Thoái vốn DNNN thu gần 2.200 tỷ đồng trong 8 tháng

23/08/2022, 13:59
báo nói -

TCDN - Lũy kế 08 tháng đầu năm 2022, các tập đoàn, tổng công ty, DNNN thoái vốn tại doanh nghiệp với giá trị là 382 tỷ đồng, thu về là 2.180 tỷ đồng.

Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thoái vốn tại CTCP Tập đoàn Tân Mai với giá trị là 72 tỷ đồng, thu về 83 tỷ đồng.

Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thoái vốn tại CTCP Tập đoàn Tân Mai với giá trị là 72 tỷ đồng, thu về 83 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính, trong 8 tháng đầu năm 2022, các đơn vị tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo kế hoạch đã được phê duyệt, ngoài ra ghi nhận bổ sung 01 doanh nghiệp cổ phần hóa là Công ty TNHH MTV Phà An Giang (đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần năm 2021). Đây là doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỷ đồng.

Về tình hình thoái vốn, Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, trong tháng 8 năm 2022, các đơn vị tiếp tục triển khai công tác thoái vốn. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, ghi nhận các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN thoái vốn tại doanh nghiệp với giá trị là 382 tỷ đồng, thu về 2.180 tỷ đồng.

Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2022, SCIC đã thực hiện bán vốn tại 17 doanh nghiệp với giá trị là 128 tỷ đồng, thu về 687 tỷ đồng; Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thoái vốn tại Công ty cổ phần Bưu điện với giá trị 182 tỷ đồng, thu về 1.409 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thoái vốn tại CTCP Tập đoàn Tân Mai với giá trị là 72 tỷ đồng, thu về 83 tỷ đồng; Tổng công ty Viễn thông Mobifone thoái vốn tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á với giá trị là 0,06 tỷ đồng, thu về 0,35 tỷ đồng.

Đánh giá tình hình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước 08 tháng đầu năm 2022, Cục Tài chính doanh nghiệp nhận định, tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn chậm.

Nguyên nhân làm chậm quá trình cổ phần hóa được xác định là do doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn có quy mô lớn, sở hữu nhiều đất đai. Dịch bệnh Covid-19 tác động đến tình hình thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực, ảnh hưởng đến công tác xác định giá trị doanh nghiệp, lập phương án sử dụng đất để thực hiện cổ phần hóa, triển khai công tác đấu giá phần vốn nhà nước theo quy định. Việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn phụ thuộc vào tình hình thị trường, lựa chọn thời điểm bán cổ phần hợp lý để đem lại hiệu quả, đảm bảo tính khả thi.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan cũng được Cục Tài chính doanh nghiệp chỉ ra. Đó là do trong nhận thức và tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp còn chưa cao, chưa quyết liệt trong tổ chức triển khai, thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn. Từ đó dẫn đến tư tưởng đối phó khiến kết quả thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đối với các DNNN không cần nắm giữ vốn thấp.

Thêm nữa, công tác chuẩn bị cổ phần hóa, thoái vốn chưa tốt. Nhiều doanh nghiệp chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trước khi cổ phần hóa, thoái vốn; còn nhiều vướng mắc, tồn tại về tài chính chưa được xử lý dứt điểm.

Việc phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công còn chưa tốt, tiến độ phê duyệt còn chậm.

PV
Bạn đang đọc bài viết Thoái vốn DNNN thu gần 2.200 tỷ đồng trong 8 tháng tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Tài liệu Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DNNN
Lũy kế giai đoạn 2016 - 2020, đã có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.690 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỷ đồng.