Tháo gỡ vướng mắc trong triển khai chính sách người có công

03/11/2024, 09:43

TCDN - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng và đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Dự thảo này hướng tới giải quyết những vướng mắc trong triển khai thực hiện, bảo đảm khả thi, công khai và minh bạch trong quy trình, thủ tục hồ sơ công nhận, giải quyết chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

tbb-1726048361211503907480

Chưa quy định rõ thủ tục, hồ sơ công nhận liệt sĩ

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, trên cơ sở báo cáo sơ kết thực hiện Nghị định số 131/2021/NĐ-CP của các bộ, ngành và địa phương, bên cạnh những kết quả đạt được, đã bộc lộ một số tồn tại, vướng mắc trong công tác tổ chức triển khai thực hiện quy trình, thủ tục, hồ sơ công nhận và thực hiện các chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng. Trong đó, thủ tục, hồ sơ đối với việc công nhận liệt sĩ, thương binh, bệnh binh hy sinh, bị thương, bị bệnh trước ngày 1/7/2021 (quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 184 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP) chưa quy định rõ, mà chỉ đáp ứng giải quyết đối với đối tượng theo điều kiện, tiêu chuẩn tại Pháp lệnh hiện hành.

Cùng với đó, việc thực hiện công tác mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin còn một số vướng mắc; một số quy định hiện hành chưa đáp ứng trong thực hiện các chính sách ưu đãi thuộc những lĩnh vực của các bộ, ngành khác như: đất đai, miễn giảm thuế, miễn, giảm tiền sử dụng đất,…

Do vậy, theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ và hiệu quả nhằm triển khai thống nhất toàn diện các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân; tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác người có công với cách mạng phù hợp với tình hình quản lý nhà nước về người có công trong giai đoạn mới.

Tính đến tháng 7/2024, cả nước hiện có hơn 9,2 triệu người có công với cách mạng. Trong đó, có gần 1,2 triệu liệt sĩ, gần 500 nghìn thân nhân liệt sĩ, khoảng 140 nghìn Mẹ Việt Nam Anh hùng, gần 600 nghìn thương binh và người hưởng chính sách như thương binh.

Riêng với việc xem xét, công nhận người có công với cách mạng, qua 6 năm triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng, đã giải quyết được căn bản hơn 7.000 hồ sơ, trong đó, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ, phần lớn là liệt sĩ trong thời kỳ chống Pháp và giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

3 mục tiêu

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc ban hành dự thảo Nghị định sửa đổi nhằm 3 mục tiêu sau.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện các quy định của Nghị định số 131/2021/NĐ-CP nhằm chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định nhằm hướng dẫn tổ chức thực thi Pháp lệnh thông suốt, giải quyết vướng mắc trong công tác công nhận, giải quyết chế độ ưu đãi đối với người có công, thân nhân người có công và những người có liên quan.

Thứ ba, kế thừa điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục hồ sơ công nhận và giải quyết chế độ đối với người có công với cách mạng đã được thực hiện ổn định trong thực tiễn qua các thời kỳ.

Dự thảo nhằm giải quyết những vướng mắc trong triển khai thực hiện, bảo đảm khả thi, công khai và minh bạch trong quy trình, thủ tục hồ sơ công nhận, giải quyết chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Cùng với đó, xác định rõ thẩm quyền giữa các cơ quan giải quyết chính sách, chế độ người có công với cách mạng phù hợp với bối cảnh thực tiễn đất nước sau thời kỳ chiến tranh, thời kỳ hòa bình.

Tiếp đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực người có công, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ, thủ tục ưu đãi người có công với cách mạng.

Với bố cục gồm 3 điều, nội dung chính của dự thảo Nghị định tập trung sửa đổi, bổ sung các điểm, khoản thuộc một số điều của Nghị định số 131/2021/NĐ-CP. Cụ thể như:

Sửa đổi, bổ sung quy định về công nhận và giải quyết chế độ đối với người có công và thân nhân quy định tại các điều: Điều 14, 21, 28, 40, 41, 42, 44, 73, 77, 81.

Bổ sung 2 điều về thủ tục, hồ sơ giải quyết chế độ đối với bệnh binh đang hưởng chế độ thương binh và tặng Kỷ niệm chương đối với người hoạt động cách mạng, kháng chiến, giải phóng dân tộc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày tại các Điều 52a và Điều 64a.

Phần lớn nội dung tập trung sửa đổi, bổ sung về thực hiện công tác mộ, nghĩa trang, liệt sĩ, xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Cơ quan soạn thảo cũng thông tin về dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành văn bản.

Với mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng và các chế độ ưu đãi quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, năm 2024, Bộ Tài chính đã bố trí trong dự toán của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để thực hiện điều chỉnh các chế độ ưu đãi theo quy định của Pháp lệnh hiện hành, kinh phí là 37,082 nghìn tỷ đồng.

Hằng năm, kinh phí sẽ giảm dần do đối tượng hưởng chế độ ưu đãi giảm dần do đối tượng từ trần, đồng thời giảm số lượng công nhận người có công theo quy định tại Nghị định (như: giảm số lượng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh)

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí thực hiện xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ, các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, hỗ trợ phục vụ công tác nuôi dưỡng, điều dưỡng, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, đón tiếp, thăm hỏi, tặng quà người có công với cách được bố trí phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, nên không tăng chi ngân sách hằng năm.

Như vậy, nguồn lực từ ngân sách trung ương bảo đảm thực hiện Pháp lệnh về cơ bản không thay đổi tăng so với kinh phí đã bố trí năm 2024.

Dự thảo Nghị định cũng xin ý kiến về 5 vấn đề cụ thể. Đó là: Quy định về phát động học tập tấm gương trong phạm vi cả nước tại Điều 19; Hướng dẫn thủ tục, hồ sơ đối với việc công nhận liệt sĩ, thương binh, bệnh binh theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 184; Quy định điều kiện hưởng chế độ đối với con người có công với cách mạng; Giao dự toán kinh phí thực hiện xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin cho các địa phương để thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm của địa phương; Chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ, viên chức làm việc tại các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công.

Hà Quyên
Bạn đang đọc bài viết Tháo gỡ vướng mắc trong triển khai chính sách người có công tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Đồng Tháp huy động các nguồn lực, tạo điều kiện để người có công tiếp cận chính sách
Thực hiện trách nhiệm trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp cùng các đơn vị liên quan, doanh nghiệp đã quan tâm chăm lo người có công cách mạng thông qua nhiều việc làm như: thăm, tặng quà, xây mới nhà tình nghĩa, nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng...
Phát triển phong trào đền ơn, đáp nghĩa, nâng cao chất lượng chăm sóc người có công
Việc ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội hưởng ứng, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc. Điều này không chỉ thể hiện đạo lý uống nước, nhớ nguồn mà góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo động lực phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh hiện nay.