Thủ tướng phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội giai đoạn 2021 - 2030

07/12/2020, 16:36

TCDN - Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 1929/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021 - 2030.

tu-ky

Mục tiêu của chương trình là huy động sự tham gia của xã hội nhất là gia đình, cộng đồng tăng cường trợ giúp về vật chất, tinh thần, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Về mục tiêu cụ thể: Chương trình phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, hằng năm ít nhất 80% người tâm thần, 80% trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm dạng khuyết tật phổ tự kỷ và được can thiệp sớm; ít nhất 10.000 trẻ em tự kỷ nặng được điều trị, giáo dục, phục hồi chức năng và trợ giúp phù hợp tại các cơ sở phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội.

Đồng thời, ít nhất 80% trẻ khuyết tật phổ tự kỷ ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục; ít nhất 20.000 người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí được hỗ trợ hướng nghiệp, lao động trị liệu tại cơ sở trợ giúp xã hội; ít nhất 10.000 hộ gia đình người rối nhiễu tâm trí có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định.

80% người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu.

Hằng năm, ít nhất 80% người tâm thần nặng có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng và 100% người tâm thần lang thang được tiếp nhận, chăm sóc, phục hồi chức năng luân phiên tại các cơ sở trợ giúp xã hội.

Ít nhất 60% cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí có câu lạc bộ thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ của người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí; ít nhất 60% số người trầm cảm, trẻ em tự kỷ và người bị rối nhiễu tâm trí khác có nguy cơ cao bị tâm thần và người tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng xã hội và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội khác tại cộng đồng và các cơ sở chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, cơ sở y tế…

Để đạt được những mục tiêu trên, chương trình đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Trợ giúp y tế; trợ giúp giáo dục; trợ giúp hướng nghiệp, lao động trị liệu, hỗ trợ sinh kế và văn hóa, thể thao; phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội làm nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục phục hồi chức năng đối với người tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí; nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức và cộng tác viên; nghiên cứu, đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng; phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội.

Trên cơ sở đó, khuyến nghị giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển hệ thống trợ giúp xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần; thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá…

Chính phủ cũng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì thực hiện có trách nhiệm phối họp với các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021 - 2030; nghiên cứu đánh giá thực hiện các chính sách về người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí; tổ chức việc chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng tại các cơ sở của ngành; tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế; nhân rộng mô hình cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí; mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí...

Chuyên mục có sự phối hợp của Cục Bảo trợ xã hội

PV
Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội giai đoạn 2021 - 2030 tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899