Thi công cao tốc chậm tiến độ, loạt doanh nghiệp bị Bộ Giao thông Vận tải "trừng phạt"

28/05/2021, 08:38

TCDN - Để dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn chậm tiến độ so với kế hoạch, nhiều nhà thầu thi công tại đây bị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) bêu tên, cảnh báo, điều chuyển khối lượng...

Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn có tổng chiều dài trên 98km đi qua 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế với tổng mức đầu tư khoảng 7.699 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Trong đó, vốn đầu tư xây lắp khoảng 5.586 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 434 tỷ đồng.

Dự án này được khởi công từ tháng 9/2019 với 11 gói thầu xây lắp, dự kiến ban đầu hoàn thành trong năm 2021. Tuy nhiên, đến nay, sản lượng thi công của dự án mới đạt khoảng 44%, chậm 4,8% so với kế hoạch đề ra.

Để chấn chỉnh tình trạng vi phạm tiến độ thi công của các nhà thầu, Bộ GTVT đã có những động thái răn đe đối với các doanh thiệp thầu thi công tại dự án này. 

Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang chậm tiến độ thi công so với kế hoạch

Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang chậm tiến độ thi công so với kế hoạch

Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án (QLDA) đường Hồ Chí Minh cảnh cáo nhà thầu vi phạm tiến độ và tăng cường kiểm soát chất lượng, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn.

Đối với Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Nguyên là đơn vị nhà thầu vi phạm lần 3, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh xử lý điều chuyển khối lượng của nhà thầu này tại gói thầu XL03 cho các nhà thầu khác triển khai thi công, tuân thủ theo quy định của hợp đồng.

Đồng thời, áp dụng thông báo trên trang thông tin điện tử của Bộ GTVT về vi phạm của doanh nghiệp này, từ đó làm cơ sở đánh giá năng lực khi nhà thầu tham gia các dự án do Bộ GTVT quản lý theo định của Luật Đấu thầu.

Đối với Công ty CP Vật tư thiết bị và xây dựng công trình giao thông 624 thực hiện gói thầu XL07 là đơn vị nhà thầu vi phạm lần 2, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh khẩn trương cảnh báo lần 3 và xử lý theo quy định của hợp đồng.

Đối với các trường hợp đã vi phạm lần 1 như Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát và Công ty TNHH Nhạc Sơn thực hiện gói thầu XL06, Công ty TNHH Đại Hiệp, Tổng công ty XDCTGT 5 và Công ty TNHH Xây dựng Bảo Sơn thực hiện gói thầu XL11… Ban QLDA đường Hồ Chí Minh khẩn trương thực hiện cảnh báo lần 2 để nhắc nhở các đơn vị này tuân thủ tiến độ dự án.

"Yêu cầu các nhà thầu trước ngày 5/6/2021 tập trung huy động năng lực thi công bù tiến độ đã chậm. Nếu sau thời gian trên, nhà thầu nào không có chuyển biến về tiến độ, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh tiếp tục cảnh báo lần 3 và xử lý theo quy định của hợp đồng" - Bộ GTVT nhấn mạnh.

Bộ GTVT cũng yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh chỉ đạo các nhà thầu lập lại tiến độ thi công chi tiết đối với từng gói thầu, yêu cầu huy động năng lực thi công đáp ứng tiến độ sau khi cập nhật. Đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm đối với các nhà thầu để vi phạm tiến độ so với hợp đồng.  Thường xuyên báo cáo đánh giá năng lực của từng nhà thầu về Bộ GTVT.

Đánh giá về tình hình thực hiện Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho biết 3 gói thầu xây lắp là XL01, XL02, XL10 có thể hoàn thành trong năm 2021; 6 gói thầu gồm XL03, XL04, XL05, XL06, XL07, XL11 có thể hoàn thành trong quý I/2022. Hai gói thầu XL08, XL09 hoàn thành trong quý II/2022.

Theo Cục QLXD&CLCTGT, đường găng của dự án hiện nay tại các gói thầu XL05, XL06 thi công nền đường do khó khăn vật liệu đất đắp nhưng nhà thầu không chủ động giải quyết vật liệu đất đắp.

Gói thầu XL07 thi công cầu Sông Bồ chậm do nhà thầu không tập trung thực hiện. Gói thầu XL08, XL09 phải xử lý nền đất yếu bằng giếng cát kết hợp gia tải chờ lún khoảng 10 tháng, đặc biệt đoạn mở rộng tuyến tránh Huế.

An Tú
Bạn đang đọc bài viết Thi công cao tốc chậm tiến độ, loạt doanh nghiệp bị Bộ Giao thông Vận tải "trừng phạt" tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Năm 2020, đã giải ngân gần 2000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết: Năm 2020, đã giải ngân 1946 tỷ/5103,537 tỷ đạt 38,1% để thực hiện công tác Giải phóng mặt bằng (GPMB) -  Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc- Nam phía Đông. Hiện đã chi trả tiền đền bù, đủ điều kiện bàn giao mặt bằng 530,8 km/653,61km (đạt 81,21%).