Thủ tướng: Giá điện phải phù hợp, có cạnh tranh lành mạnh
TCDN - Thủ tướng yêu cầu ngành điện đẩy mạnh tiết kiệm chi phí, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, tăng năng lực cạnh tranh, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp. Giá điện phải phù hợp, có cạnh tranh lành mạnh và điều tiết của nhà nước.
Sáng 20/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về bảo đảm cung ứng điện năm 2024 và thời gian tới, nhất là trong mùa cao điểm nắng nóng 2024.
Báo cáo tại cuộc họp cho thấy, nhu cầu tiêu thụ điện trong thời gian mùa khô (tháng 5 đến tháng 7) được dự báo tăng trưởng rất cao (lên đến 13%, cao hơn nhiều so với kế hoạch khoảng 9,6%), riêng miền Bắc dự kiến tăng kỷ lục 17% so với cùng kỳ năm 2023.
Để bảo đảm cung ứng điện năm 2024, đặc biệt là cao điểm mùa khô, ngay từ tháng 11/2023, Bộ Công Thương phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các bộ, ngành, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch cung ứng điện cho năm 2024; xây dựng các phương án phân phối điện; kịch bản cân đối sản lượng điện; cân bằng công suất các nhà máy điện; thực hiện các giải pháp về vận hành các nhà máy điện; thúc đẩy các dự án đầu tư xây dựng các công trình điện.
Bộ Công Thương đã ban hành các Quyết định phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2024; biểu đồ cấp than cho phát điện; kế hoạch cấp khí cho phát điện; đặc biệt, phê duyệt riêng kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2024.
Cùng với đó, thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình cung cấp nhiên liệu than, khí cho phát điện; tổ chức các đoàn công tác rà soát việc chuẩn bị cung ứng điện mùa khô tại các đơn vị phát điện, truyền tải, phân phối điện; thúc đẩy tiến độ công trình đường dây 500 kV Quảng Trạch - Phố Nối để kịp phục vụ cung ứng điện vào tháng cao điểm.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương khẳng định, việc cung ứng điện cho năm 2024 về cơ bản sẽ được bảo đảm.
Những năm tới, sau khi đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối được đi vào vận hành với đầy đủ các điều kiện kỹ thuật cần thiết, hệ thống điện miền Bắc sẽ được bổ sung tăng cường công suất/điện năng từ miền Trung và miền Nam.
Tuy nhiên, với tỷ trọng nguồn thủy điện chiếm hơn 32%, cung-cầu nội miền của khu vực miền Bắc nhiều thời điểm sẽ xuất hiện tình trạng mất cân đối trong trường hợp tình hình thủy văn bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự cố các tổ máy nhiệt điện than. Do đó, việc bổ sung sớm nguồn điện mới, đặc biệt là các nguồn điện chạy nền cho miền Bắc là hết sức cần thiết…
Với mục tiêu không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành, Thủ tướng yêu cầu, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, chủ thể có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải xây dựng các phương án ứng phó với mọi tình huống, kể cả tình huống xấu nhất; phát huy trách nhiệm cao nhất, giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh trước khó khăn, thách thức; dự báo, đánh giá sát tình hình và khả năng đáp ứng, rà soát lại các số liệu bảo đảm chính xác; đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, hợp lý, kịp thời, hiệu quả.
Không để người dân và doanh nghiệp phải lo lắng về điện, Thủ tướng nhấn mạnh và chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp với từng khâu trong việc bảo đảm cung ứng điện, gồm: Nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và giá điện.
Về nguồn, cần tính toán bảo đảm nguồn điện cho tất cả các vùng miền, lưu ý các tháng cao điểm ở miền Bắc (tháng 5, 6, 7, đặc biệt dự kiến phụ tải tăng lên tháng 6 khoảng 2.500 MW). Đa dạng hóa các nguồn điện, rà soát lại tất cả các nguồn có thể huy động, thúc đẩy các nguồn điện lớn.
Để bảo đảm nhiên liệu (than, nước, dầu, khí) cho sản xuất điện, các nhà máy nhiệt điện than mua tối đa than sản xuất trong nước, hạn chế tối thiểu mua than nhập khẩu (điều này vừa giúp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước, vừa tạo sinh kế, việc làm cho người dân, vừa tiết kiệm ngoại tệ trong bối cảnh hiện nay, đồng thời phòng chống tiêu cực). Các tập đoàn, tổng công ty than đẩy mạnh khai thác tối đa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan vận hành các hồ thủy điện tiết kiệm, giữ mực nước cao nhất có thể để đáp ứng cho các tháng cao điểm. Tập đoàn Dầu khí bảo đảm cung ứng khí, dầu cho sản xuất điện.
Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch đáp ứng điện từng tháng; chỉ đạo vận hành các nhà máy điện bảo đảm cân đối chung, lợi ích tổng thể, cũng như bảo đảm công suất tối thiểu của các nhà máy điện.
Về cơ chế, chính sách mua bán điện, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn; cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp tự sản, tự tiêu; cơ chế, chính sách phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi, ven bờ; chính sách với điện rác, điện sinh khối…
Về truyền tải điện, Thủ tướng yêu cầu trước mắt hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3, rà soát từng khâu, bảo đảm tiến độ, dứt khoát hoàn thành trước ngày 30/6; đề nghị lãnh đạo các tỉnh tăng cường kiểm tra, đôn đốc, động viên cán bộ, công nhân trên công trường làm xuyên ngày nghỉ, ngày lễ.
Về giá điện, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện theo quy định, thẩm quyền, với lộ trình phù hợp, không "giật cục"; ngành điện đẩy mạnh tiết kiệm chi phí, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, tăng năng lực cạnh tranh, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp. Giá điện phải phù hợp, có cạnh tranh lành mạnh và điều tiết của Nhà nước.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899