Thủ tướng và nhiều đại biểu ủng hộ giao Bộ Công Thương làm đầu mối quản lý xăng dầu

03/11/2022, 14:01

TCDN - Thủ tướng và một số đại biểu bày tỏ quan điểm cho rằng, nên tập trung về một đầu mối quản lý xăng dầu là Bộ Công Thương để tránh chồng chéo, quản lý tốt hơn.

Thủ tướng: Xem xét giao Bộ Công Thương làm đầu mối quản lý xăng dầu

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ sẽ cho nghiên cứu, đánh giá lại, trên cơ sở đó tính toán phương án theo hướng thống nhất quy về một mối, giao cho Bộ Công Thương quản lý xăng dầu.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ sẽ cho nghiên cứu, đánh giá lại, trên cơ sở đó tính toán phương án theo hướng thống nhất quy về một mối, giao cho Bộ Công Thương quản lý xăng dầu.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ sẽ cho nghiên cứu, đánh giá lại, trên cơ sở đó tính toán phương án theo hướng thống nhất quy về một mối, giao cho Bộ Công Thương quản lý xăng dầu.

Chiều 2/11, chia sẻ bên hành lang Quốc hội liên quan đề xuất giao quản lý xăng dầu về một đầu mối là Bộ Công Thương, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đã giao Phó thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo.

"Trước hết cần phải đánh giá lại, trên cơ sở đó mới tính toán phương án theo hướng thống nhất. Hướng là giao cho Bộ Công Thương", Thủ tướng nói.

Trước đó, tại thảo luận kinh tế xã hội ngày 28/10, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đề xuất chuyển quyền quản lý xăng dầu về một đầu mối thống nhất là Bộ Công Thương, gồm cả việc điều hành giá, chi phí kinh doanh định mức... Việc này theo ông Phớc sẽ đảm bảo nguồn cung thuận lợi hơn. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, trong đó "giao toàn diện phần xăng dầu về cho Bộ Công Thương quản lý" gồm quyết định về giá và chi phí định mức, nhằm đảm bảo nguồn cung chủ động.

Trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận tình hình cung xăng dầu gặp nhiều khó khăn do giá xăng dầu trong nước đã liên tục giảm, chi phí đưa xăng về nước, chi phí kinh doanh… tăng mạnh nhưng Bộ Tài chính chậm điều chỉnh khiến doanh nghiệp lỗ kéo dài không dám nhập về bán. Mà những vấn đề liên quan đến chi phí, thuế đối với mặt hàng xăng dầu thì thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính. Thế nên, để xăng dầu khan hiếm, thiếu hụt nhiều trong thời gian qua là một phần trách nhiệm thuộc về Bộ Tài chính.

Còn phía Bộ Tài chính dẫn chứng từ đầu năm đến nay cho thấy, Bộ đã thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít xăng dẫn đến ngân sách thu 28.000 tỉ đồng. Đồng thời, giảm thuế nhập khẩu từ 20% xuống 10%; điều chỉnh 2 lần chi phí vận chuyển và quản lý cho mỗi lít xăng RON92 gần 2.000 đồng/lít. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã gửi lấy ý kiến các doanh nghiệp đầu mối và Bộ Công Thương về vấn đề xin nâng định mức chi phí, nhưng đến nay mới nhận được phản hồi của 6 doanh nghiệp đầu mối, ý kiến của Bộ Công Thương vẫn chưa thấy…

Untitled

Tuy nhiên, theo Luật sư Trương Xuân Tám (Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, giả sử như rút hết các trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Tài chính được quy định trong Nghị định 95 về mặt hàng xăng dầu, từ việc hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng và quản lý về quỹ bình ổn xăng dầu, kiểm tra giám sát quỹ thương nhân đầu mối thực hiện các quy định về trích, chi sử dụng quỹ; hay hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng dầu… đến xác định các chi phí đưa xăng dầu về nước, điều chỉnh chi phí thế nào… thì vai trò, trách nhiệm của Bộ Tài chính riêng mặt quản lý giá cả thôi vẫn còn “vướng” trong rất nhiều văn bản pháp quy khác.

Luật Giá 2012, quy định: “Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá”. Hay với Nghị định 87 năm 2017 cũng ghi rõ: Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá. Tại điều 2 về nhiệm vụ và quyền hạn, Bộ Tài chính cũng đảm nhiệm vụ và quyền hạn về giá, quản lý thuế, phí, lệ phí; quản lý dự trữ quốc gia, tổ chức bảo quản, nhập, xuất, mua, bán, luân phiên đổi hàng đối với các mặt hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật... Chưa tính các bộ ngành khác quản lý về kỹ thuật, môi trường… liên quan đến mặt hàng xăng dầu cũng phải “rút lui” theo đề nghị này để giao toàn bộ cho Bộ Công Thương.

Các đại biểu Quốc hội nói gì?

Đại biểu Trịnh Xuân An (Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh) nhấn mạnh phải thay đổi toàn diện về cơ chế, cách thức, tránh câu chuyện trong điều hành xăng dầu là khi có vấn đề thì đổ trách nhiệm, Bộ Công Thương đổ cho Bộ Tài chính, còn Bộ Tài chính đổ cho Bộ Công Thương.

Thể hiện quan điểm cá nhân, ông An cho rằng việc quản lý xăng dầu nên quy về một đầu mối, giao cho Bộ Công Thương. "Xăng dầu là hàng hóa, liên quan đến xuất nhập, liên quan đến thị trường, đến điều tiết mà Bộ Công Thương sẽ có khả năng, bộ máy, thực hiện được chức năng nhiệm vụ quản lý này", ông An nói.

Ông Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, cho hay: Luật Giá đang được sửa đổi theo hướng tăng phân cấp, phân quyền quản lý với một số mặt hàng thuộc diện nhà nước quản lý về bộ, ngành liên quan, chứ không tập trung hết về đầu mối quản lý giá là Bộ Tài chính.

“Ví dụ giao Bộ Công Thương quản lý về xăng dầu là hợp lý, sẽ giúp giảm tải đầu mối”, ông Lâm nhìn nhận. Cho rằng vấn đề này còn chờ Quốc hội bàn, song ở góc độ cá nhân, ông thấy việc đề cao trách nhiệm hơn nữa của từng bộ, ngành trong quản lý giá là định hướng hợp lý.

Theo ông Nguyễn Thành Nam, đại biểu tỉnh Phú Thọ, khi Bộ Công Thương chủ trì điều hành xăng dầu, cũng cần sự tham mưu, giám sát từ các cơ quan chuyên môn trong quá trình thực hiện. Nhờ vậy, đảm bảo đồng bộ, toàn diện của các bộ ngành liên quan nhưng vẫn đảm bảo trách nhiệm của cơ quan chủ trì.

Ở khía cạnh này, ông Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách bổ sung thêm khi Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ chính quản lý nguồn cung, tính toán chi phí, giá, vẫn cần vai trò kiểm tra, giám sát, thẩm định của bộ ngành chuyên môn.

TS Đinh Thế Hiển cho rằng tính trách nhiệm trong quản lý xăng dầu vừa qua "mờ nhạt và dường như không có". Trước nay, sản lượng tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam biến động quá nhiều qua các năm. Kế hoạch dự trữ quốc gia cũng không có nguyên nhân khách quan gây đột biến. Do đó, việc để thiếu nguồn cung, ông Hiển cho rằng, cơ quan quản lý "cần nhìn lại chính họ.

Trong chuyên môn, nếu một bộ có những chuyên ngành cần tham vấn các Bộ khác thì cần chủ động. "Liên bộ thì cuối cùng đầu mối chung vẫn là Chính phủ nên không cần phải 2 bộ cùng lúc quản lý, sẽ chồng chéo và chậm chạp. Nếu người đứng đầu cơ quan quản lý không làm tròn trách nhiệm nên xin từ chức", ông Hiển nói.

Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp lên tiếng

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng: Muốn hợp thức hoá việc quản lý xăng dầu về Bộ Công Thương, cần sửa đổi Nghị định 95 và việc này nên làm sớm. Ông Bảo cho rằng, hiện nay để Bộ Công Thương quản lý mọi mặt từ chính sách đến hệ thống vận hành xăng dầu sẽ giúp hạn chế việc chờ đợi chính sách vừa giúp khơi thông được các đầu mối công việc.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục Trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính): Việc giao Bộ Công Thương quản lý sản xuất kinh doanh xăng dầu xong lại tách quản lý về cơ chế giá để Bộ Tài chính quản lý là không hợp lý, dẫn đến một số vướng mắc nảy sinh.

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính cho rằng: "Đứng ở góc độ người quan sát độc lập, nếu hệ thống chính sách, cơ chế quản lý hiệu quả thì một Bộ quản lý sẽ thuận tiện hơn cho doanh nghiệp thay vì nhiều cơ quan làm đầu mối. 

Hiện nay, Bộ Công Thương quản lý doanh nghiệp sản xuất xăng dầu, đến hoạt động phân phối nhập khẩu về nước. Việc tự tách quản lý giá, các phương pháp tính giá khỏi quản lý của Bộ Công Thương khiến mọi hoạt động trở nên khập khiễng, Bộ này khó có thể quản lý được nếu như không được quyết định các chi phí phát sinh, chi phí liên quan đến doanh nghiệp xăng dầu.

Một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng cho rằng việc thống nhất một bộ quản lý (nguồn cung, giá, chi phí...) sẽ khắc phục bất cập hiện nay. Khi đó Bộ sẽ chủ động và hiểu được cơ chế về chi phí tăng giảm thế nào, từ đó có phương án xây dựng giá tốt nhất.

"Bộ Công Thương cũng như một doanh nghiệp, nếu vừa chủ động sản xuất vừa cân đối đầu ra thì doanh nghiệp sẽ không bị phụ thuộc và còn hoạt động tốt, thích ứng thị trường nhanh" - một doanh nghiệp đầu mối chia sẻ trên báo chí.

Mai Anh (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng và nhiều đại biểu ủng hộ giao Bộ Công Thương làm đầu mối quản lý xăng dầu tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Doanh nghiệp xăng dầu vẫn đóng cửa, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo khẩn
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Công điện số 1039/CĐ-TTg ngày 2/11/2022 của Thủ tướng gửi Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu.