Tiền mã hóa là con dao hai lưỡi đối với các nước đang phát triển

15/08/2022, 07:05
báo nói -

TCDN - Liên Hợp Quốc cảnh báo tiền mã hóa có thể đe dọa sự ổn định tài chính của các quốc gia đang phát triển, tạo ra hoạt động tài chính bất hợp pháp.

Năm 2021, El Salvador khiến cả thế giới ngạc nhiên khi trở thành quốc gia đầu tiên coi Bitcoin là tiền tệ hợp pháp. Động thái ấy khiến một số quốc gia bắt đầu xem xét tính pháp lý của tiền số. Giữa năm nay, đến lượt Trung Phi thông báo Bitcoin trở thành tiền tệ hợp pháp.

Ngay sau đó, Tổng thống Nayib Bukele của El Salvador mời các cơ quan quản lý tiền tệ và ngân hàng trung ương từ 44 quốc gia đến Hội nghị Bitcoin tại nước này. Đa số đại biểu tham dự hội nghị tới từ các quốc gia châu Phi và các nước đang phát triển khác. Các bên thảo luận về tài chính, kinh tế kỹ thuật số, dịch vụ tài chính cho những người không có tài khoản ngân hàng, cũng như về Bitcoin và lợi ích của tiền số này ở El Salvador.

Các nước đang phát triển chuộng tiền mã hóa

Ở Argentina, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và một số khu vực của châu Phi, nhiều công ty đang sử dụng tiền số khi lạm phát tăng cao. Các công ty dùng công nghệ blockchain để thu hút nhân tài trên toàn thế giới và trả lương cho nhân viên bằng tiền số - như Bitcoin, Ether và các stablecoin dựa trên USD - nhằm tiết kiệm phí chuyển tiền quốc tế truyền thống.

Báo cáo mới đây của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho rằng tiền số trở nên phổ biến ở châu Phi và nhiều nước đang phát triển khác. Tỷ lệ sử dụng tiền số tại Kenya, Nam Phi và Nigeria đều trên 6%.

Một yếu tố khác khiến tiền số phổ biến ở khu vực trên là kinh tế trì trệ, cùng với các cuộc khủng hoảng nợ và bất ổn chính trị. Điều này khiến nội tệ yếu đi ở các nước có lạm phát cao như Kenya và Nigeria. Tiền số được kỳ vọng giải quyết cả vấn đề tài chính và nội tệ yếu.

Bitcoin

Ban đầu, tiền mã hóa ra đời để phục vụ nhóm dân số không có tài khoản ngân hàng hoặc khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng thấp. Các nước đang phát triển có tỷ lệ người dân thuộc nhóm này khá cao. Nhiều nước có tới hơn 50% dân số ít hoặc không được tiếp cận với ngân hàng hoặc các dịch vụ tài chính cơ bản. Trên lý thuyết, tiền số và công nghệ blockchain cho phép mọi người tham gia sử dụng dịch vụ tài chính nhanh chóng với chi phí thấp. Hệ sinh thái tài chính phi tập trung (DeFi) giúp những người không có tài khoản ngân hàng tiếp cận các công cụ tài chính cần thiết như cho vay, tiết kiệm hoặc đầu tư để tạo thu nhập thụ động.

Nhà đồng sáng lập nền tảng tài chính blockchain Philcoin - Dunstan Teo, cho rằng: "Tiền số không chỉ cung cấp một nguồn thu nhập mới cho cá nhân mà còn giúp các chính phủ xây dựng lại chủ quyền tài chính của họ".

Con dao hai lưỡi

Song tiền mã hóa có thể là "con dao hai lưỡi" với các quốc gia đang phát triển. Liên Hợp Quốc cảnh báo tiền mã hóa có thể đe dọa sự ổn định tài chính của các quốc gia đang phát triển, tạo ra hoạt động tài chính bất hợp pháp, ngăn chính quyền kiểm soát dòng vốn và cũng gây nguy hiểm cho nội tệ.

Trên thực tế, tiền mã hóa rất phức tạp, đòi hỏi kiến thức về công nghệ. Trong khi đó, một tỷ lệ đáng kể dân số trưởng thành ở châu Phi cận Sahara (34,7%) mù chữ và có thể không am hiểu công nghệ. Thực tế ấy khiến quan điểm tiền số dễ triển khai hơn ngân hàng trở thành chuyện viển vông.

Thứ hai, tiền số nổi tiếng với mức biến động lớn. Ít nhất là trong năm nay, "mùa đông tiền số" đã khiến vốn hóa thị trường bốc hơi 70%. Sự sụt giảm ấy ảnh hưởng xấu đến các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đặc biệt là những người không hiểu rõ về loại tài sản này.

Một vấn đề khác được các nước đang phát triển quan tâm là mối đe dọa với nội tệ. Nếu tiền số được sử dụng rộng rãi hơn so với tiền pháp định, các cơ quan như ngân hàng trung ương sẽ không thể điều hành nền kinh tế bằng chính sách tiền tệ được nữa.

Một lý do khác là chính phủ các nước đang phát triển vốn thường xuyên lo lắng về sự dịch chuyển dòng vốn khỏi quốc gia. Tiền số sẽ càng khiến điều này diễn ra dễ dàng, kéo theo sự biến động tỷ giá và khiến nội tệ mất giá nhanh chóng. Vì thế, lý thuyết gây dựng lại nền tài chính cho nhóm nước này gần như thiếu cơ sở.

Trước mắt UNCTAD của Liên Hợp Quốc khuyến nghị các nước đang phát triển tìm cách giảm việc sử dụng tiền số, như áp thuế đối với các giao dịch sử dụng công nghệ và yêu cầu bắt buộc đăng ký đối với các ví kỹ thuật số và sàn giao dịch tiền số. UNCTAD còn đưa ra ý tưởng cấm các tổ chức tài chính nắm giữ tài sản kỹ thuật số và ngăn họ cung cấp các dịch vụ liên quan cho khách hàng.

Các quốc gia đang phát triển cũng được khuyên nên hạn chế hoặc cấm quảng cáo tiền số ở những nơi công cộng hoặc trên mạng xã hội. Liên Hợp Quốc cho rằng việc bảo vệ người tiêu dùng ở các quốc gia có trình độ tài chính thấp là cần thiết.

"Đây không phải là vấn đề chấp thuận hay không chấp thuận tiền số. Chúng tôi đang chỉ ra những rủi ro xã hội và chi phí liên quan đến loại hình này. Khuyến nghị trên cũng áp dụng cho bất kỳ sản phẩm tài chính đầu cơ hoặc rủi ro cao nào có lợi nhuận không chắc chắn", Penelope Hawkins - nhà kinh tế học và quan chức kinh tế cấp cao tại UNCTAD, chia sẻ.

Tùng Lâm/theo Decrypt
Bạn đang đọc bài viết Tiền mã hóa là con dao hai lưỡi đối với các nước đang phát triển tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Phó thống đốc: Sẽ ngăn chặn rửa tiền, gian lận trốn thuế, tham nhũng qua Bitcoin và tiền ảo
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Chính phủ sẽ có những văn bản quy định về Bitcoin, tiền ảo và các loại hình khác… để đảm bảo ngăn chặn, phòng, chống rửa tiền, khủng bố, gian lận trốn thuế hoặc thậm chí sử dụng tài sản này để biếu tặng có tính chất tham nhũng, hối lộ.