Thuế từ hoạt động thương mại điện tử tăng mạnh

25/04/2024, 19:12
báo nói -

TCDN - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết, số thuế thu được từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tăng từ 83 nghìn tỷ đồng năm 2022 lên 97 nghìn tỷ đồng năm 2023.

Tăng cường quản lý thuế

Thông tin về công tác quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) thời gian vừa qua, ông Mai Sơn cho biết, tại Việt Nam, thị trường TMĐT ngày càng được mở rộng và với sự đa dạng về mô hình hoạt động, nhiều đối tượng tham gia, với sự tăng trưởng được đánh giá là nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Điều đó cũng đặt ra những thách thức mới, không nhỏ đối với công tác quản lý thuế như: khả năng quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế, áp dụng quản lý hiện đại, hiệu quả, phù hợp thông lệ quốc trên nguyên tắc quản lý tuân thủ theo rủi ro trên cơ sở dữ liệu lớn về TMĐT được xây dựng từ cơ sở dữ liệu quản lý thuế và cơ sở dữ liệu về quản lý nhà nước đối với TMĐT từ các bộ, ngành có liên quan.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn.

Trước tình hình đó, theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, cơ quan này đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT trong nước và xuyên biên giới.

Cụ thể, tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế bằng nhiều hình thức phong phú, hiệu quả; triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT thực hiện các thủ tục về thuế theo hình thức điện tử, đảm bảo cấp độ 4.0; trong đó đã chính thức vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) nhằm hỗ trợ các NCCNN có thể thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế trực tiếp từ bất cứ đâu trên thế giới.

Xây dựng và chính thức vận hành cơ sở dữ liệu về TMĐT được thu thập từ nhiều nguồn thông tin theo quy định. Cơ sở dữ liệu TMĐT được tập trung tại Tổng cục Thuế để hỗ trợ các cơ quan thuế địa phương khai thác và sử dụng trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.

Tổng cục Thuế chỉ đạo triển khai công tác thanh tra, kiểm tra tại cơ quan thuế các cấp tập trung vào các nhóm người nộp thuế có hoạt động liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số để chống thất thu và tăng cường ý thức chấp hành pháp luật thuế của tổ chức, các nhân kinh doanh TMĐT...

Bên cạnh đó, theo Phó tổng cục trưởng Mai Sơn, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước nói chung và quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT nói riêng, Tổng cục Thuế đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong lĩnh vực TMĐT. Đơn cử như kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Bộ Công an để thực hiện việc rà soát đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với CSDL về mã số thuế.

Quản lý thuế theo các nền tảng TMĐT

Phó tổng cục trưởng Mai Sơn cho hay, ngành Thuế đã tiếp cận hoạt động TMĐT theo các nền tảng có hoạt động TMĐT để áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp bao gồm 8 nhóm nền tảng: Nền tảng Sàn giao dịch TMĐT; Website/ứng dụng TMĐT; Nền tảng mạng xã hội; Nền tảng giao thông, vận tải, giao nhận; Nền tảng đại lý; Nền tảng thuê bao; Nền tảng quảng cáo; Nền tảng kho ứng dụng.

Song song với đó, ngành Thuế cũng phân loại người nộp thuế tham gia hoạt động TMĐT theo 2 nhóm chính là cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong trong nước; cung cấp hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới.Số liệu quản lý thuế trong 2 năm gần nhất đã ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT như sau: năm 2022 doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng (~ 130,57 tỷ USD), với số thuế đã nộp là 83 nghìn tỷ đồng. Năm 2023 doanh thu quản lý là 3,5 triệu tỷ đồng (~ 146,28 tỷ USD), số thuế đã nộp là 97 nghìn tỷ đồng.

Đối với nhà cung cấp nước ngoài, lũy kế đến thời điểm này đã có 94 NCCNN đã kê khai, nộp thuế với số thuế là trên 14,5 nghìn tỷ đồng.

Phó tổng cục trưởng Mai Sơn cho rằng, trong thời gian tới, chính sách pháp luật thuế và chính sách pháp luật chuyên ngành cần được củng cố, sửa đổi, bổ sung nhằm bao quát toàn bộ các hoạt động TMĐT, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục triển khai các chương trình tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài, truyền hình, …), tổ chức đối thoại trực tiếp với người nộp thuế, tổ chức đường dây nóng 24/7, thực hiện truyền thông qua các đại sứ quán, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và các đơn vị tư vấn thuế lớn.

Ngành Thuế tiếp tục rà soát và làm giàu cơ sở dữ liệu TMĐT từ các nguồn thông tin từ các bộ, ngành; từ các tổ chức kinh doanh trong hệ sinh thái TMĐT. Trên cơ sở dữ liệu thu thập được, ngành Thuế tiếp tục tổ chức dữ liệu, phân tích rủi ro trong đó có sử dụng phương pháp học máy - áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo và triển khai các biện pháp quản lý thuế phù hợp theo từng đối tượng có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử theo nguyên tắc quản lý rủi ro.

Ngoài ra, ngành Thuế tiếp tục triển khai hiện đại hóa công tác quản lý thu, nộp thuế đặc biệt đối với nhóm người nộp thuế là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong việc thực hiện nghĩa vụ khai thuế, nộp thuế theo hình thức điện tử. 

Thanh Phương
Bạn đang đọc bài viết Thuế từ hoạt động thương mại điện tử tăng mạnh tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Ngành Thuế hợp tác quốc tế thu thuế kinh doanh thương mại điện tử, dịch vụ kỹ thuật số
Tổng cục Thuế cho biết, năm 2024, ngành Thuế sẽ triển khai xây dựng phương án tham gia Hiệp định đa phương MLC (phân chia quyền đánh thuế đối với thu nhập phát sinh từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và dịch vụ kinh tế kỹ thuật số - Trụ cột 1) và Hiệp định đa phương STTR - Trụ cột 2.