Thông tin bất ngờ từ Pakistan - 30% phi công dùng bằng giả
TCDN - Để đối phó với một cuộc điều tra về vụ tai nạn máy bay của Hãng hàng không quốc tế Pakistan (PIA) hồi tháng trước, 141 phi công đã bị đình chỉ công tác ngay lập tức với cáo buộc sử dụng giấy phép giả.
262 phi công dùng bằng giả
Dù không cung cấp thêm thông tin chi tiết về những cáo buộc gian lận nhưng ông Abdullah Hafeez cũng thừa nhận rằng một quy trình xử lý và kiểm tra các phi công còn lại của hãng đang được tiến hành một cách cẩn thận.
"Chúng tôi đảm bảo rằng những phi công không đủ tiêu chuẩn như vậy sẽ không bao giờ lái máy bay nữa. Sự an toàn của hành khách là ưu tiên hàng đầu của hãng. Nhưng PIA biết rằng giấy phép giả không chỉ là vấn đề của riêng hãng mà còn lan rộng ra toàn bộ ngành hàng không Pakistan. hang
Nhiều phi công dùng giấy phép bay giả vẫn đang làm việc cho các hãng hàng không quốc tế khác ở Pakistan. Ban lãnh đạo PIA đã có văn bản gửi tới Cơ quan Hàng không dân dụng nhằm cung cấp danh sách các giấy phép khác của phi công bị nghi ngờ", Abdullah Hafeez nói.
PIA có 434 phi công, chiếm hơn 50% tổng số 860 phi công ở Pakistan. Ngoài 150 phi công bị PIA đình chỉ công tác còn có 112 phi công của các hãng hàng không khác bị cáo buộc sử dụng bằng giả.
Trong số 262 phi công bị đình chỉ bay chờ điều tra có 141 người thuộc PIA, 9 người thuộc hãng Air Blue, 10 người từ Serene Airline và 17 người từ Shaheen Airlines (hãng này đã đóng cửa); trong đó có 109 phi công lái máy bay chở khách và 153 phi công lái máy bay vận tải.
Hãng Reuters thì đưa tin, các quyết định nói trên được cung cấp cho báo chí sau khi báo cáo điều tra ban đầu về vụ tai nạn máy bay hồi tháng trước ở Karachi phát hiện các phi công điều khiển chiếc máy bay xấu số không tuân thủ những quy trình xử lý kỹ thuật tiêu chuẩn và phớt lờ luôn cả các thông tin cảnh báo từ hệ thống kiểm soát không lưu.
Hậu quả là 97 người trên máy bay và một em nhỏ trên mặt đất đã thiệt mạng. Hôm 26-6, Cơ quan hàng không Pakistan đã sa thải 5 quan chức liên quan đến vụ bê bối về giấy phép giả của các phi công.
Đại diện Bộ Hàng không Pakistan cho hay, nhà chức trách cũng đang điều tra về sự cấu kết giữa các phi công và các quan chức hàng không dân dụng từ cuối năm 2018 để họ có thể vượt qua trót lọt các kỳ thi theo cách gian lận.
Vấn nạn nhờ người thi hộ
Bộ trưởng Hàng không Pakistan Ghulam Sarwar Khan cho biết, 262 phi công bị điều tra đã "không tự mình đi thi" mà trả tiền cho người khác để thi thay họ.
"Họ không có kinh nghiệm bay và đã nhờ người khác thi hộ một hoặc nhiều bài thi lấy bằng lái, cá biệt có những người nhờ người khác làm tất cả 8 bài thi bắt buộc để được cấp bằng", ông Ghulam Sarwar Khan cay đắng thừa nhận.
Đồng thời, Bộ trưởng Hàng không Pakistan cũng khẳng định, kết luận điều tra vụ tai nạn máy bay cho thấy, các phi công đã mải mê trò chuyện về virus SARS-CoV-2 và liên tục phớt lờ cảnh báo từ các kiểm soát viên không lưu trước khi máy bay rơi xuống khu dân cư gần sân bay.
Trong khi đó, kết luận điều tra chỉ rõ, máy bay chạm vào bề mặt đường băng và các động cơ cọ sát đường băng, gây ra tia lửa, tạo nên thiệt hại không thể khắc phục. Các phi công đã kéo máy bay trở lại không trung, nhưng các động cơ bị hỏng đã khiến máy bay gặp sự cố.
Thông báo của Bộ trưởng Hàng không Pakistan đã thực sự khiến dư luận "dậy sóng" với nhiều câu hỏi được đặt ra về sự an toàn của hành khách sử dụng dịch vụ của PIA cũng như các hãng hàng không tư nhân khác tại Pakistan.
Hôm 25-6, Toá án tối cao Pakistan đã yêu cầu Cơ quan hàng không dân dụng Pakistan trong vòng hai tuần phải có báo cáo cụ thể về các phi công dùng bằng giả.
Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế cho biết đang theo dõi các báo cáo từ Pakistan, liên quan đến giấy phép phi công giả và yêu cầu các quốc gia khác phải rà soát việc cấp phép giấy phép bay và giám sát an toàn hoạt động của các hãng hàng không.
Tại Việt Nam, ngay sau khi Pakistan công bố tình trạng phi công dùng bằng giả, trong văn bản phát đi hôm 27-6, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam rà soát và cấm ngay việc thực hiện nhiệm vụ bay của toàn bộ các phi công quốc tịch Pakistan, phi công người nước ngoài (đang làm việc cho các hãng hàng không Việt Nam) sử dụng bằng cấp, chứng chỉ (nghi vấn giả mạo) do Pakistan cấp.
Cục Hàng không Việt Nam cũng được yêu cầu rà soát, tạm dừng nhiệm vụ bay đối với các phi công quốc tịch Pakistan đang làm việc cho các hãng hàng không của Việt Nam để kiểm tra tính xác thực của bằng cấp, chứng chỉ; rà soát, xác minh tính xác thực đối với bằng cấp, chứng chỉ của tất cả các phi công người nước ngoài đang làm việc cho các hãng hàng không Việt Nam và xử lý đối với các trường hợp có dấu hiệu sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả mạo.
Theo CSTC
email: [email protected], hotline: 086 508 6899