Thu ngân sách nhà nước vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 720.000 tỷ đồng, cao nhất cả nước

09/05/2024, 13:53
báo nói -

TCDN - Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Đồng bằng sông Hồng năm 2023 ước đạt hơn 720.000 tỷ đồng, đứng đầu cả nước. Quy mô nền kinh tế giá hiện hành đạt hơn 3.100 tỷ đồng, chiếm 30,1% GDP cả nước.

Báo cáo tại Hội nghị lần thứ 3 Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng sáng nay (9/5), Bộ trưởng nguyễn Chí Dũng cho hay, ngay sau khi Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30 được ban hành, các bộ, ngành và địa phương trong vùng đã khẩn trương quán triệt các nội dung, ban hành các kế hoạch hành động, tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các nghị quyết và đạt kết quả tích cực sau hơn 1 năm triển khai.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 của vùng đạt 6,28%, đứng thứ 3/6 vùng kinh tế (sau vùng trung du miền núi phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Cửu Long), gấp 1,24 lần so với bình quân chung cả nước (cả nước tăng 5,05%).

Quy mô nền kinh tế giá hiện hành đạt hơn 3.100 tỷ đồng, chiếm 30,1% GDP cả nước, đứng thứ 2/6 vùng kinh tế (sau vùng Đông Nam Bộ 30,2%); GRDP bình quân đầu người đạt 131,9 triệu đồng, đứng thứ 2 cả nước (sau vùng Đông Nam Bộ 166 triệu đồng).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2023 ước đạt hơn 720.000 tỷ đồng, đứng đầu cả nước (vùng Đông Nam Bộ ước đạt 689.000 tỷ đồng).

Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2023 lớn nhất nước, ước đạt 17,382 tỷ USD (đứng trên vùng Đông Nam Bộ 11,394 tỷ USD), trong đó 5/11 địa phương trong vùng thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước.

Quý 1/2024, GRDP bình quân của vùng đạt 6,2% (bình quân cả nước 5,66%), thu cân đối ngân sách nhà nước đạt 94.000 tỷ đồng, bằng 30,37% dự toán (311.000 tỷ đồng), xuất khẩu ước đạt 31 tỷ USD, chiếm 33,9% kim ngạch xuất khẩu cả nước (93 tỷ USD); giải ngân vốn đầu tư công của vùng ước 4 tháng đạt hơn 25.128 tỷ đồng, đạt 14% kế hoạch (cả nước 17,5%).

Chất lượng cơ sở hạ tầng vùng Đồng bằng sông Hồng ngày càng được cải thiện, có 4/11 địa phương nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có cơ sở hạ tầng tốt nhất cả nước (Quảng Ninh dẫn đầu cả nước, Hà Nội đứng thứ 4, Hải Phòng thứ 7, Bắc Ninh thứ 8).

Đáng chú ý, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 20 dự án quan trọng, liên kết vùng, đã khởi công triển khai thực hiện 7 dự án gồm: (1) Đường Vành đai 4 vùng Thủ đô; (2) đường Vành đai 5 vùng Thủ đô (đã triển khai một số đoạn qua các tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Thái Bình); (3) cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B Quảng Ninh-Lạng Sơn, đoạn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; (4) nâng cấp, mở rộng Nhà ga hành khách quốc tế T2 sân bay Nội Bài; (5) Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội; (6) Cải tạo, nâng cấp tĩnh không cầu Đuống trên tuyền đường thủy số 1 từ Hải Phòng-Quảng Ninh-Việt Trì; (7) các bến cảng số 3, 4, 5, 6, 7, 8 tại cảng Lạch Huyện, Hải Phòng.

Trong đó, dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, đã có 6/7 dự án thành phần đang thực hiện; 1/7 dự án thành phần đang chuẩn bị thực hiện (dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP). Đối với 3 dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cơ bản đạt tiến độ đề ra, đã thu hồi 95,2% diện tích đất trên toàn tuyến.

Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội đạt tiến độ tổng thể khoảng 78,52% giá trị hợp đồng, đối với đoạn đi ngầm, nhà thầu đang tập trung thi công kết cấu các ga ngầm để sớm khởi động thi công máy khoan hầm TBM trong Quý 2/2024.

8 dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư gồm: (1) Đường cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình; (2) Đường cao tốc Bắc-Nam phía Tây, đoạn Cổ Tiết- Chợ Bến; (3) Tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo; (4) Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam (đoạn Hà Nội-Vinh); (5) Tuyến đường sắt vành đai phía Đông từ Ngọc Hồi-Lạc Đạo-Bắc Hồng; (6) Tuyến Yên Viên-Phả Lại-Hạ Long-Cái Lân; (7) Tuyến Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng; (8) Đầu tư xây dựng Nhà ga T2 sân bay Cát Bi.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng, hoàn thành trong quý 2/2024; tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh; ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội, có tính lan tỏa lớn, có tính kết nối quốc tế, liên vùng và hướng biển; tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo (nhất là nhân lực bán dẫn), nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, chuẩn bị tốt các dự án trọng điểm, quan trọng để thu hút hiệu quả các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược.

Về các hoạt động điều phối vùng, Thủ tướng yêu cầu triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội và các cơ chế, chính sách khác đã được Trung ương ban hành, nghiên cứu, sớm đề xuất cấp có thẩm quyền về thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và liên kết vùng.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút FDI, nhất là các nhà đầu tư công nghệ; thúc đẩy đầu tư PPP, nhất là trong phát triển các dự án hạ tầng giao thông của vùng và liên vùng; đẩy mạnh các hoạt động liên kết phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội, ưu tiên cho giao thông; đẩy mạnh liên kết các chuỗi đô thị, chuỗi cung ứng, logistics, dịch vụ chất lượng cao.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Thu ngân sách nhà nước vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 720.000 tỷ đồng, cao nhất cả nước tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Phấn đấu GRDP bình quân đầu người vùng đồng bằng sông Hồng đạt khoảng 274 triệu đồng/người
Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định giai đoạn 2021 - 2030, tăng trưởng GRDP trong vùng đạt bình quân khoảng 9%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/người/năm…