Đẩy mạnh quản lý thuế thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số

22/02/2024, 07:58
báo nói -

TCDN - Trong thời gian vừa qua, quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số đã có những chuyển biến tích cực, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước.

7.000 tỷ đồng thuế thu được từ nhà cung cấp nước ngoài

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, Bộ Tài chính đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 về đẩy mạnh kết nối chia sẻ dữ liệu để phục vụ phát triển thương mại điện tử (TMĐT), chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường phối hợp hiệu lực hiệu quả giữa Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước và đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động TMĐT, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh xuyên biên giới, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.

Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1986/QĐ-BTC ngày 19/9/2023, đồng thời đã có 4 công văn gửi các Bộ, ngành liên quan về việc phối hợp triển khai thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong năm 2023, bước đầu đã phối hợp, chia sẻ dữ liệu với Bộ Công Thương và Bộ Công an.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Bộ Tài chính cũng đã ký kết các thỏa thuận, chương trình phối hợp công tác với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, và đang trong quá trình xây dựng dự thảo Thỏa thuận phối hợp công tác với Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế chính thức vận hành Cổng thông tin TMĐT từ ngày 15/12/2022 để tiếp nhận thông tin về các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT, theo đó các tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT chỉ cần cung cấp thông tin qua Cổng thông tin của Tổng cục Thuế thay cho hình thức thủ công trước đây (bản giấy, file excel, email,…). Từ khi triển khai đến nay, đã ghi nhận 357 sàn giao dịch TMĐT thực hiện việc cung cấp thông tin, trong đó có nhiều sàn chiếm thị phần lớn như: Shopee, Lazada, Sendo, Voso, Tiki…

Đồng thời, tiếp tục vận hành hiệu quả Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) (Etaxvn.gdt.gov.vn) nhằm hỗ trợ các NCCNN đăng ký, kê khai, nộp thuế tại Việt Nam từ ngày 21/3/2022. Đến nay, đã có 74 NCCNN đăng ký, khai thuế và nộp thuế. Trong năm 2023, số thuế các NCCNN đã khai, nộp trực tiếp qua cổng TTĐT của Tổng cục Thuế là 6.896 tỷ đồng.

Triển khai nhiều giải pháp chống thất thu thuế

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng đã ban hành Thông báo thực hiện kiểm tra, đối chiếu thông tin theo Đề án TMĐT đối với người nộp thuế hoạt động kinh doanh TMĐT bao gồm: 18 doanh nghiệp trong nước và 6 NCCNN không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam. Đến nay, đã tiến hành kiểm tra 15/18 doanh nghiệp trong nước, đã xử lý, phạt, truy thu thuế, lệ phí 128,6 tỷ đồng, giảm lỗ 986 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế VAT 113,9 tỷ đồng.

Đối với nhà cung cấp nước ngoài, Tổng cục Thuế đã có công văn yêu cầu NCCNN thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam; liên hệ làm việc trực tiếp nhằm hỗ trợ NCCNN thực hiện đăng ký thuế, khai nộp thuế, ban hành thông báo đề nghị giải trình cung cấp thông tin về các tổ chức có giao dịch với các NCCNN. Đến nay, 6/6 NCCNN đã thực hiện đăng ký thuế tại Việt Nam trong đó có 4 NCCNN đã thực hiện kê khai, nộp thuế qua Cổng TTĐT (Google, Netflix, Spotify, Apple).

Ngoài ra, Tổng cục Thuế đã thành lập Tổ công tác nghiên cứu chuyên sâu về TMĐT. Tổ công tác đã làm việc, trao đổi và học tập kinh nghiệm của các quốc gia và tổ chức trên thế giới như IMF, ADB, Nhật Bản…

Theo Bộ Tài chính, ngành Thuế đã thực hiện rà soát quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh qua sàn giao dịch TMĐT 5.826 doanh nghiệp và 23.192 cá nhân. Số thuế kê khai thường xuyên (không phân biệt hoạt động kinh doanh TMĐT hay truyền thống) của các doanh nghiệp và cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn 10 tháng đầu năm 2023 tăng 318 tỷ so với bình quân 10 tháng năm 2022. Đồng thời đến nay, cơ quan thuế đã tiến hành truy thu, xử lý vi phạm đối với 179 doanh nghiệp và  1.061 cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT với số tiền khoảng 275 tỷ đồng.

Tại Hội nghị sơ kết Đề án Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam diễn ra hồi tháng 12, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành đánh giá, Cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp nước ngoài và Cổng thông tin TMĐT là những bước đi quan trọng của ngành Thuế để hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành Thuế đã và đang nỗ lực mở rộng triển khai các dịch vụ thuế điện tử bao gồm: khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hỗ trợ tra cứu thông tin nghĩa vụ thuế nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế nói chung, người nộp thuế kinh doanh TMĐT nói riêng trong việc chấp hành nghĩa vụ thuế.

Theo ông Mai Xuân Thành, việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu về TMĐT đã quy định rõ ràng tại Luật Quản lý thuế. Tổng cục trưởng đề nghị các Cục Thuế tiếp tục nghiên cứu phát triển các ứng dụng để hỗ trợ công tác quản lý thuế.

Trong năm 2024, ngành Thuế sẽ đẩy mạnh việc triển khai áp dụng các giải pháp thu thập, phân tích, đối chiếu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau trên môi trường mạng phục vụ công tác quản lý thuế nhằm chống thất thu thuế, đặc biệt là đối với hoạt động TMĐT trong nước và dịch vụ số xuyên biên giới. Đồng thời, tập trung thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp giao dịch liên quan đến TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số,... góp phần cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh.

Theo Bộ Công Thương, TMĐT đã khẳng định được là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế. Năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam dự kiến đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới (tính đến tháng 12/2023 theo Statista).

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Đẩy mạnh quản lý thuế thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Ngành Thuế hợp tác quốc tế thu thuế kinh doanh thương mại điện tử, dịch vụ kỹ thuật số
Tổng cục Thuế cho biết, năm 2024, ngành Thuế sẽ triển khai xây dựng phương án tham gia Hiệp định đa phương MLC (phân chia quyền đánh thuế đối với thu nhập phát sinh từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và dịch vụ kinh tế kỹ thuật số - Trụ cột 1) và Hiệp định đa phương STTR - Trụ cột 2.