Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia lộ trình phát thải ròng bằng “0”

30/06/2022, 15:43

TCDN - Ngày 30/6, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD – VCCI) tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong lộ trình thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định và mục tiêu phát thải ròng bằng “0”.

Với hơn 100 đại biểu tham dự, hội thảo tập trung chia sẻ các quy định pháp luật mới, hướng dẫn kỹ thuật về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; phổ biến các chủ trương, chính sách về biến đổi khí hậu tại Việt Nam, các biện pháp thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và mục tiêu hướng tới phát thải ròng bằng “0”. Đồng thời, giới thiệu một số giải pháp điển hình của doanh nghiệp trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; các hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực nhằm tạo điều kiện cho khối tư nhân tham gia giảm phát thải khí nhà kính từ JICA.

Các đại biểu cũng thảo luận sôi nổi về cơ chế thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp, tăng cường quan hệ hợp tác giữa Chính phủ và Doanh nghiệp để đạt các mục tiêu đã đề ra cũng được các đại biểu đánh giá cao. Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, VCCI, và JICA đã chia sẻ các công cụ cụ thể để đẩy nhanh tốc độ triển khai các chính sách trong cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới, thu hẹp khoảng cách giữa chính sách và thực thi; những hỗ trợ từ VCCI để tăng cường sự tham gia của khối tư nhân; cũng như các cơ chế hỗ trợ quốc tế trong việc xúc tác mối quan hệ giữa Chính phủ và doanh nghiệp.

1.7-1

Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ tầm quan trọng của hỗ trợ từ JICA thông qua dự án SPI-NDC và nhấn mạnh: “Hội thảo là minh chứng tiêu biểu cho quan hệ hợp tác chính phủ - doanh nghiệp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ liên quan và VCCI thông qua dự án SPI-NDC của JICA trong việc tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia thực hiện NDC cũng như các nhiệm vụ khác liên quan”.

“Trong khuôn khổ hợp tác với Dự án SPI-NDC (JICA), Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai hoạt động hợp tác kỹ thuật nhằm hỗ trợ thực hiện NDC tại Việt Nam. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho khối doanh nghiệp tham gia vào lộ trình này thông qua các quan hệ đối tác chiến lược với VCCI đóng vai trò là một trong những bước đệm quan trọng để thúc đẩy các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu” – ông Quang nhấn mạnh.

Theo ông Quang, khu vực kinh tế tư nhân đã đóng vai trò tiên phong trong sự phát triển vượt bậc của kinh tế Việt Nam. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phần lớn doanh nghiệp sử dụng năng lượng cũng như nguyên, nhiên liệu để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ. Đây chính là nguồn gây phát thải khí nhà kính, chiếm tỉ trọng lớn trong tổng phát thải khí nhà kính quốc gia. Do đó, các doanh nghiệp là một trong những nhóm đối tượng phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Để triển khai thực hiện Luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 về Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ liên quan đang khẩn trương hoàn thiện các quy định kỹ thuật cũng như xây dựng các tài liệu hướng dẫn chi tiết nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kiểm kê khí nhà kính, xây dựng áp dụng biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, tham gia hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon.

Về phía VCCI, ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc VBCSD cho hay: “Trong 20 năm qua, VCCI đã nỗ lực thúc đẩy kinh doanh bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung, thúc đẩy kinh doanh xanh thông qua các chiến dịch và sáng kiến môi trường đa dạng, bao gồm quan hệ đối tác quan trọng với Bộ TN&MT, các bộ, ngành khác và JICA thông qua dự án SPI-NDC”. Ông Nguyễn Tiến Huy cũng khẳng định vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp trong việc giúp Việt Nam đạt các mục tiêu giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Quan hệ hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp được thể hiện trong hội thảo sẽ tiếp tục là cơ sở để thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc thực hiện NDC ở Việt Nam.

Theo ông Murooka Naomichi, Phó trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, thông qua dự án SPI-NDC, JICA sẽ tiếp tục tạo cơ hội nâng cao năng lực và đối thoại giữa các bên liên quan chủ chốt để củng cố mối quan hệ hợp tác này.

Nhận thức được nhu cầu tận dụng nguồn tài chính tư nhân cho các hành động về khí hậu ở Việt Nam, JICA cũng đã giới thiệu nhiều hình thức hợp tác để hỗ trợ các loại hình và quy mô hoạt động khác nhau của khu vực tư nhân trong việc giảm phát thải, một ví dụ điển hình là Chương trình Tài chính đầu tư khu vực tư nhân (PSIF), cụ thể tại Việt Nam JICA thực hiện Dự án Điện gió Quảng Trị 144 MW theo hình thức này. Ngoài ra, JICA còn có Chương trình hỗ trợ đề xuất từ các doanh nghiệp Nhật Bản, ví dụ như dự án của Công ty TNHH Osumi hợp tác với Sở Công Thương TP. Đà Nẵng nhằm phân tích và phổ biến công nghệ tiết kiệm năng lượng bằng phương pháp đo lường năng lượng đơn giản của Nhật Bản tại Việt Nam.

Minh Châu
Bạn đang đọc bài viết Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia lộ trình phát thải ròng bằng “0” tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Công ty TNHH Môi trường Đô thị Hùng Phát: Nỗ lực bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững
Là đơn vị đi đầu của tỉnh Bắc Ninh trong công tác xử lý chất thải sinh hoạt rắn bằng công nghệ hiện đại. Công ty TNHH Môi trường Đô thị Hùng Phát đã không ngừng nâng cao, cải tạo công suất xử lý chất thải nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái.