Kêu đóng thuế cao, đại lý du lịch trực tuyến nội địa tính chuyển sang đăng ký kinh doanh tại quốc gia khác

27/05/2021, 19:58

TCDN - Nhiều đại lý du lịch trực tuyến (OTA) nội địa đã có kế hoạch chuyển sang đăng ký kinh doanh tại các quốc gia khác như Singapore để tránh nghĩa vụ nộp thuế, từ đó có thể cạnh tranh giá với các OTA nước ngoài.

Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân cho biết, theo phản ánh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, hiện đang tồn tại sự bất bình đẳng về thuế giữa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành trong nước và các đại lý du lịch trực tuyến (OTA) nước ngoài.

Cụ thể, pháp luật Việt Nam quy định áp dụng kê khai và nộp thuế đối với những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam có cơ sở kinh doanh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam có thực hiện đăng ký thuế và được cơ quan thuế cấp mã số thuế.

Do đó, đối với những đơn vị OTA nước ngoài không hoạt động theo Luật Việt Nam, không đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, không có văn phòng đại diện tại Việt Nam thì không có cơ sở quy trách nhiệm kê khai và nộp thuế.

Theo quy định công văn 848/BTC-TCT ngày 18/1/2017 của Bộ Tài chính về việc chính sách thuế và quản lý thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh của dịch vụ đặt phòng trực tuyến, các doanh nghiệp tại Việt Nam (có hợp tác với các kênh OTA) sẽ là bên thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.

Đại lý du lịch trực tuyến (OTA) nội địa phản ánh thuế cao so với OTA nước ngoài.

Đại lý du lịch trực tuyến (OTA) nội địa phản ánh thuế cao so với OTA nước ngoài.

Lúc này nếu doanh nghiệp Việt Nam nâng giá phòng hoặc giá dịch vụ để thu thêm của khách hàng sẽ không được vì giá đã được niêm yết; còn nếu khấu trừ theo đúng quy định sẽ đối diện với nguy cơ bị đối tác dừng hợp tác. Hiện các doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn đang phải phụ thuộc rất nhiều vào lượng khách đặt dịch vụ qua các OTA nước ngoài nổi tiếng nên phải chấp nhận tự bỏ tiền túi ra nộp thuế thay.

Theo phản ánh của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, khi khách hàng đặt dịch vụ thông qua OTA nội địa, OTA nội địa sẽ xuất hóa đơn trực tiếp cho khách hàng, còn khách sạn/đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ xuất hóa đơn cho OTA nội địa. Chính vì vậy, ngoài việc đóng thuế TNDN 20%, OTA nội địa phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế VAT 10%.

Trong khi đó, với khách hàng đặt dịch vụ thông qua OTA nước ngoài sẽ chỉ cung cấp hóa đơn xác nhận thanh toán chứ không xuất hóa đơn VAT tại Việt Nam. Vì vậy bên cạnh việc không phải nộp thuế TNDN, OTA nước ngoài cũng không phải nộp thuế VAT 10%. Điều này dẫn đến việc các OTA nội địa không thể cạnh tranh giá với các OTA nước ngoài, gây mất bình đẳng cho môi trường kinh doanh. Thậm chí, nhiều OTA nội địa đã có kế hoạch chuyển sang đăng ký kinh doanh tại các quốc gia khác như Singapore để tránh nghĩa vụ nộp thuế, từ đó có thể cạnh tranh giá với các OTA nước ngoài.

Bộ Tài chính khẳng định, chính sách thuế hiện hành không có quy định phân biệt về thuế đối với đại lý du lịch trực tuyến Việt Nam hay nước ngoài.

Để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các đại lý du lịch trực tuyến nước ngoài nói riêng cũng như các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử nói chung, hiện nay Luật Quản lý thuế 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước (Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông), các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử, đồng thời cũng đã hướng dẫn các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế.

Theo đó, Đại lý du lịch trực tuyến nước ngoài không có cơ sở thường trú ở Việt Nam nhưng có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam (kinh doanh dịch vụ du lịch - OTA nước ngoài) được xác định là nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam có trách nhiệm đăng ký thuế trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang triển khai xây dựng Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.

Trong đó, dự thảo Thông tư dự kiến sẽ hướng dẫn cụ thể thủ tục đăng ký thuế, khai, nộp thuế của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác có phát sinh thu nhập tại Việt Nam; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam có liên quan trong trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài không thực hiện đăng ký, khai thuế, nộp thuế trên Cổng thông tin hệ thống quản lý của Tổng cục Thuế.

Dự thảo của Thông tư được xây dựng trên cơ sở quy định tại Luật Quản lý thuế và các Luật về chính sách thuế đảm bảo phù hợp với mô hình kinh doanh của các tổ chức nước ngoài, phù hợp với thông lệ quốc tế và nhằm hạn chế việc tránh và trốn thuế.

T. Phương
Bạn đang đọc bài viết Kêu đóng thuế cao, đại lý du lịch trực tuyến nội địa tính chuyển sang đăng ký kinh doanh tại quốc gia khác tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Ứng dụng thương mại điện tử trong phát triển du lịch
Theo nghiên cứu, 80% khách du lịch Việt Nam là khách quốc tế, họ có nhu cầu tìm kiếm thông tin trên internet trước khi lựa chọn khách sạn. Một nửa số đó có nhu cầu đặt phòng trực tuyến, vì vậy việc sở hữu một website có tích hợp phần mềm đặt phòng trực tuyến là diều vô cùng cần thiết.
Năm 2020 du lịch Việt thất thu 23 tỉ USD
Ngành du lịch Việt Nam thất thu khoảng 23 tỉ USD trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong đó từ thị trường khách quốc tế là 16 tỉ USD và 7 tỉ USD với thị trường khách nội địa.