Tiêm mũi thứ hai vắc xin Covivac cho 6 người đầu tiên
TCDN - Đại học Y Hà Nội đã tổ chức tiêm mũi thứ hai của vắc xin Covid-19 Việt Nam Covivac cho những người tình nguyện.
Trước đó, trong ngày 11-4, ông Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC), cho biết sau khi nghiên cứu và cho ra kết quả tốt, vắc xin COVIVAC đã được đưa vào thử nghiệm và sẽ sớm được sản xuất ra thị trường khi được Bộ Y tế cấp phép, phê duyệt theo quy trình hoặc cấp phép trong trường hợp khẩn cấp.
Tại Trường đại học Y Hà Nội đã triển khai tiêm vắc xin cho người tình nguyện tham gia. 120 tình nguyện viên thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 được chia thành 5 nhóm để tiêm với các mức liều khác nhau, mỗi đợt tiêm 12 - 15 người/ngày, cách nhau 8 ngày cho đến 20-4-2021.
Tiêm vắc xin Covivac cho tình nguyện viên.
Vào sáng nay, PGS.TS Vũ Đình Thiểm, Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, 6 người đầu tiên được tiêm mũi vắc xin thứ hai là những người đã tiêm mũi thứ nhất vào ngày 15/3.
PGS Thiểm thông tin: "Đến thời điểm hiện tại, tức là khoảng 30 phút sau tiêm vắc xin, cả 6 tình nguyện viên chưa có phản ứng phụ bất thường. Vì với mũi tiêm thứ hai, các tình nguyện viên chỉ phải ở lại điểm tiêm 4 tiếng đồng hồ để theo dõi, nên nếu không có gì bất thường, tình nguyện viên sẽ được về theo dõi tại nhà trong chiều nay". Các tình nguyện viên đã được tiêm thử vắc xin Covivac đều chỉ ghi nhận phản ứng phụ ở mức nhẹ và trung bình như đau nhức vùng tiêm, mỏi cơ, sốt nhẹ.
Cũng theo chuyên gia này, hiện đã có 96/120 tình nguyện viên đã được tiêm mũi đầu tiên của vắc xin Covivac. Dự kiến 24 tình nguyện viên còn lại sẽ được tiêm vào ngày 16-17/4.
Mũi tiêm thứ hai sẽ được tiêm sau mũi thứ nhất 28 ngày. Trong suốt quá trình nghiên cứu, các tình nguyện viên sẽ được theo dõi sức khỏe và mời đến thăm khám bảy lần theo lịch trình nghiên cứu, để đánh giá an toàn và tính sinh miễn dịch của vắc xin.
COVIVAC là sản phẩm hợp tác của IVAC với một số trường đại học và tổ chức quốc tế cùng các đối tác trong nước và nước ngoài. Ðến nay, IVAC hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất vắc xin.
Vắc xin COVIVAC có điểm tương đồng với vắc xin AstraZeneca được nhập khẩu và ưu tiên tiêm tại một số địa phương cả nước hiện nay là đều sử dụng công nghệ véc tơ, tuy nhiên, giá thể sử dụng của hai nhà sản xuất khác nhau.
COVIVAC sử dụng công nghệ nuôi cấy trứng gà có phôi công nghệ đang được IVAC áp dụng để sản xuất vắc xin phòng cúm mùa từ nhiều năm nay, còn vắc xin AstraZeneca sản xuất theo công nghệ nuôi cấy tế bào.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899