Hà Nội tiết kiệm được hơn 10.287 tỷ đồng trong năm 2020
TCDN - Nếu xét ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hà Nội là địa phương đứng đầu về tiết kiệm ngân sách trong năm 2020 khi tiết kiệm được hơn 10.287 tỷ đồng.
Chiều 27-5, tại phiên họp thứ 56, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.
Theo báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, 117 cơ quan, đơn vị, địa phương (34 bộ, ngành; 63 tỉnh, thành; 20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước) đã tiết kiệm được hơn 84.635 tỷ đồng. Trong đó, tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn nhà nước là 50.628 tỷ đồng, còn tiết kiệm vốn tại doanh nghiệp là hơn 34.000 tỷ đồng.
Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam là đơn vị tiết kiệm được nhiều nhất với 15.755 tỷ đồng; Hà Nội đứng ở vị trí thứ 2 với tổng số tiền tiết kiệm là hơn 10.287 tỷ đồng; tiếp đến là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam với tổng số tiền tiết kiệm được hơn 6.558 tỷ đồng.
Như vậy, nếu xét ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hà Nội là địa phương đứng đầu về tiết kiệm ngân sách trong năm 2020.
Theo đánh giá của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể:
Còn 2/63 địa phương chưa gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Một số báo cáo còn hình thức, chưa đánh giá đầy đủ kết quả…
Một số bộ, ngành như Bộ Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, NN&PTNT, Xây dựng, Y tế, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Văn phòng Chính phủ…chưa thực hiện chấm điểm theo quy định. Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện một số dự án chậm, không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao; phân bổ, thẩm định, giao, điều chỉnh dự toán chi đầu tư còn chậm.
Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng nêu tình trạng có bộ, cơ quan trung ương được đầu tư trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ để bố trí cho đơn vị thuộc phạm vi quản lý tiếp tục sử dụng mà chưa nêu rõ lý do. Một số quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chưa cụ thể hoặc không phù hợp với thực tiễn.
Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị, kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc không gửi, chậm gửi chương trình, báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước, đánh giá lại các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc phòng, chống Covid-19 bảo đảm đúng đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, tránh tình trạng lợi dụng chính sách.
Theo báo cáo tóm tắt về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2020 của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý ngân sách Nhà nước, kết quả thu ngân sách nhà nước tăng 185 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV. Triệt để thực hiện tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách nhà nước (Ngân sách Trung ương tiết kiệm được khoảng 55 nghìn tỷ đồng, bằng 5% dự toán Quốc hội giao). Cấp có thẩm quyền ban hành kịp thời các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước (khoảng 123,6 nghìn tỷ đồng) để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có việc tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương (khoảng 2,9 nghìn tỷ đồng); cắt giảm kinh phí hội nghị, công tác phí, tiết kiệm thêm chi thường xuyên chưa cần thiết, cấp bách (Ngân sách Trung ương tiết kiệm được khoảng 55 nghìn tỷ đồng, bằng 5% dự toán Quốc hội giao). Trong 6 tháng cuối năm 2020, các địa phương tiếp tục thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí (khoảng 1.000 tỷ đồng) và 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm (khoảng 6,4 nghìn tỷ đồng).
email: [email protected], hotline: 086 508 6899