Tỉnh Bình Dương bội chi ngân sách 100%
TCDN - Đây là thông tin được đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Hậu Giang) đưa ra tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 15/6.
Trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy phê bình rằng việc kiểm soát bội chi ngân sách địa phương chưa tốt, chưa nghiêm.
Dẫn phụ lục số 5 - dự thảo nghị quyết phê duyệt quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 bà Thủy cho hay vẫn còn 8 tỉnh thành bội chi với tỷ lệ bội chi lên đến hai con số, 14% – 28%.
"Cá biệt, tỉnh Bình Dương bội chi 100%, dẫn đến tỷ lệ nợ vay ngân sách chiếm 228,2%", bà Thủy nói.
"Vì sao 55/63 tỉnh thành thực hiện nghiêm mà 8 tỉnh thành lại không thực hiện nghiêm. Trách nhiệm người đứng đầu tỉnh thành này như thế nào, có phải vẫn tồn tại cơ chế xin cho không", bà Thủy đặt câu hỏi.
Theo báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 Chính phủ trình Quốc hội, bội chi ngân sách nhà nước là 153.110 tỷ đồng (ngân sách trung ương 153.110 tỷ đồng, ngân sách địa phương không bội chi), bằng 2,8% GDP thực hiện, giảm 50.890 tỷ đồng so với dự toán;
Nguồn bù đắp bội chi ngân sách trung ương gồm: vay trong nước 110.689 tỷ đồng, vay ngoài nước 42.421 tỷ đồng; kết dư ngân sách địa phương 157.886 tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán cho thấy kết dư ngân sách địa phương bằng 46,8% tổng số bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương (157.886/337.466 tỷ đồng), trong đó 47/47 địa phương được bổ sung cân đối đều có kết dư ngân sách địa phương 28.643 tỷ đồng, bằng 14,4% số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương (28.643/198.524 tỷ đồng).
Ngoài nêu vấn đề về ngân sách, đại biểu Thủy cũng đặt câu hỏi về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Theo bà, nhiều năm qua, cử tri vẫn bức xúc về việc kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân chưa được thực hiện tốt.
"Thực tế không chỉ giá thịt heo nhảy múa bất thường mà còn nhiều mặt hàng khác chính phủ chưa kiểm soát được giá, chưa có biện pháp xử lí nghiêm các hành vi gom hàng, thao túng giá hay trốn thuế…"
"Biết rằng phải tuân thủ quy luật thị trường, trong đó có quy luật cung cầu, song cử tri rất cần vai trò điều tiết, quản lý của chính phủ. Nhiều câu hỏi đặt ra vẫn chưa có lời đáp như vì sao khâu lưu thông hàng hóa, nhất là khâu tổ chức đầu mối thu mua, bảo quản, trung chuyển, bán lẻ vẫn ì ạch và bị tư nhân thao túng, ép giá làm khổ bao người dân sản xuất nông nghiệp?
"Vì sao miếng thịt đến tay người tiêu dùng bị đội giá lên nhiều lần? Vì sao người tiêu dùng luôn hoài nghi bất an, sợ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng?
"Cử tri kiến nghị chính phủ phải có giải pháp khắc phục", bà Thủy nói
Theo Vietnamfinance
email: [email protected], hotline: 086 508 6899