Tổng thống Donald Trump dọa trừng trị tứ đại gia công nghệ bằng mệnh lệnh hành pháp
TCDN - Vị tổng tư lệnh của nước Mỹ tuyên bố rằng nếu Tiểu ban Chống độc quyền Hạ viện Mỹ không thể ngăn chặn hành vi lạm dụng vị thế độc quyền của 4 tập đoàn công nghệ lớn nhất, ông sẽ áp dụng mệnh lệnh hành pháp để trừng phạt họ.
Hôm 30/7, tổng giám đốc của 4 tập đoàn công nghệ lớn nhất nước Mỹ - gồm Jeff Bezos, Sundar Pichai, Mark Zuckerberg và Tim Cook - đã tham gia phiên điều trần trước Tiểu ban Chống độc quyền của Hạ viện Mỹ theo hình thức trực tuyến.
Giới truyền thông gọi đây là sự kiện lịch sử, bởi rất hiếm khi một vị tổng giám đốc thuộc nhóm "tứ đại gia" điều trần trước các nghị sĩ. Hơn nữa, đây cũng là lần đầu tiên tỉ phú Jeff Bezos, người giàu nhất thế giới, điều trần trước các nhà lập pháp.
Phiên điều trần diễn ra trong bối cảnh "tứ đại gia" công nghệ - gồm Facebook, Amazon, Google, Apple - đối mặt hàng loạt cáo buộc về hành vi lạm dụng ảnh hưởng quá lớn của họ trong giới công nghệ.
Một trong những hành vi độc quyền mà "tứ đại gia" phải giải thích là sao chép những ý tưởng, sản phẩm mà doanh nghiệp khác thực hiện. Nhiều người cáo buộc Apple, Facebook, Google và Amazon mua các công ty nhỏ để sở hữu các tính năng hấp dẫn, hoặc khiến các ứng dụng không thể xuất hiện trên nền tảng của các đối thủ cạnh tranh.
Để chuẩn bị cho buổi điều trần, Quốc hội đã chuẩn bị hơn một năm. Các nghị sĩ đã thu thập 1,3 triệu tài liệu, thực hiện hàng trăm giờ thẩm vấn và tổ chức các phiên thảo luận với các đồng minh và đối thủ của "tứ đại gia". Kì vọng của các nghị sĩ là tạo ra một báo cáo rằng ngành công nghệ đã lách luật cạnh tranh liên bang vì các luật đã không còn theo kịp tốc độ phát triển của kỉ nguyên số.
Vài giờ trước phiên điều trần, Tổng thống Donald Trump đã viết trên mạng xã hội Twitter rằng nếu các nhà lập pháp không thể đòi lại công bằng từ nhóm "tứ đại gia", việc mà lẽ ra họ phải thực hiện từ nhiều năm trước, ông sẽ sử dụng mệnh lệnh hành pháp để lập lại công bằng.
"Ở Washington, tình trạng chỉ nói mà không hành động đã tồn tại nhiều năm, và người dân Mỹ đã mệt mỏi với thực tế ấy", ông viết.
Hiến pháp Mỹ quy định Tổng thống Mỹ có quyền đề ra các điều lệ, quy định và chỉ thị gọi là Mệnh lệnh hành pháp (Executive order), có hiệu lực giống như luật của các cơ quan liên bang mà không cần phải thông qua Quốc hội.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, một trong những nhân vật nổi bật trong chính trường Mỹ hiện nay, kêu gọi Quốc hội chia các tập đoàn công nghệ thành những doanh nghiệp nhỏ hơn để giảm tình trạng độc quyền.
4 vị tổng giám đốc đều công bố quan điểm của họ trước phiên điều trần, và họ cung cấp thông tin về nội dung mà họ sẽ tranh luận trước các nghị sĩ.
Chẳng hạn, tỉ phú Mark Zuckerberg khẳng định Whatapps và Instagram sẽ không thể "sống sót" nếu Facebook không mua hai ứng dụng ấy. Anh cũng khẳng định thành công của Facebook là yếu tố quan trọng để Mỹ giữ thế thượng phong với Trung Quốc.
Hai vị tổng giám đốc của Google và Apple áp dụng lập luận giống nhau để bảo vệ chính sách cạnh tranh của họ. Theo họ, Apple và Google có đối thủ trong mọi lĩnh vực, song vẫn tạo ra những nền tảng để các công ty khởi nghiệp tiếp cận lượng khách hàng lớn.
Ông chủ Amazon, tỉ phú Jeff Bezos, liên tục so sánh Amazon với các đối thủ lớn hơn như Walmart, đồng thời khẳng định qui mô khổng lồ của Amazon là yếu tố tiên quyết để nền kinh tế số tồn tại.
"Giống như việc thế giới cần những công ty nhỏ, chúng ta cũng cần những tập đoàn lớn", ông bình luận.
Trong gần 6 giờ, các thành viên của Tiểu ban Chống độc quyền thuộc Hạ viện liên tục chất vấn 4 vị tổng giám đốc tỉ phú. Ông David N. Cicilline, chủ tịch Tiểu ban Chống độc quyền, bình luận rằng một số doanh nghiệp trong ngành công nghệ đã trở nên quá lớn và quá quyền lực, khiến họ có thể đe dọa đối thủ, người tiêu dùng và thậm chí nền dân chủ.
"Những người lập nên nước Mỹ sẽ không bao giờ quỳ gối trước một vị vua, và chúng ta sẽ không quỳ gối trước những ông hoàng của nền kinh tế số", ông tuyên bố.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899