Thị trấn Lao Bảo, Quảng Trị: Hướng đến đô thị loại IV
TCDN - Sau hơn 4 thập niên xây dựng và phát triển, bằng sự giúp đỡ của Trung ương, tỉnh nhà và bằng sức người, sức của người dân ở miền sơn cước, giờ đây Lao bảo mang dáng dấp “Một đô thị vàng trên miền sơn cước” và hướng đến đô thị loại IV giai đoạn 2021 - 2025.
Lao Bảo là đô thị cửa khẩu quốc tế nằm tại phía Tây tỉnh Quảng Trị; là thị trấn thuộc huyện Hướng Hóa, cách thành phố Đông Hà 83 km và cách thị trấn huyện lỵ Khe Sanh 20 km về phía Đông.
Lao Bảo nằm trong hệ thống đô thị thuộc Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo gắn với các cửa khẩu quốc gia và quốc tế. Xây dựng hệ thống đô thị động lực cấp I có chức năng là trung tâm kinh tế tổng hợp thúc đẩy phát triển kinh tế vùng biên giới. Xây dựng Khu Kinh tế -Thương mại đặc Lao Bảo trở thành thành phố, một đô thị cấp vùng, đồng thời là một đô thị trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của miền Tây tỉnh Quảng Trị, nơi đây được xác định một trong 9 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm của cả nước, được hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
Lao Bảo cũng nằm trong Tiểu vùng Mê-kông Mở rộng (Greater Mekong Subregion - GMS) và trục Hành lang Kinh tế Đông Tây (East West Economic Corridor - EWEC). Trục hành lang Kinh tế Đông - Tây là một trong ba hành lang giao thông chính hình thành cơ sở cho ba hành lang kinh tế chính của Tiểu vùng Mê-kông Mở rộng, là đường ngắn nhất và thuận lợi nhất trong hoạt động lưu thông với các quốc gia thuộc Tiểu vùng Mêkông Mở rộng, Đông Á, Tây Á và các quốc gia nằm trên tuyến hành lang Kinh tế Đông - Tây, đặc biệt là nước Myanma, Đông Bắc Thái Lan và Nam Lào; là khu vực gắn kết Khu Kinh tế cửa khẩu Đensavan của Lào, Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo với đô thị Đông Hà và các cảng biển miền Trung. Đây là lợi thế quan trọng để Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo nói chung và thị trấn Lao Bảo nói riêng trong phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng giao lưu với các nước trong khu vực và quốc tế.
Bằng các nguồn lực như, triển khai các Dự án xây Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, hoặc mới đây xây dựng các tuyến đường giao thông thuộc dự án phát triển đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mêkông... cơ sở hạ tầng Lao Bảo đủ tiêu chuẩn của đô thị loại IV, như thẩm định của của UBND tỉnh Quảng Trị, đó là tiêu chí về Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt 48,5/60 điểm, đạt đô thị lọa IV.
Điều đáng quan tâm, thị trấn Lao Bảo còn nằm trong vùng có lịch sử, văn hóa đa dạng với nhiều tài nguyên du lịch, rất phong phú, đa dạng như: nhà tù Lao Bảo, căn cứ Khe Sanh, căn cứ làng Vây, sân bay Tà Cơn, suối La La, sông Sê Pôn..., nhiều bản làng dân tộc, nơi hội tụ các dân tộc Pa Cô, Vân Kiều cùng với cảnh quan thiên nhiên đẹp như hồ Tân Độ, hồ Rào Quán, hồ Khe Sanh, hồ công viên Lao Bảo, suối La La, thác Ồ Ồ..., là điều kiện để hình thành và phát triển các khu, cụm du lịch với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa. Những năm vừa qua, sau một loạt các sự kiện tầm cỡ quốc gia và quốc tế được tổ chức ở Lao Bảo làm cho khách quốc tế và cả nước biết tới Lao Bảo như một điểm du lịch với nhiều loại hình dịch vụ lý tưởng và hấp dẫn.
Ông Lê Bá Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo bộc bạch: Với những gì mà thị trấn Lao Bảo đã đạt được như hôm nay, đó là bằng sự nổ lực của Đảng bộ và nhân dân thị trấn, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của huyện Hướng Hóa, sự quan tâm của tỉnh nhà và các Bộ ngành liên quan.
Giờ đây Lao Bảo mang một dáng dấp “Đô thị vàng trên đồi Lao Bảo”, đây cũng là cơ sở để Lao Bảo phấn đấu đạt đô thị loại IV giai đoạn 2021-2025; đô thị loại III giai đoạn 2026-2030 theo QĐ số 241/QĐ-TTg ngày 24/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899