Đề xuất miễn, giảm, gia hạn nộp 200 nghìn tỷ tiền thuế, phí, lệ phí
TCDN - Giải trình làm rõ một số nội dung được các đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ, cân đối ngân sách nhà nước là vấn đề lớn nhất trong đảm bảo an ninh an toàn tài chính quốc gia, phản ánh chất lượng nền kinh tế...
Cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí
Theo Bộ trưởng, từ đầu năm đến nay, do tác động của tình hình thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19 đã tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội và thu, chi, cân đối ngân sách nhà nước năm 2020.
Triệt để tiết kiệm chi, năm nay phải cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, bên cạnh việc phải đảm bảo dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020 (bao gồm cả kế hoạch năm 2019 chuyển sang); ngân sách nhà nước còn phải bố trí nguồn tăng chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ. Đồng thời, chủ động tăng cường dự trữ quốc gia, hỗ trợ kịp thời người dân ở những khu vực khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo không ai bị đói.
Mặc dù đến nay, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19, song diễn biến thế giới còn rất phức tạp. Với một nền kinh tế hội nhập sâu rộng, có độ mở cao, tác động của đại dịch này tới nền kinh tế là rất nghiêm trọng và có thể kéo dài. Trên cơ sở kịch bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ, Quốc hội, Bộ Tài chính đã đưa ra các kịch bản tác động đến cân đối ngân sách nhà nước.
Kết quả thu ngân sách 5 tháng đầu năm mới đạt 38,2% dự toán, giảm 9,2% so cùng kỳ và là mức thấp nhất từ năm 2014 đến nay. Dự báo thu ngân sách năm 2020 sẽ không đạt dự toán Quốc hội quyết định. Theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, trường hợp thu ngân sách không đạt dự toán, các cấp ngân sách (cả Trung ương và địa phương) đều phải rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ.
Trên cơ sở thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi, sắp xếp, cắt giảm các nhiệm vụ chi, quản lý chặt chẽ sử dụng dự phòng ngân sách; các địa phương sử dụng các nguồn lực hợp pháp, bao gồm cả nguồn tăng thu ngân sách năm 2019 chuyển sang, để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương, Bộ Tài chính dự kiến trường hợp tăng trưởng GDP khoảng 4,5%, bội chi ngân sách nhà nước khoảng 4,73% GDP, tương ứng tăng 75 nghìn tỷ đồng so với dự toán đầu năm; nợ công khoảng 55,5% GDP. Trường hợp tăng trưởng GDP khoảng 3,6%, bội chi nganh sách nhà nước khoảng 5,02% GDP, tương ứng tăng 90 nghìn tỷ đồng so với dự toán đầu năm; nợ công khoảng 56,4% GDP.
4 điếm nhấn trong công tác điều hành NSNN
Tuy nhiên, với cả 2 kịch bản này, dự kiến bội chi ngân sách nhà nước bình quân 5 năm vẫn nhỏ hơn 3,9% GDP, nợ công khoảng 55% GDP. Trước tình hình sản xuất - kinh doanh, cân đối thu - chi ngân sách còn khó khăn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ, công tác điều hành NSNN từ nay đến cuối năm cần chú ý một số điểm sau:
Một là, triển khai có hiệu quả các giải pháp tài khóa hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần khôi phục sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo nhịp sống sinh hoạt bình thường của người dân, trong khi vẫn phải tiếp tục cảnh giác cao với dịch bệnh.
Hai là, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; rà soát để cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết.
Ba là, đẩy nhanh giải ngân, phấn đấu giải ngân hết số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2020 (bao gồm cả năm 2019 chuyển sang) khoảng 700 nghìn tỷ đồng (bằng 2,2 lần số vốn thực giải ngân năm 2019). Đồng thời tranh thủ, đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài,để hỗ trợ tăng trưởng của nền kinh tế.
Bốn là, các địa phương chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ, nguồn tăng thu ngân sách năm 2019 chuyển sang năm 2020 và nguồn lực tại chỗ để chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, an toàn trật tự trên địa bàn và các nhiệm vụ chi cấp thiết phát sinh theo chế độ và hỗ trợ trong trường hợp bị hụt thu. Rà soát, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi chưa thật cần thiết để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương.
Với doanh nghiệp xuất khẩu, thời điểm áp dụng 0 giờ không còn xa lạ
Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) về quản lý nhà nước trong xuất khẩu gạo thời gian qua, từ góc độ Bộ Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, việc xuất khẩu gạo thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, theo đó, ngoài bộ hồ sơ hải quan theo quy định, người khai hải quan phải nộp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Theo quy định của Luật Hải quan, Điều 29 quy định: “Khai hải quan được thực hiện theo phương thức điện tử, trừ trường hợp người khai hải quan được khai trên tờ khai hải quan giấy theo quy định của Chính phủ” và Điều 25: “Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký”. Điều 26, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, quy định: “Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký, xử lý tờ khai hải quan 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần”.
Căn cứ các quy định trên, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong giao dịch với các đối tác nước ngoài ở nhiều múi giờ khác nhau trên thế giới, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan hải quan xây dựng Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (gọi tắt là VNACCS/VCIS) cho phép người khai hải quan được đăng ký tờ khai hải quan 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần.
“Đây là nỗ lực của cả hệ thống tổ chức, được các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá cao, thể hiện nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.
Các chính sách quản lý được nạp vào hệ thống VNACCS/VCIS trước thời điểm 0g00 sẽ được hệ thống tự động áp dụng từ 0g00 ngày tiếp theo (ví dụ biểu thuế xuất; tiêu chí quản lý rủi ro; danh sách DN cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu...). Đối với doanh nghiệp xuất khẩu thì thời điểm áp dụng 0 giờ không còn là điều xa lạ.
Cơ quan Hải quan thực hiện theo quy định của pháp luật, cũng như hướng dẫn, yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước. Cụ thể, việc ngày 11.4, cơ quan hải quan cho xuất khẩu gạo thuộc hạn ngạch 400 nghìn tấn thực hiện theo quyết định của Bộ Công Thương.
“Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã cố gắng cải cách hải quan và theo thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng đã tăng cường kiểm tra, thanh tra nội bộ, xử lý sai phạm nếu xảy ra”, Bộ trưởng nêu rõ.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899