Thủ tướng: Chống dịch nhưng không nghĩa là đóng cửa, không hoạt động gì
TCDN - Thủ tướng yêu cầu tập trung chống dịch nhưng các ngành, các địa phương phát động các nhà máy, xí nghiệp, siêu thị, các danh lam thắng cảnh, di tích vẫn phải hoạt động bình thường.
Chiều 12/2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ đã họp về đánh giá tác động của tình hình dịch bệnh do chủng mới của virus Corona (COVID-19), cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2020 và các giải pháp chỉ đạo, điều hành để thực hiện các chỉ tiêu phát tiển kinh tế - xã hội năm 2020.
“Việt Nam có độ mở của nền kinh tế lớn và có đường biên giới dài với Trung Quốc, chắc chắn sẽ chịu những ảnh hưởng không nhỏ”, Bộ KH-ĐT đánh giá.
Mọi ngành kinh tế đều bị ảnh hưởng
Theo dự báo của Bộ KHĐT, trong trường hợp khống chế được dịch bệnh do virus corona trong quý I/2020, tăng trưởng của nước ta dự báo là 6,25%, giảm 0,55% so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.
Trường hợp dịch được khống chế trong quý II/2020 thì tăng trưởng của ta dự báo là 5,96%, giảm 0,84% so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và giảm 0,29% so với kịch bản khống chế được dịch trong quý I/2020.
So với hai kịch bản tăng trưởng được Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 1/2020, các dự báo lần này của Bộ KHĐT tư đều cho thấy sự kém lạc quan hơn rất nhiều.
Ngoài ra, Bộ KH&ĐT cũng phân tích những tác động của dịch coronavirus đến chỉ số giá tiêu dùng. Theo đó, nếu dịch kết thúc ngay trong quý I tới thì CPI bình quân năm 2020 có thể tăng 3,96% so với cùng kỳ năm trước, còn nếu dịch kéo dài đến hết quý II năm 2020 thì CPI có thể lên tới 4,86%.
Do ảnh hưởng của dịch, dự báo số lượng doanh nghiệp thành lập mới sẽ giảm ở hầu hết các lĩnh vực so với cùng kỳ năm 2019 (15/17 ngành), trong đó giảm mạnh lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 23%). Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (giảm 11,8%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 14,5%) dẫn tới số lao động đăng ký mới giảm mạnh như nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 50,2%), vận tải kho bãi (giảm 37,9%).
“Tinh thần là không được vì việc này mà bỏ mất việc kia. Chúng ta phải chống cả 2 loại virus, một là virus corona và một loại virus nữa là “virus trì trệ”, không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh nên không hành động, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước. Chúng ta không được đổ lỗi cho khách quan, không chịu triển khai những biện pháp mới, không chịu tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, sản phẩm do ảnh hưởng của dịch bệnh, làm sụt giảm tăng trưởng, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm, thu nhập của người dân”, Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh đồng thời yêu cầu phải làm sao tái cơ cấu nền kinh tế, giảm chi phí và những chính sách nào thúc đẩy phát triển.
Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra con số tác động trực tiếp của dịch bệnh đến kim ngạch xuất khẩu. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu có thể sẽ giảm 21% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng 46,5 tỷ USD.
Các ngành, lĩnh vực chính chịu ảnh hưởng là xuất khẩu nông sản và nông sản chế biến, hàng lâm sản giảm khoảng trên 29%, hàng thủy sản giảm 38%, hàng dệt may giảm 22%...
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, khối ngành công nghiệp điện, điện tử ( máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại và linh kiện) vốn là nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc với tổng trị giá khoảng 37,5 tỷ USD ( trong đó xuất khẩu 17,8 tỷ USD và nhập khẩu là gần 19,7 tỷ USD) năm 2019 cũng sẽ đối mặt với nhiều vấn đề.
Nhiều ngành khác như dệt may, du lịch, vận tải, hàng không... cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo đánh giá của Bộ, các nhà đầu tư mới dừng tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhất là FDI, ảnh hưởng tới thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Thậm chí Bộ KH&ĐT còn lo ngại, các dự án đã đầu tư có thể bị trì trệ do tăng vốn đầu tư.
Vẫn phải tập trung phát triển kinh tế
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các ngành lớn cần có đề án riêng để xử lý, giải quyết. Với đường biên giới dài và giao thương lớn với Trung Quốc, ảnh hưởng của dịch là điều tất nhiên và chúng ta cần thấy toàn bộ tình hình để có giải pháp tốt hơn, dài hơi hơn, quyết liệt hơn.
Thủ tướng khẳng định, chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay. Mặc dù vậy, chúng ta cần có kịch bản theo tình hình dịch để chủ động ứng phó. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện các phương án để có mức phấn đấu cụ thể, ví dụ như chúng ta giữ mục tiêu tăng trưởng 6,8%/năm thì những quý còn lại phải giữ tăng trưởng ở mức nào. Từ đó, chính sách tiền tệ, đầu tư công, xuất nhập khẩu… phải như thế nào.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh “điều ngoạn mục của Việt Nam”, chúng ta không chỉ quản trị tốt mà cần có những nhà quản trị đầy cảm xúc, tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Tất cả cán bộ công chức của các bộ, ngành, địa phương không được vô cảm trước tình hình đầy khó khăn, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, cần bình tĩnh nhưng quyết tâm cao.
Thủ tướng nhắc lại yêu cầu chống 2 loại virus là virus Corona và virus trì trệ, không dám tiến công, không hành động. Chúng ta giải quyết 2 virus này thì xã hội, đất nước phát triển. Biện pháp phải mạnh, chủ trương cụ thể, vào cuộc đồng bộ.
Kiểm soát dịch bệnh mạnh mẽ nhưng bình tĩnh, kiên quyết, bảo đảm an toàn cho người dân, “không bao giờ được bỏ quên mục tiêu này”. Đi liền với đó, bảo đảm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ổn định, ổn định tâm lý tiêu dùng và tâm lý doanh nghiệp. Giải tỏa điểm nghẽn trong xã hội hiện nay.
Thủ tướng cho biết, ông đã quyết định tiếp tục mở cửa các điểm danh lam, thắng cảnh du lịch để không làm tê liệt thị trường du lịch quốc tế. Từ thông tin phản hồi trong nội bộ ngành rằng du lịch đường dài bị ảnh hưởng ít, Hội đồng kiến nghị biện pháp trước mắt nên được xem xét để làm tăng lượng du khách đến từ các thị trường là miễn visa du lịch thời hạn 30 ngày cho một số thị trường.
Chống dịch quyết liệt, đồng bộ nhưng không phải đóng cửa, tất cả không hoạt động gì. Thủ tướng yêu cầu các ngành, các địa phương phát động các nhà máy, xí nghiệp, siêu thị, các danh lam thắng cảnh, di tích hoạt động bình thường.
Thủ tướng cũng nêu rõ một số biện pháp giảm chi phí thuộc thẩm quyền của Chính phủ như lệ phí visa, chi phí logistic… Không tăng giá dịch vụ như điện, y tế, giáo dục và các dịch vụ khác. Đẩy mạnh đầu tư công và các công trình trọng điểm, đẩy mạnh giải ngân ODA, FDI, đầu tư xã hội.
Tổ chức sản xuất, tái cơ cấu thị trường, coi trọng thị trường nội địa, mở rộng thị trường quốc tế. Tính toán kịp thời nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất.
Ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, không để tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ tăng giá.
Về điều hành chính sách tiền tệ, phải chủ động theo dõi tình hình, có biện pháp phản ứng kịp thời, nhất là kiểm soát chặt chẽ tỉ giá. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp đi sát thực tiễn, thường xuyên tháo gỡ vướng mắc với tinh thần trách nhiệm cao nhất để phát triển sản xuất.
Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam do ảnh hưởng của dịch bệnh do virus corona:
Trong trường hợp khống chế được dịch trong quý I/2020 thì tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo là 6,25%, giảm 0,55 điểm% so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó, quý I tăng 4,52%; quý II tăng 6,08%; quý III tăng 6,92% và quý IV tăng 6,81%.
Trường hợp dịch được khống chế trong quý II/2020 thì tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo là 5,96%, giảm 0,84 điểm% so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và giảm 0,29 điểm% so với kịch bản khống chế được dịch trong quý I/2020. Trong đó, quý I tăng 4,52%; quý II tăng 5,1%; quý III tăng 6,70% và quý IV tăng 6,81%.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899