Tổng công ty Dược Việt Nam có hấp dẫn khi thoái vốn nhà nước?
TCDN - Tuy “mang tiếng” là có gần 1ha đất tại khu vực nội thành Hà Nội và Tp.HCM, nhưng diện tích đất Tổng công ty Dược Việt Nam đang quản lý và sử dụng lại dưới hình thức nhà nước cho thuê trả tiền hàng năm.
Theo danh mục 120 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn nhà nước năm 2020 được ban hành vào cuối tháng 6 vừa qua, Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) sẽ phải hoàn thành việc giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống mức 36% trong năm nay.
Hiện cổ đông nhà nước nắm giữ tỷ lệ sở hữu lớn nhất tại Vinapharm là Bộ Y tế, với tỷ lệ nắm giữ là 65% vốn điều lệ, Ngoài ra, Vinapharm còn cổ đông chiến lược là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương nắm giữ 17%.
Tháng 6/2020, Văn phòng Bộ Y tế đã thông báo lựa chọn đơn vị thực hiện gói thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn xây dựng phương án chuyển nhượng vốn nhà nước và tổ chức chuyển nhượng vốn nhà nước tại Vinapharm.
Qua đó, Công ty TNHH Kiểm toán CPA VIETNAM đã được lựa chọn để thực hiện gói thầu xác định giá khởi điểm cổ phần khi thoái vốn nhà nước tại Vinapharm vào đầu tháng 5. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 vừa diễn ra, Vinapharm cũng cho biết, đơn vị tư vấn đã bắt đầu thực hiện việc thu thập dữ liệu Tổng công ty và công ty thành viên từ ngày 4/5/2020.
Vinapharm tiến hành cổ phần hóa, bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng vào 22/6/2016 và hoạt động theo hình thức công ty cổ phần từ tháng 12/2016. Trong 2 năm 2018 và 2019, lãi ròng của Vinapharm luôn được duy trì quanh mức 210 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh quý II/2020, Vinapharm ghi doanh thu thuần đạt hơn 1.200 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt hơn 116 tỷ đồng, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 83,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp gần 80,6 tỷ đồng (tăng khoảng 35% so với Quý I)
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, Vinapharm đặt mục tiêu 5.853 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng 1% so với thực hiện năm 2019; lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 216,1 tỷ đồng, giảm 10,5% so với lợi nhuận đạt được năm 2019. Vinapharm cho biết, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế và dược phẩm vẫn có khả năng duy trì tăng trưởng do dịch Covid-19 tác động không đáng kể tới đầu ra tại thị trường nội địa.
Đáng chú ý, hiện nay Vinapharm đang quản lý, sử dụng 05 khu đất có diện tích gần 1ha (9.870 m2), nằm chủ yếu tại khu vực nội thành Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, đây đều là các lô đất Vinapharm được Nhà nước cho thuê để sử dụng theo hình thức trả tiền hàng năm. Do đó, căn cứ theo Khoản 3 Điều 31 Nghị định 59/2011/NĐ-CP, khi tiến hành cổ phần hóa diện tích đất Vinapharm đang quản lý và sử dụng sẽ không phải tổ chức thẩm định giá, không được tính giá trị quyền sử dụng đất cũng như lợi thế về vị trí địa lý của các lô đất vào giá trị doanh nghiệp.
Trong đó, tại Hà Nội có khu "đất vàng" 95 Láng Hạ (Hà Nội) có diện tích gần 3.280 m2 là khu tập thể hỗn hợp với nhiều chủ sở hữu; Lô đất số 60B Nguyễn Huy Tưởng, Phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội, với diện tích 2.670,0 m2, Vinapharm đã hợp tác với CTCP Đầu tư Xây dựng Vinaconex - PVC để xây dựng công trình tổ hợp dịch vụ, thương mại, văn phòng và nhà ở chung cư (Dự án PVV - Vinapharm Tower); Lô đất hơn 1.800 m2 ở số 12 Ngô Tất Tố, Hà Nội.
Ngoài ra, tại Tp Hồ Chí Minh, Vinapharm cũng có 2 khu đất diện tích khoảng 1.930 m2 tại quận 3. Trong đó, khu đất số 178 đường Điện Biên Phủ, Quận 3 có diện tích hơn 1.200 m2, đây là khu văn phòng cũ đã xuống cấp, sử dụng theo hợp đồng thuê đất từ năm 1996 đến 2046 và dự kiến được đầu tư để làm Văn phòng làm việc mới; Khu đất số 126A đường Trần Quốc Thảo, quận 3 có diện tích 691 m2 tại hiện là trụ sở văn phòng đại diện Tổng công ty tại Tp HCM sẽ được đầu tư sửa chữa, cải tạo.
Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) là một doanh nghiệp Nhà nước hoạt động theo hình thức Công ty mẹ - Công ty con căn cứ Quyết định số 2335/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 30/6/2010 về việc chuyển Tổng công ty Dược Việt Nam thành Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu theo hình thức Công ty mẹ - Công ty con.
Vinapharm hiện có 4 công ty con là: CTCP Dược phẩm TW1 - Phabarco; CTCP Dược phẩm Trung ương CPC1; CTCP Dược phẩm Trung ương Codupha; CPCP Dược Trung ương 3. Tổng giá trị vốn góp theo sổ sách kế toán của Vinapharm tại 4 công ty con này là 341 tỷ đồng.
Vinapharm có vốn điều lệ 2.370 tỷ đồng. Hai cổ đông lớn nhất của Vinapharm là Bộ Y tế (65%) và CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (17%). Tập đoàn Đầu tư Việt Phương là nhà đầu tư chiến lược tham gia cổ phần hóa Vinapharm. Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn này là ông Phương Hữu Việt, người cũng đang đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Việt Á và từng là Đại hiểu quốc hội các khóa X, XI, XII và XIII; Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội khóa XI và XII.
Trong đó, số cổ phần do Tập đoàn Đầu tư Việt Phương sở hữu bị hạn chế giao dịch trong 5 năm kể từ ngày 8/12/2016. Ngoài ra, còn 7.300 cổ phiếu Vinapharm là cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng 10 năm kể từ 8/12/2016.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899