Thanh tra ngành Tài chính kiến nghị xử lý hơn 100.000 tỷ đồng trong năm 2023

20/12/2023, 13:28
báo nói -

TCDN - Trong năm 2023, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 78.213 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 748.399 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan và 1.124 hồ sơ kiểm tra sau thông quan; kiến nghị xử lý tài chính 107.014 tỷ đồng.

Báo cáo của Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2023, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 78.213 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 748.399 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan và 1.124 hồ sơ kiểm tra sau thông quan; kiến nghị xử lý tài chính 107.014 tỷ đồng (trong đó, kiến nghị thu hồi nộp 47.029 tỷ đồng; kiến nghị xử lý tài chính khác 54.529 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 5.456 tỷ đồng); số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước trong kỳ 17.270 tỷ đồng (số liệu cập nhật một số đơn vị đến 15/12/2023).

Riêng Thanh tra Bộ Tài chính, trong năm 2023 đã triển khai khảo sát, nắm bắt thông tin và thực hiện 30 cuộc thanh tra và 3 cuộc kiểm tra theo kế hoạch; thực hiện 1 cuộc kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo...

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, trong năm 2023, Thanh tra Bộ đã lưu hành 33 kết luận thanh tra, 4 báo cáo kết quả kiểm tra (bao gồm cả các cuộc thanh tra, kiểm tra thực hiện cuối năm 2022 chuyển sang). Kết quả kiến nghị xử lý tài chính 22.081 tỷ đồng. Các đơn vị đã thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước 1.840 tỷ đồng.

Trong năm 2023, tỷ lệ giải quyết đơn khiếu nại đạt tới 90% (789 vụ việc/854 vụ việc), tỷ lệ giải quyết đơn tố cáo đạt tới 98,5% (590 vụ việc/599 vụ việc tố cáo). Các vấn đề khiếu nại chủ yếu liên quan tới việc thu thuế, ấn định thuế; chính sách về đền bù giải tỏa đất đai, đề nghị thanh toán nợ dân; tranh chấp trong lĩnh vực chứng khoán, thanh toán tiền mua bảo hiểm...

Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng luôn được Thanh tra Bộ chú trọng, tích cực tuyên truyền, chủ động phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của công chức trong công tác.

Năm 2024, Thanh tra Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, làm rõ nguyên nhân việc thực hiện chậm hoặc thực hiện thiếu triệt để, đồng thời có kiến nghị, đề xuất biện pháp khắc phục.

Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị trong ngành Tài chính và với các cơ quan chức năng khác như cơ quan Cảnh sát điều tra, Tòa án, Kiểm toán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước... phát hiện sớm các trường hợp vi phạm về quản lý tài chính, quản lý tài sản, thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước để ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Thanh tra Bộ Tài chính tiếp tục chú trọng thực hiện chương trình cải cách và hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra thuế, hải quan và trong toàn ngành; tăng cường đẩy mạnh phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý rủi ro và các phần mềm phân tích, phân loại đối tượng nộp thuế, kê khai hải quan theo mức độ rủi ro nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm mới của đối tượng qua đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để chống các hành vi gian lận; hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý thông tin phục vụ thanh tra, kiểm tra ngành Tài chính như: Kiểm tra trực tuyến thông qua các hệ thống thông tin nghiệp vụ của ngành và hệ thống camera giám sát; nâng cấp ứng dụng phần mềm phân hệ phân tích rủi ro theo Bộ tiêu chí đánh giá rủi ro…

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đề nghị Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra thuộc Bộ tiếp tục kịp thời phát hiện những sơ hở, “lỗ hổng” trong công tác quản lý, đồng thời đề xuất, tham mưu, kiến nghị với Lãnh đạo Bộ các giải pháp nhằm khắc phục và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Để thích ứng với bối cảnh, tình hình mới, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị trong hệ thống thanh tra tài chính tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phân tích rủi ro, lựa chọn đối tượng và tiến hành thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra nội ngành, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, vi phạm; đẩy mạnh kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, xử lý sau thanh tra.

Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, đề xuất sửa đổi các quy định, hướng dẫn trong Ngành về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng nhằm góp phần thực hiện cải cách thủ tục hành chính, chuẩn hóa nghiệp vụ, tăng cường trật tự, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động quản lý nhà nước.

Vũ Nam
Bạn đang đọc bài viết Thanh tra ngành Tài chính kiến nghị xử lý hơn 100.000 tỷ đồng trong năm 2023 tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Thanh tra ngành Tài chính kiến nghị xử lý 73 nghìn tỷ đồng trong năm 2022
Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2022 thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 87,5 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra gần 781 nghìn hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan; kiến nghị xử lý tài chính 72,9 nghìn tỷ đồng.