Thống đốc: Khó tìm nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém

06/11/2023, 17:06
báo nói -

TCDN - Trước lo ngại về 4 ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt và tiến trình tái cơ cấu chậm, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết đây là việc "chưa có tiền lệ" và không dễ tìm nhà đầu tư.

Trước tranh luận của đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn ĐBQH Đồng Tháp) trong phiên chất vấn trước Quốc hội ngày 6/11 về vấn đề tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém là việc rất khó.

"Bình thường đã khó rồi nhưng trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, cũng như biến động của kinh tế thế giới như thời gian qua thì tái cơ cấu ngân hàng yếu kém càng khó hơn", bà nói và thông tin thêm đây là việc chưa có tiền lệ khi năng lực, kinh nghiệm cán bộ xây dựng đề án còn hạn chế.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: ITN

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: ITN

Đặc biệt, bà Hồng cũng đề cập đến việc tìm kiếm nhà đầu tư tham gia trên cơ sở tự nguyện cũng khó khăn. Cơ chế chính sách hỗ trợ cho việc này cũng cần phải được xin ý kiến cấp cơ quan để có sự đồng thuận thống nhất.

"Đối với các ngân hàng này, chúng tôi cũng xin ý kiến cấp có thẩm quyền và đang trong quá trình thực hiện những bước theo kế hoạch này để trước khi hoàn thiện đề án chi tiết trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và sẽ thực hiện theo đúng đề án này", bà Hồng nhấn mạnh.

Bốn ngân hàng được kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) và Ngân hàng Đông Á (DongABank), cấp có thẩm quyền đã phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc.

Ngoài 4 nhà băng này, từ tháng 10/2022, NHNN cũng đưa Ngân hàng Sài Gòn (SCB) vào diện kiểm soát đặc biệt sau khi nhiều chi nhánh, phòng giao dịch của nhà băng ghi nhận tình trạng người dân tới rút tiền đồng loạt. Ngân hàng Nhà nước hiện đang tìm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại nhà băng này, để trình Chính phủ phê duyệt chủ trương.

Kiểm soát đặc biệt ngân hàng là biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng nói chung. Trong lịch sử ngành ngân hàng, đã có nhiều nhà băng từng bị rơi vào trường hợp kiểm soát đặc biệt nhưng sau đó đã phục hồi và phát triển mạnh.

Trước đó, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về thực hiện nghị quyết chất vấn, giám sát từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đối với lĩnh vực ngân hàng, trong đó có việc xử lý các ngân hàng yếu kém. Đến nay, NHNN đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.

Hiện, NHNN đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện các nội dung tiếp theo để trình Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng này theo trình tự, thủ tục quy định. NHNN cũng đã quyết liệt chỉ đạo các ngân hàng mua bắt buộc triển khai thuê tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và phối hợp với tổ chức tư vấn để thực hiện việc xác định giá trị doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Đến nay, các tổ chức tư vấn định giá đã phát hành chứng thư thẩm định giá và NHNN đã gửi Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả.

Đối với Ngân hàng SCB, được đặt vào kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022, NHNN đã khẩn trương, tích cực phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp theo quy định pháp luật để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền; đồng thời, trên cơ sở báo cáo đánh giá tổng thể thực trạng và đề xuất chủ trương cơ cấu lại của SCB và Ban kiểm soát đặc biệt SCB, NHNN đang tìm kiếm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại SCB để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại SCB theo quy định.

Mai Anh
Bạn đang đọc bài viết Thống đốc: Khó tìm nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Đề xuất giảm thuế GTGT 2% cho lĩnh vực ngân hàng
Để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp và đầu tư công nghệ, chuyển đổi số đảm bảo an ninh an toàn trong hoạt động, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị bổ sung ngân hàng vào nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT 2%.
Kiểm toán Nhà nước: Nhiều ngân hàng không hạ biên độ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cho rằng, năm 2022 nhiều ngân hàng thay vì tiết giảm chi phí, hạ biên độ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp thì lại tăng biên độ lãi suất so với đầu năm; lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng tăng, trong đó, nguồn thu từ hoạt động tín dụng chiếm tỷ trọng chủ yếu và tiếp tục tăng.