Thương mại điện tử phát triển, thách thức không nhỏ của ngành Thuế
TCDN - Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp nhỏ cá nhân, Tổng cục Thuế cho biết, với những đặc trưng của nền kinh tế số và tình hình phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời gian qua đã đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý thuế.
Xin bà cho biết kết quả thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) năm 2021? Những địa phương có số thu cao từ hoạt động TMĐT?
Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT trong thời gian qua đã được ngành thuế luôn quan tâm chú trọng, trên cơ sở công tác chỉ đạo toàn ngành, Cơ quan Thuế các cấp đã tích cực triển khai các giải pháp từ xây dựng chính sách, tuyên truyền hỗ trợ hướng dẫn người nộp thuế kê khai theo quy định của pháp luật để việc phối hợp chặt chẽ với sở, ban, ngành, địa phương, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và đã đạt được những kết quả như sau:
Về quản lý thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, theo quy định hiện hành đang thực hiện thu thuế thông qua các tổ chức tại Việt Nam (thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài) với số thu trung bình trên 1.000 tỷ đồng/năm (từ năm 2018 đến hết tháng 10/2021 thì các đơn vị này đã khai, nộp thuế với tổng số tiền là 4.263,82 tỷ đồng, trong đó một số tập đoàn lớn như Facebook là 1.641,75 tỷ đồng; Google là 1.573,24 tỷ đồng; Microsoft là 560,67 tỷ đồng. Năm 2020 số thu thuế từ hoạt động TMĐT xuyên biên giới đạt 1.143,8 tỷ đồng, 10 tháng đầu năm 2021 đạt 1.181,51 tỷ đồng, bằng 103,3% năm 2020).
Trong triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, ngành Thuế đã chú trọng công tác phối hợp với các ban ngành, địa phương để phát hiện, yêu cầu người nộp thuế là cá nhân kê khai, nộp thuế theo pháp luật.
Theo đó, đối với nhóm cá nhân có thu nhập lớn từ cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới (tiếp thị, quảng cáo trực tuyến; cung cấp sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số; bán hàng online;...) đã kê khai, nộp thuế với số thu tính đến tháng 10/2021 là 498 tỷ đồng, trong đó có một số trường hợp cá nhân có phát sinh thu nhập cao với số thuế đã truy thu lớn điển hình như: có cá nhân phát sinh thu nhập là 105 tỷ đồng với số thuế và tiền chậm nộp đã nộp năm 2021 là 11 tỷ đồng; cá nhân sản xuất phần mềm và có nguồn thu từ quảng cáo có thu nhập là 330 tỷ đồng với số thuế đã nộp năm 2020 là 23,4 tỷ đồng; và một cá nhân khác có thu nhập là 260 tỷ đồng với số thuế đã nộp năm 2020 là 18,1 tỷ đồng...
Kết quả thu tập trung chủ yếu ở các Cục Thuế lớn như Cục thuế Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Định và một số tỉnh cũng đã triển khai, bước đầu đạt được kết quả như Quảng Nam, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Quảng Trị, Hưng Yên, Hà Nam.
Để đạt được kết quả như trên, theo bà do những yếu tố nào?
Thời gian quan toàn ngành Thuế đã triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thuế. Theo đó, bên cạnh việc thực hiện quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và các Luật Thuế (Giá trị gia tăng, Thu nhập doanh nghiệp, Thu nhập cá nhân), các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thuế, Luật Quản lý thuế và các quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan thì toàn ngành đã triển khai công tác: Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế qua rất nhiều kênh thông tin, hình thức tuyên truyền tại các chuyên mục đặc biệt về pháp luật thuế qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Đồng thời Tổng cục Thuế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Cơ quan các cấp tăng cường công tác quản lý thuế, phối hợp với các Bộ, ban ngành có liên quan để cùng triển khai.
Tổng cục Thuế cũng xây dựng Đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam” nhằm tăng cường quản lý hiệu quả đối với hoạt động TMĐT và tham mưu Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 2146/QĐ-BTC ngày 12/11/2021 về Kế hoạch tổng thể thực hiện các giải pháp tại Đề án Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam. Tổng cục Thuế ban hành Kế hoạch chi tiết triển khai Đề án Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam kèm theo Quyết định số 1741/QĐ-TCT ngày 29/11/2021 để triển khai các nhiệm vụ Đề án được giao.
Việc thu thuế đối với hoạt động TMĐT hiện nay còn chưa tương xứng với quy mô của thị trường TMĐT. Theo bà ngành Thuế đang gặp khó khăn ở đâu?
Với những đặc trưng của nền kinh tế số và tình hình phát triển nhanh chóng của TMĐT tại Việt Nam trong thời gian qua đã đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý thuế.
Đối với hoạt động TMĐT mua bán hàng hoá, dịch vụ trong nước: Phát sinh quá nhiều đối tượng hoạt động kinh doanh TMĐT, các giao dịch diễn ra quá nhiều mang tính nhỏ lẻ; phát sinh trường hợp NNT không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế; cơ quan thuế không xác định được địa điểm kinh doanh, khó xác định cơ quan thuế quản lý; thời gian kinh doanh của NNT diễn ra liên tục 24/7…
Đối với TMĐT xuyên biên giới, người nộp thuế không đăng ký kinh doanh, không có cơ sở kinh doanh cố định; doanh nghiệp nước ngoài thường viện dẫn theo Hiệp định thuế, xác định không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam nên không kê khai, nộp thuế TNDN.
Những điều trên dẫn đến hàng loạt thách thức. Thứ nhất, khó khăn trong việc quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế khi các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động kinh doanh xuyên biên giới mà không thuộc đối tượng đánh thuế của bất kỳ quốc gia nào theo nguyên tắc quản lý thuế truyền thống.
Thứ hai, khó khăn trong việc xác định căn cứ tính thuế. Trên môi trường số, các hoạt động kinh doanh có thể thực hiện thông qua website hiện diện ở một khu vực thị trường nào đó mà không cần sự hiện diện vật chất của người nộp thuế tại đó.
Thứ ba, khó khăn trong việc phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế. Trong nền kinh tế số rất khó phân biệt một số loại thu nhập, đặc biệt là bản quyền, phí dịch vụ và lợi nhuận kinh doanh.
Thứ tư, khó kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Do chủ thể kinh doanh thương mại điện tử không cần đến cửa hàng, cửa hiệu theo cách truyền thống, các giao dịch hoàn toàn thực hiện bằng phương thức điện tử, máy chủ có thể đặt tại nước ngoài, một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên 1 sàn giao dịch TMĐT, và cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch TMĐT, cùng lúc trên nhiều trang mạng xã hội.
Thứ 5, việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng do nhiều phương thức thanh toán được áp dụng như thanh toán qua ngân hàng, thanh toán điện tử, thanh toán ngang hàng (P2P), tiền điện tử,... Ở Việt Nam, việc kiểm soát giao dịch kinh doanh thương mại điện tử trong nước khó khăn hơn khi mà hệ thống thanh toán theo hình thức COD (trả tiền mặt khi giao hàng) được áp dụng phổ biến hơn các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Năm 2022 ngành thuế có định hướng như thế nào đối với việc thu thuế TMĐT?
Về định hướng đối với việc thu thuế TMĐT, tại Đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam” đã hệ thống các vấn đề về thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế để đưa ra được giải pháp xây dựng chính sách thuế, quản lý thuế và pháp luật chuyên ngành có liên quan khác đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam cho giai đoạn từ nay tới năm 2025.
Cụ thể, áp dụng khuyến nghị của các tổ chức quốc tế và tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia, Bộ Tài chính đã xây dựng các chương trình xúc tiến hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm về quản lý thuế quốc tế (đặc biệt thanh tra, kiểm tra thuế) đối với hoạt động TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, để tăng cường công tác quản lý thuế hoạt động TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới cần thực hiện 7 giải pháp: (1) Xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý; (2) Phối hợp các Bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội; (3) Hiện đại hóa công tác quản lý thuế một cách toàn diện theo hướng áp dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo; (4) Áp dụng giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền trong quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT; (5) Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT; (6) Củng cố địa vị pháp lý của một số Vụ, đơn vị của Tổng cục thuế trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT; (7) Áp dụng biện pháp thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động TMĐT.
Đặc biệt, để triển khai có hiệu quả các giải pháp nêu trên, rất cần có sự chỉ đạo điều hành của cả hệ thống chính trị để tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành (Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước). Từ đó tạo sự thống nhất, đồng bộ trong các quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan đến hoạt động TMĐT.
Để hoạt động TMĐT tại Việt Nam phát triển một cách toàn diện thì mọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp, ngành tài chính và các Bộ ngành có liên quan cần nâng cao vai trò trách nhiệm trong định hướng chuyển đổi số và công tác quản lý hoạt động TMĐT nói chung và quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT nói riêng.
Xin cảm ơn bà!
Thanh Phương
email: [email protected], hotline: 086 508 6899