảo đảm, ghi nhận và theo dõi hạch toán giá trị tài sản bảo đảm phù hợp với quy định nội bộ và quy định của pháp luật. Trong đó, lưu ý đối với tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, trường hợp xác định giá trị tài sản bảo đảm suy giảm giá trị và/hoặc không đủ điều kiện khấu trừ, kịp thời thực hiện trích lập bổ sung dự phòng rủi ro theo quy định pháp luật.
Cuối cùng, rà soát lại đối với các tài sản bảo đảm đã thu giữ, khẩn trương thực hiện các biện pháp xử lý các tài sản đã thu giữ, nhất là đối với các tài sản bảo đảm của khách hàng đã dùng hoạt động sản xuất kinh doanh, hoặc tài sản bảo đảm là cổ phần của khách hàng đã dừng hoạt động, tài sản bảo đảm là nhà xưởng, máy móc thiết bị nhưng đã bị xuống cấp/không sử dụng được.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899