Tổng bí thư: Cần xây dựng kế hoạch tài chính, ngân sách 2022 khả thi nhất

07/10/2021, 15:34

TCDN - Sáng 7/10, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương bế mạc sau khi hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, xem xét, phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện các vấn đề, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao cho rằng, năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; thành công của Đại hội đã tạo ra xung lực mới và khí thế mới cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ban Chấp hành Trung ương ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những nỗ lực, đóng góp to lớn, những nghĩa cử cao đẹp của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ và cộng đồng các doanh nghiệp cả nước; cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ có hiệu quả của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế trong phòng, chống đại dịch COVID-19 thời gian qua.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Vietnamnet)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Vietnamnet)

Đồng thời, Ban Chấp hành Trung ương chia sẻ sâu sắc những tổn thất, mất mát về người và của mà nhân dân ta đã phải gánh chịu; ghi công, tôn vinh những đồng bào, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch, nhất là ngành Y tế, các lực lượng vũ trang và cán bộ cơ sở đã dũng cảm hy sinh quên mình vì sinh mệnh, sức khỏe và cuộc sống yên bình của nhân dân.

Hội nghị thống nhất nhận định, do hậu quả nặng nề của đợt bùng phát dịch lần thứ 4, kinh tế quý III tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020, làm cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 1,42%, là mức thấp nhất từ năm 2000 đến nay. Dự báo cả năm chỉ đạt khoảng 3%, thấp xa so với mục tiêu Quốc hội đề ra (6%). Kinh tế - xã hội của đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn, có thể còn tiếp tục kéo dài trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022. Dự báo, không hoàn thành được nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra cho năm 2021.

Trung ương thẳng thắn chỉ rõ, ngoài nguyên nhân khách quan do tác động của dịch bệnh là chủ yếu, cũng có nguyên nhân chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh; có lúc, có nơi còn lơ là, chủ quan, bị động, lúng túng hoặc cứng nhắc, thiếu thống nhất, đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất; còn hạn chế, bất cập trong dự báo, phân tích tình hình để xây dựng và triển khai thực hiện có bài bản các phương án ngắn hạn cũng như dài hạn, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Dự báo, trong năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần phải đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp đưa vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2022 sao cho sát hợp, khả thi nhất có thể.

Trên cơ sở kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022 và chủ trương, định hướng phòng, chống dịch trong tình hình mới, kịp thời điều chỉnh chính sách tài chính - tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, lao động, nhất là ở các địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, thúc đẩy xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư, bao gồm cả đầu tư công và đầu tư tư nhân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; tập trung ưu tiên bổ sung, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, xử lý có hiệu quả các vấn đề tồn đọng, các nút thắt và điểm nghẽn cho đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, cơ cấu lại một số ngành, lĩnh vực quan trọng và doanh nghiệp đang bị tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19 như thương mại, dịch vụ, hàng không, du lịch... để thích ứng với trạng thái bình thường mới, tạo nền tảng cho giai đoạn phục hồi các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp này từ năm 2022 trở đi; có giải pháp bảo vệ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế, cũng như tránh sự đổ vỡ của các tập đoàn kinh tế lớn (cả nhà nước và tư nhân), có thể dẫn đến sự đổ vỡ dây chuyền trong nền kinh tế; không để nền kinh tế bị lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục kinh tế thế giới cũng như quá trình tái cấu trúc chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

PV (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Tổng bí thư: Cần xây dựng kế hoạch tài chính, ngân sách 2022 khả thi nhất tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan