Tổng công ty Xây dựng Hà Nội chậm tái cơ cấu, thoái vốn, nợ ngân sách nhà nước

15/12/2020, 10:28

TCDN - Kiểm toán Nhà nước vừa chỉ ra hàng loạt sai phạm của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) như chậm thực hiện cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp; đầu tư kém hiệu quả; nợ ngân sách nhà nước; chậm nộp cổ tức nhà nước…

3/6 công ty thành viên kinh doanh bị lỗ

Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kiểm toán, báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2019 của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP.

Kiểm toán Nhà nước nhận định, việc xây dựng và thực hiện cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 của Hancorp chậm và trình Bộ Xây dựng chậm 2 tháng, Bộ Xây dựng chưa phê duyệt trong khi đã gần hết giai đoạn tái cơ cấu (2016 - 2020) là chưa tuân thủ Văn bản của Thủ tướng yêu cầu phê duyệt trước 31/8/2017.

Kiểm toán Nhà nước nêu ra hàng loạt sai phạm tại Tổng công ty Xây dựng Hà Nội và các công ty con.

Kiểm toán Nhà nước nêu ra hàng loạt sai phạm tại Tổng công ty Xây dựng Hà Nội và các công ty con.

Công ty mẹ đã cập nhật, hoàn thiện và trình phương án thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017 - 2019 của Tổng công ty, nhưng do một số nguyên nhân khách quan (bao gồm việc chưa được phê duyệt quyết toán vốn nhà nước khi cổ phần hóa Công ty mẹ) nên đế thời điểm kiểm toán, phương án thoái vốn nhà nước của Tổng công ty chưa được phê duyệt nên chưa có cơ sở pháp lý cho việc thực hiện thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty.

Theo kết quả Kiểm toán Nhà nước, Công ty mẹ và các đơn vị thành viên đối chiếu, xác nhận nợ phải thu đến 31/12/2019 chưa đầy đủ, tỷ lệ đối chiếu còn chưa cao, chỉ đạt 70,4% (1.883.300 tr.đ/2.676.375 tr.đ). Trong đó nợ phải thu khó đòi là 321.996 tr.đ, chiếm 12% tổng số nợ phải thu của Tổng công ty (321.996 tr.đ/2.676.375 tr.đ); một số khoản nợ phải thu phát sinh từ các năm trước nhưng đến nay chưa được thu hồi, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, một số đơn vị chưa thực hiện kiểm kê khối lượng hàng tồn kho cuối kỳ (chi phí SXKD dở dang các công trình xây lắp) là chưa phù hợp với quy định tại Khoản 13 Điều 23 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính.

Kiểm toán Nhà nước đánh giá, hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty mẹ năm 2019 chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh bất động sản (lĩnh vực kinh doanh bất động sản lãi 132.253 tr.đ). Hoạt động từ lĩnh vực kinh doanh xây lắp và các hoạt động khác có doanh thu lớn nhưng hiệu quả chưa cao (lỗ 34.507,8 tr.đ). Nguyên nhân do các dự án, công trình xây lắp nhận thầu thi công bị kéo dài, thủ tục thanh quyết toán chậm dẫn đến thu hồi vốn, chi phí tài chính phát sinh tăng. Kết quả kiểm toán có 3/6 thành viên có kết quả kinh doanh năm 2019 bị lỗ (gồm: Công ty Tây Hồ, Công ty Hancorp 1, Công ty TB&VLXD Hancorp);

Một số khoản đầu tư tài chính kém hiệu quả. Hoạt động hợp tác kinh doanh đầu tư một số dự án thông qua các công ty con, liên kết còn có vướng mác, phải chấm dứt hoặc dừng hoạt động đầu tư gây tồn đọng.

Yêu cầu nộp vào ngân sách nhà nước gần 26 tỷ đồng

Kiểm toán Nhà nước đề nghị Công ty mẹ và các công ty con được kiểm toán: nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN) số tiền qua kiểm toán ở các đơn vị được kiểm toán là 25,83 tỷ đồng, trong đó thuế GTGT là 1,88 tỷ đồng, Thuế TNCN là 6,5 triệu đồng, Thuế TNDN là 15 tỷ đồng; các khoản phải nộp khác 8,9 tỷ đồng, các khoản phí và lệ phí 7 triệu đồng. Điều chỉnh giảm số lỗ 2019 chuyển năm sau khi tính thuế TNDN đối với các đơn vị 248 triệu đồng.

Đặc biệt, dù kinh doanh có lãi nhưng Hancorp chưa thực hiện nộp NSNN cổ tức được chia theo phần vốn nhà nước năm 2018, 2019. Vì vậy, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu, Công ty mẹ nộp về NSNN khoản cổ tức năm 2018 được chia cho phần vốn nhà nước là 111,5 try đồng và lãi chậm nộp phát sinh của năm 2018.

Bộ Xây dựng sẽ thoái vốn tại Hancorp vào ngày mai (16/12).

Bộ Xây dựng sẽ thoái vốn tại Hancorp vào ngày mai (16/12).

Đối với khoản cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước là 55,7 tỷ đồng của năm 2019, Hội đồng quản trị Tổng công ty khẩn trương ra thông báo chi cổ tức và thực hiện khai, nộp NSNN theo quy định.

Kiểm toán Nhà nước cũng yêu cầu thông qua Người đại diện phần vốn nhà nước tại Hancorp và Người đại diện phần vốn của Tổng công ty tại các công ty con chỉ đạo: rà soát, xác định rõ trách nhiệm, cá nhân liên quan đến các khoản nọ phải thu quá hạn và khó đòi, việc tồn tại chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của một số công trình đã ghi nhận hết doanh thu để xử lý dứt điểm và tổ chức việc kiểm điểm trách nhiệm hoặc rút kinh nghiệm (Công ty mẹ, Công ty Xây dựng số 1, Công ty Tây Hồ).

Thực hiện giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn đầu tư chưa hiệu quả của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội tại các doanh nghiệp có vốn góp, có biện pháp cải thiện tình hình tài chính, tổ chức cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp cho phù hợp, đảm bảo việc sử dụng vốn có hiệu quả (Công ty mẹ, Công ty Tây Hồ).

Đối với Bộ Xây dựng, Kiểm toàn Nhà nước đề nghị chỉ đạo Người đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty thực hiện nghiêm túc, kịp thời các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, ngày 16/12 tới đây, tại HNX, Bộ Xây dựng sẽ bán đấu giá để thoái vốn 139.399.608 cổ phần sở hữu tại Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp), tương đương hơn 1.393 tỷ đồng theo mệnh giá, chiếm 98,83% vốn điều lệ của Hancorp với mức giá khởi điểm 19.930 đồng/cổ phần.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Tổng công ty Xây dựng Hà Nội chậm tái cơ cấu, thoái vốn, nợ ngân sách nhà nước tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước: Chậm ổn định
Giai đoạn 2016-tháng 10/2020, có 178 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.503 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 207.116 tỷ đồng. Tuy nhiên chỉ có 37/128 doanh nghiệp CPH thuộc danh mục CPH theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg đạt 28% kế hoạch.
Bộ Xây dựng sẽ bán toàn bộ cổ phần tại Hancorp
Mới đây, Bộ Xây dựng đã đăng ký đấu giá bán toàn bộ cổ phần đang sở hữu tại Tổng công ty Xây dựng Hà Nội(Hancorp, UPCoM: HAN). Buổi đấu giá dự kiến diễn ra vào ngày 16/12/2020 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.