Tôm Việt Nam xuất sang Mỹ phải gánh thêm thuế chống trợ cấp

29/03/2024, 06:47
báo nói -

TCDN - Mỹ sẽ áp thuế thêm chống trợ cấp sơ bộ với tôm Việt Nam, Ấn Độ và Ecuador từ 2 - 196% nếu hàng nhập khẩu được trợ cấp gây tổn hại cho ngành tôm nước này.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố về việc tôm Việt Nam, Ấn Độ và Ecuador có thể sẽ buộc phải trả thuế chống trợ cấp (CVD) sơ bộ, dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%. 

Thuế suất chống trợ cấp sẽ có hiệu lực ngay khi DOC công bố thông tin lên Công báo liên bang (Federal Register), dự kiến sẽ diễn ra trong vài ngày tới. Khoản thuế này sẽ được hoàn lại nếu các nhà điều tra xác định rằng các nước nhập khẩu không vi phạm cung cấp trợ cấp bất hợp pháp hoặc nếu hàng nhập khẩu được trợ cấp không gây tổn hại cho ngành tôm Hoa Kỳ.

Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải gánh thêm thuế chống trợ cấp.

Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải gánh thêm thuế chống trợ cấp.

Tuy nhiên, phán quyết cuối cùng sẽ không được đưa ra cho đến mùa thu hoặc mùa đông năm 2024, nghĩa là các nhà nhập khẩu có thể sẽ phải đối mặt với mức chi phí đặt cọc thuế cho tôm xuất khẩu trong phần lớn thời gian còn lại của năm 2024. Cụ thể, ngay sau khi quyết định của DOC được công bố chính thức, các nhà nhập khẩu tôm từ Ấn Độ sẽ phải đặt cọc 4,72% đối với tôm nhập khẩu từ Devi Sea Foods, 3,89% từ  Sandhya Aqua Exports và 4,36% từ tất cả các nhà cung cấp Ấn Độ khác. Các nhà nhập khẩu tôm từ Ecuador sẽ phải đặt cọc 13,41% đối với tôm nhập khẩu từ Industrial Pesquera Santa Priscila, 1,69% từ Sociedad Nacional de Galapagos (SONGA) và 7,55% từ tất cả các nhà cung cấp khác của Ecuador. 

Đối với tôm Việt Nam, yêu cầu đặt cọc sẽ là 2,84% đối với Stapimex, 196,41% đối với Thông Thuận và 2,84% đối với tất cả các nhà cung cấp Việt Nam khác. DOC đưa ra quyết định sơ bộ không có trợ cấp đối với các công ty Indonesia, vì vậy tôm Indonesia sẽ không cần đặt cọc.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 2 năm nay đạt 31 triệu USD, giảm 9% so với tháng 2/2023. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 72 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Giá trung bình xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ sau khi chạm đáy vào tháng 11/2023, đã có xu hướng tăng trong những tháng đầu năm nay.

Trước đó, vào tháng 11/2023, DOC đã tiếp nhận đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. Những sản phẩm bị điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp là tôm nước ấm đông lạnh thuộc mã HS 0306.17, 1605.21 và 1605.29.

Trong số đó, Việt Nam chỉ bị điều tra chống trợ cấp do mặt hàng tôm Việt Nam đang bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá từ năm 2004 đến nay.

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) nguyên đơn đề nghị DOC khởi xướng điều tra chống trợ cấp đối với cả tôm đông lạnh và tôm tươi từ Việt Nam. Thời kỳ điều tra trợ cấp là năm 2022 và thời kỳ điều tra thiệt hại từ năm 2020 đến nửa đầu năm 2023.

Nguyên đơn cáo buộc rằng sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh và tôm tươi nhập khẩu từ Việt Nam đang nhận được một loạt các chương trình trợ cấp, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất tôm nội địa của Mỹ.

Minh Anh
Bạn đang đọc bài viết Tôm Việt Nam xuất sang Mỹ phải gánh thêm thuế chống trợ cấp tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Xuất khẩu tôm thu về 520 triệu USD
Xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 9 năm nay có tín hiệu tích cực từ các thị trường như Mỹ, Australia, Canada, Bỉ, Đài Loan với mức tăng trưởng dương từ 1%-54%. Lũy kế 9 tháng năm 2023, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 520 triệu USD.