Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt thực hiện phân loại nợ

04/05/2021, 09:07

TCDN - Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước đối với từng trường hợp cụ thể.

Đây là một trong những nội dung của Dự thảo Thông tư Quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau 7 năm triển khai thực hiện Thông tư 02, căn cứ, cơ sở xây dựng Thông tư 02 đều đã được sửa đổi, bổ sung.

“Thực tiễn triển khai quy định tại Thông tư 02 trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước nhận được nhiều ý kiến của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, cũng như phản ánh của các đơn vị về những bất cấp giữa quy định tại Thông tư 02 và các quy định của pháp luật có liên quan”, Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Các tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài phải thực hiện trích lập rủi ro hàng tháng. (Ảnh minh họa)

Các tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài phải thực hiện trích lập rủi ro hàng tháng. (Ảnh minh họa)

Dự thảo bổ sung phạm vi điều chỉnh. Cụ thể, dự thảo quy định về việc phân loại, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng đối với các tài sản có (sau đây gọi tắt là nợ) phát sinh từ các hoạt động sau: cho vay; cho thuê tài chính; chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và giấy tờ có giá khác; bao thanh toán; cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng; trả thay theo cam kết ngoại bảng; mua và ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp (bao gồm cả trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành) chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch của các công ty đại chúng chưa niêm yết (Upcom) (sau đây gọi tắt là trái phiếu chưa niêm yết), không bao gồm mua trái phiếu chưa niêm yết bằng nguồn vốn ủy thác mà bên ủy thác chịu rủi ro;

Ủy thác cấp tín dụng; gửi tiền (trừ tiền gửi thanh toán) tại tổ chức tín dụng trong nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của pháp luật và gửi tiền tại tổ chức tín dụng nước ngoài; hoạt động mua, bán nợ;

Họat động mua bán lại trái phiếu Chính phủ trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán;

Hoạt động mua có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Hoạt động mua hẳn kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, giấy tờ có giá khác do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước.

Các khoản bảo lãnh, chấp nhận thanh toán, cam kết cho vay không hủy ngang (sau đây gọi chung là cam kết ngoại bảng) phải được phân loại theo quy định tại Thông tư này để quản lý, giám sát chất lượng hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Việc trích lập và sử dụng dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng tổn thất các khoản nợ phải thu khó đòi, trừ các khoản quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật về việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp.

Việc trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro đối với trái phiếu đặc biệt do Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam phát hành để mua nợ xấu của tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Dự thảo quy định tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước đối với từng trường hợp cụ thể.

Đối với khoản nợ mà việc cho vay, cấp tín dụng thực hiện theo chấp thuận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đối với từng trường hợp cụ thể.

Căn cứ kết quả thanh tra, giám sát và thông tin tín dụng có liên quan, Ngân hàng Nhà nước có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện việc đánh giá, phân loại lại các khoản nợ cụ thể và trích lập dự phòng đầy đủ, phù hợp với mức độ rủi ro của các khoản nợ đó.

Chi tiết Dự thảo xem tại đây.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt thực hiện phân loại nợ tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan