Tích hợp các sản phẩm dịch vụ tài chính tiềm ẩn rủi ro
TCDN - Đó là nhận định được đưa ra tại Hội thảo Quốc gia “Phát triển dịch vụ Tài chính – Ngân hàng – Bảo hiểm trong bối cảnh mới” do Trường Đại học Thương mại và Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - Bộ Tài chính phối hợp tổ chức.
PGS, TS. Lê Thị Kim Nhung - Trưởng khoa TCNH, Trường Đại học Thương mại cho hay, phát triển các dịch vụ tài chính nói chung và dịch vụ tài chính số nói riêng đang là xu thế không thể đảo ngược trong bối cảnh thế giới đang diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, và xu thế này ngày càng trở nên phổ biến khi mà nền kinh tế toàn cầu đã và đang chịu tác động mạnh mẽ bởi đại dịch Covid 19.
Đại dịch này đã lây lan ra trên quốc gia và vùng lãnh thổ, đã tạo ra những thách thức chưa từng có tiền lệ nhưng cũng đã góp phần tạo ra sự thay đổi nhanh chóng của các phương thức kinh doanh và cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Việc ứng dụng nhiều hơn các công nghệ tiên tiến trong cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính sáng tạo được nhiều quốc gia trên thế giới chú trọng trong đó có Việt Nam để đối phó với cuộc khủng hoảng cũng như phát huy lợi thế để phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, theo bà Nhung, sự phát triển các dịch vụ tài chính trong bối cảnh mới cũng đi kèm không ít thách thức, đòi hỏi phải có thay đổi về thể chế, tăng cường đầu tư vốn, đổi mới công nghệ và nâng cao trình độ nhân lực,...
TS. Vũ Mai Chi – Học viện Ngân hàng cho rằng, hoạt động tích hợp các dịch vụ tài chính tiềm ẩn rủi ro, thách thức cho các bên liên quan và hệ thống tài chính. Cụ thể như thách thức trong việc quyết định về lựa chọn cấu trúc doanh nghiệp; thiếu kinh nghiệm tổ chức quản lý và giải quyết các xung đột văn hóa doanh nghiệp do cấu trúc của các tập đoàn, công ty tài chính được tích hợp sẽ bao gồm nhiều bộ phận khác biệt.
Khó khăn trong quản lý tài chính: Dòng tiền sẽ được luân chuyển đa chiều từ công ty mẹ đầu tư cho công ty con và công ty con có thể chuyển các khoản tiền tương tự cho các công ty con và công ty liên kết. Ngược lại, dòng vỗn cũng có thể chuyển từ công ty con sang công ty mẹ. Trên thực tế, sẽ có rủi ro lớn xảy ra nếu khoản đầu tư của công ty mẹ vào các công ty con có nguồn gốc từ vốn vay nợ thay vì vốn chủ sở hữu. Với quy mô và phạm vi hoạt động rộng của một số tập đoàn tài chính, việc vay vốn nhiều và thiếu vốn có thể có tác động tiêu cực đến sự ổn định tài chính khi tập đoàn bị thua lỗ lớn.
Ngoài ra còn có vấn đề về xung đột lợi ích trong giao dịch với khách hàng; mối quan hệ qua lại giữa các công ty trong một tập đoàn có thể dẫn đến rủi ro lây lan khi một đơn vị gặp sự cố, thậm chí có thể dẫn đến rủi ro danh tiếng ở mức cao hơn so với khi các tổ chức tồn tại độc lập…
Theo TS Vũ Đình Ánh việc xử lý xung đột lợi ích giữa ngân hàng, bảo hiểm, khách hàng là việc phải giải quyết trong thời gian tới. Vì vậy cần phải hết sức tránh những cái gây ra tâm lý tiêu cực, điều này có thể hạn chế việc phát triển tích hợp sau này.
Ông Ánh cho rằng, ngoài ra, hiện nay có thực tế mối quan hệ giữa chứng khoán và ngân hàng. Ở đây nảy sinh vấn đề rủi ro giữa ngân hàng và chứng khoán bởi có nhiều mối quan hệ không đơn thuần giữa công ty chứng khoán và ngân hàng.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899