Thế giới vẫn cần học nhiều điều từ nền kinh tế Mỹ
TCDN - Một bộ phận công chúng thế giới lẫn người Mỹ nghĩ rằng vị thế độc tôn của kinh tế Mỹ đang lung lay, nhưng thực tế có thể khác xa suy nghĩ của họ.
Mọi tầng lớp trong xã hội Mỹ có lẽ đều lo ngại nền kinh tế đang rạn nứt. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người coi thương mại với bên ngoài là một sự lừa gạt và tin rằng nước Mỹ đang suy tàn, đã nhậm chức với lời hứa sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại. Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đang chi 2.000 tỷ USD để tái thiết, với hy vọng sẽ xây dựng lại nền kinh tế tốt hơn.
Nỗi lo đang chiếm lĩnh tâm trí của người dân Mỹ. Gần 4/5 dân chúng tham gia một cuộc khảo sát nói rằng con cái của họ sẽ có cuộc sống kém hơn, tỷ lệ cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu tiến hành vào năm 1990, khi chỉ 2/5 số người to ra bi quan.. Lần cuối nhiều người Mỹ nghĩ rằng nền kinh tế đang tệ như vậy là trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, Economist cho rằng sự bất an đang che khuất câu chuyện thành công đáng kinh ngạc - một trong những thành tích vượt trội lâu dài nhưng bị đánh giá thấp. Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn giàu nhất, hiệu quả nhất và sáng tạo nhất thế giới. Bằng một số biện pháp ấn tượng, quốc gia này vẫn bỏ xa nhiều nước khác.
Những con số biết nói
Các nhà phân tích bắt đầu với thước đo quen thuộc: GDP. Năm 1990, Mỹ chiếm một phần tư sản lượng của thế giới, theo tỷ giá hối đoái thị trường. 30 năm trôi qua, tỷ lệ đó hầu như không thay đổi, ngay cả khi Trung Quốc đã giành được ảnh hưởng lớn.
Sự thống trị của Mỹ riêng trong các nước giàu càng đáng kinh ngạc. Ngày nay, nước này vẫn chiếm 58% GDP của G7, so với 40% vào năm 1990. Nếu tính theo sức mua, thu nhập trung bình ở Mỹ đã tăng nhanh hơn nhiều so với ở Tây Âu hoặc Nhật Bản. Ở Mississippi - bang nghèo nhất của Mỹ, thu nhập đầu người hàng năm điều chỉnh theo sức mua vượt 50.000 USD, vẫn cao hơn Pháp.
So với năm 1990, lượng công nhân tại Mỹ tăng thêm một phần ba, còn Tây Âu và Nhật Bản chỉ tăng một phần mười. Nhiều công nhân có bằng đại học và sau đại học. Trung bình người Mỹ làm việc nhiều giờ hơn người châu Âu và người Nhật. Họ cũng có năng suất cao hơn đáng kể so với cả hai.
Giới doanh nghiệp Mỹ sở hữu hơn 20% số bằng sáng chế được đăng ký ở nước ngoài, nhiều hơn cả Trung Quốc và Đức cộng lại. Tất cả 5 nguồn nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn nhất của doanh nghiệp đều là của Mỹ. Trong năm qua, họ đã chi 200 tỷ USD cho R&D.
Người tiêu dùng ở khắp mọi nơi đã được hưởng lợi từ những đổi mới sáng tạo của họ trong mọi thứ, từ máy tính xách tay và iPhone cho đến các chatbot trí tuệ nhân tạo. Các nhà đầu tư bỏ 100 USD vào S&P 500 vào năm 1990 sẽ có hơn 2.000 USD ngày nay, gấp 4 lần số tiền họ có thể kiếm được nếu đầu tư vào thị trường chứng khoán các nước phát triển khác.
Nhiều phản bác cho rằng người Mỹ đánh đổi các mạng lưới an sinh xã hội kém hơn để có thu nhập tốt hơn. Chi tiêu của Mỹ cho phúc lợi xã hội, như một phần của GDP, thực sự thấp hơn rất nhiều so với các nước khác. Nhưng mặt này của Mỹ cũng đang phát triển nhanh và tiệm cận với tiêu chuẩn của châu Âu hơn.
Tín dụng thuế cho người lao động và trẻ em đã trở nên hào phóng hơn. Bảo hiểm y tế cho những người nghèo nhất đã mở rộng, đặc biệt là dưới thời Tổng thống Barack Obama. Thu nhập của 20% người nghèo nhất nước Mỹ đã tăng 74% kể từ năm 1990, cao hơn nhiều so với ở Anh.
Bài học phát triển từ nền kinh tế Mỹ
Một là bài học quy mô thị trường. Mỹ có lợi thế thị trường tiêu dùng rộng lớn để phân bổ chi phí cho R&D, và một thị trường vốn sâu rộng để huy động tài chính. Chỉ có Trung Quốc, và có lẽ một ngày nào đó là Ấn Độ, mới có thể tự hào về sức mua ở quy mô như vậy.
Các quốc gia khác đã tìm cách bắt chước. Nhưng ngay cả những nước ở châu Âu cũng phải vật lộn để trở thành một thị trường duy nhất thực sự. Sự khác biệt trong luật phá sản và điều khoản hợp đồng, cùng với nhiều rào cản pháp lý khác nhau đã ngăn cản các chủ ngân hàng, kế toán viên và kiến trúc sư chào mời các dịch vụ xuyên biên giới ở lục địa già.
Hai là quy mô và chất lượng của lực lượng lao động. Mỹ có dân số trẻ hơn và tỷ lệ sinh cao hơn các nước giàu khác. Điều đó có thể không dễ dàng khắc phục ở những nơi khác. Tuy nhiên, các quốc gia ít nhất có thể lấy cảm hứng từ việc cho phép nhập cư cao như Mỹ. Năm 2021, người nhập cư chiếm 17% lực lượng lao động Mỹ, so với chưa đến 3% ở Nhật Bản.
Ba là bài học về giá trị của sự năng động. Bắt đầu kinh doanh rất dễ dàng ở Mỹ, cũng như tái cấu trúc hoạt động thông qua phá sản. Tính linh hoạt của thị trường lao động giúp việc làm thích ứng với các mô hình nhu cầu đang thay đổi. Đã có nhiều công nhân ở Mỹ bị sa thải khỏi Alphabet và các công ty công nghệ khác vào đầu năm đang áp dụng các kỹ năng ở nơi khác hoặc tự thành lập doanh nghiệp. Ngược lại, ở châu Âu, các công ty công nghệ vẫn đang đàm phán về việc sa thải nhân viên và có thể cân nhắc kỹ về việc tuyển dụng lại trong tương lai.
Người Mỹ nên yên tâm về hiệu suất của nền kinh tế, theo Economist. Nếu nhìn vào lịch sử để dự báo thì mức sống tại đây vẫn sẽ tiếp tục tăng lên cho thế hệ tiếp theo, ngay cả khi đất nước phải gánh chịu chi phí khử cacbon cho nền kinh tế Mỹ.
Đương nhiên, người ta vẫn thấy những góc khuất sau lưng"ngai vàng" của kinh tế Mỹ. Ví dụ, thu nhập sau thuế của tầng lớp trung lưu đã tăng ít hơn so với những người nghèo nhất và giàu nhất. Tỷ lệ đàn ông Mỹ ở độ tuổi trưởng thành không có việc làm đã tăng lên trong nhiều năm và cao hơn ở Anh, Pháp và Đức.
Tuổi thọ ở Mỹ tụt hậu nhanh chóng so với những nước giàu khác, chủ yếu là do có quá nhiều người trẻ tuổi chết vì dùng ma túy quá liều và bạo lực súng đạn. Giải quyết những vấn đề như vậy không là dễ dàng với nền chính trị của nước này, theo Economist.
Ngoài ra, khi người Mỹ càng nghĩ rằng nền kinh tế cần sửa chữa, thì càng có nhiều khả năng các chính trị gia của họ sẽ gây thêm rối loạn trong 30 năm tới. Sự cởi mở của nước Mỹ mang lại sự thịnh vượng cho các công ty và người tiêu dùng của họ, nhưng cả ông Trump và ông Biden đều đang chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ và kém thân thiện với nhập cư.
Giải pháp trợ cấp - như những gì ông Biden đang làm - có thể thúc đẩy đầu tư vào các khu vực thiếu vốn trong thời gian ngắn, nhưng có nguy cơ làm giảm động lực đổi mới của thị trường. Về lâu dài, những lĩnh vực này sẽ "ăn quen" việc vận động hành lang để xin vốn, gây ra lãng phí và méo mó.
Ngoài ra, sự trỗi dậy của Trung Quốc và nhu cầu chống biến đổi khí hậu đều khiến Mỹ phải đối mặt với những thách thức mới. Do đó, ngày càng có nhiều lý do để nước Mỹ nhìn lại những điều gì đã từng giúp họ thành công nhiều thập kỷ qua.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899