Top 10 "ông lớn" KCN: Lợi nhuận 6 đơn vị tăng, 4 đơn vị giảm

06/11/2023, 11:59
báo nói -

TCDN - Trong quý 3/2023, lợi nhuận của một số ông lớn KCN như Kinh Bắc, IDICO, Becamex IDC, Long Hậu giảm, trong khi đó các doanh nghiệp có lợi nhuận tăng là Viglacera, Sonadezi, Đầu tư Sài Gòn VRG, Tín Nghĩa, Nam Tân Uyên, Tân Tạo.

Qua kết quả kinh doanh quý 3/2023, 6 doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng trong số 10 doanh nghiệp lớn trong ngành gồm: Viglacera, Sonadezi, Đầu tư Sài Gòn VRG, Tín Nghĩa, Nam Tân Uyên, Tân Tạo.

Theo đó, Tổng CTCP Phát triển Khu Công nghiệp (Sonadezi, Mã: SNZ) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.299 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu quý này có được nhờ mảng kinh doanh khu công nghiệp (393 tỷ đồng, tăng nhẹ), dịch vụ cảng (hơn 300 tỷ đồng), cung cấp nước sạch (294 tỷ đồng), xử lý chất thải (hơn 176 tỷ đồng), doanh thu kinh doanh nhà và hạ tầng (hơn 32 tỷ đồng).

Tổng Công ty Viglacera (Mã: VGC) trong quý 3/2023, Viglacera ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.471 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận gộp từ đó cũng tăng đáng kể từ 819 tỷ đồng lên 1.069 tỷ đồng. Trong đó, thu về hơn 1.000 tỷ đồng từ cho thuê đất trong quý 3, đóng góp nhiều nhất vào cơ cấu doanh thu.

CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (Mã: SIP) ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.705 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, SIP có khoản lợi nhuận hơn 22 tỷ đồng (cùng kỳ hơn 14 tỷ đồng) từ các công ty liên doanh, liên kết. Mặc dù vậy, Công ty báo lãi ròng gần như đi ngang so với cùng kỳ, đạt gần 194 tỷ đồng. Đóng góp chủ yếu là mảng cho thuê đất và cung cấp dịch vụ tiện ích KCN.

Quý 3, CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (Mã: NTC) nhờ đóng góp chủ lực từ doanh thu kinh doanh bất động sản, do dự án KCN Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2 (NTU 3) chưa thể khai thác. Tuy nhiên, doanh thu thuần quý 3 đạt 54,3 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

CTCP Phát triển Khu công nghiệp Tín Nghĩa (Mã: TIP) ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 40 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh quỹ đất KCN cho thuê không còn nhiều. Đóng góp chính vào lợi nhuận quý này của doanh nghiệp là mảng tài chính với doanh thu đạt gần 76 tỷ đồng, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ.

Qua kết quả kinh doanh quý 3/2023, 6 doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng gồm: Viglacera, Sonadezi, Đầu tư Sài Gòn VRG, Tín Nghĩa, Nam Tân Uyên, Tân Tạo

Qua kết quả kinh doanh quý 3/2023, 6 doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng gồm: Viglacera, Sonadezi, Đầu tư Sài Gòn VRG, Tín Nghĩa, Nam Tân Uyên, Tân Tạo

CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Mã: ITA), điểm nổi bật của quý 3/2023 là doanh thu từ hoạt động cho thuê đất đã tăng mạnh, dẫn đến sự gia tăng đáng kể về lãi ròng so với cùng kỳ, lên tới con số gấp 3,2 lần với tổng cộng 77 tỷ đồng. Doanh thu thuần của ITA trong quý đạt hơn 181 tỷ đồng, tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ. Công ty cũng đã đưa ra lý giải rằng sự tăng mạnh trong doanh thu này đến từ việc ghi nhận doanh thu cho thuê đất, đặc biệt là từ việc phát triển cơ sở hạ tầng tại Khu công nghiệp (KCN) Tân Đức dựa trên hợp đồng thuê lại đất đã phát sinh trước năm 2022.

Tuy nhiên, Kinh Bắc, IDICO, Becamex IDC, Long Hậu ghi nhận lợi nhuận đều sụt giảm trong quý 3 với nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC) tăng trưởng 22% về doanh thu thuần nhưng lợi nhuận giảm mạnh do không còn khoản lãi nghìn tỷ từ công ty liên doanh, liên kết.

Đồng thời, Kinh Bắc cho biết trong kỳ công ty chưa kịp bàn giao đất cho khách hàng tại các khu công nghiệp (KCN) Nam Sơn Hạp Lĩnh, Quang Châu và Tân Phú Trung với tổng diện tích 50 ha đã ký và tổng giá trị hợp đồng 1.700 tỷ đồng. 

Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC, Mã: BCM) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.127 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ, chủ yếu là do doanh thu kinh doanh bất động sản, bất động sản đầu tư giảm 60%. 

Doanh thu thuần của Tổng Công ty IDICO - CTCP (Mã: IDC) kết thúc quý 3, doanh thu IDICO chỉ mang về 1.444 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ. Cùng với đó, lợi nhuận trước thuế chỉ vỏn vẹn 226 tỷ đồng, giảm đến 70% so với 2022. Nguyên do từ các hợp đồng cho thuê hạ tầng KCN chưa đến thời điểm đáp ứng điều kiện ghi nhận doanh thu một lần theo quy định.

Một trong số 4 ông lớn KCN có lợi nhuận giảm

Một trong số 4 "ông lớn" KCN có lợi nhuận giảm

Với CTCP Long Hậu (Mã: LHG), với doanh thu đạt 67,45 tỷ đồng, giảm 62,1% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 32 tỷ đồng, giảm 61,2%. Theo đó, lợi nhuận quý 3 của doanh nghiệp cũng ghi nhận sụt giảm mạnh do không ghi nhận doanh thu từ hoạt động cho thuê đất.

Hiện tại, CTCP Long Hậu đang tiếp tục làm việc với Tân Thuận để xác định chi phí tái định cư nên công ty chưa thu thập đủ thông tin để xác định giá trị nền tái định cư của dự án, và đồng thời chưa ghi nhận chi phí bố trí tái định cư.

Theo đó, về kết quả kinh doanh 9 tháng, Sonadezi, Tín Nghĩa và Nam Tân Uyên ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng, còn lại đều sụt giảm so với cùng kỳ. Trong đó, Becamex IDC giảm 84%, IDICO giảm 56%, Long Hậu giảm 38%.

Tại thời điểm cuối quý 3, doanh thu chưa thực hiện của Sài Gòn Đầu tư VRG đứng Top 1 với 11.294 tỷ đồng, IDICO 6.181 tỷ đồng, Sonadezi 4.956 tỷ đồng, Viglacera 2.687 tỷ đồng, Nam Tân Uyên 2.036 tỷ đồng, Becamex IDC 594 tỷ đồng, Tín Nghĩa 175 tỷ đồng.

Theo Savills Việt Nam, hoạt động phân khúc bất động sản công nghiệp Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay khá ổn định; chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất và sản xuất công nghiệp của Việt Nam có triển vọng trong tương lai.

Ông John Campbell, Phó giám đốc, Trưởng Bộ phận Dịch vụ Công Nghiệp, Savills Việt Nam nhận định: “Từ năm 2016 đến 2022, kim ngạch xuất khẩu điện tử, máy tính tăng 193% và kim ngạch xuất khẩu điện thoại tăng 68%. Điều này phản ánh việc Việt Nam đang tiến tới chuỗi giá trị với tư cách là nền kinh tế định hướng xuất khẩu đối với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao”.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực sản xuất và chế biến ghi nhận đạt 8,4 tỷ USD, chiếm 63% tổng vốn đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2023. 379 dự án mới có vốn đăng ký cấp mới là 5,4 tỷ USD. Trong số 345 dự án hiện hữu, có 225 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 2,1 tỷ USD.

Về nguồn cung bất động sản công nghiệp Việt Nam, theo ghi nhận của Savills Việt Nam, tính đến đầu năm nay, Việt Nam có 397 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất là 122.900ha; trong đó, 292 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích đất hơn 87.100ha. Ngoài ra, có 106 khu công nghiệp khác đang được xây dựng với tổng diện tích đất 35.700ha. Các khu công nghiệp trên toàn quốc có tỷ lệ lấp đầy cao trên 80%; trong đó, các tỉnh trọng điểm phía Bắc đạt 83% và các tỉnh trọng điểm phía Nam đạt 91%.

Khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc ghi nhận 68 dự án khu công nghiệp với diện tích đất cho thuê đạt 12.000ha. Giá đất cho thuê tăng ở mức 30% theo năm, đạt trung bình 138 USD/m2/chu kỳ thuê. Khách thuê tại khu vực này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực điện tử và máy tính, sản xuất lắp ráp ôtô, máy móc và thiết bị cũng như các cấu kiện liên quan tới năng lượng mặt trời. Một số doanh nghiệp nổi bật có hoạt động tại phía Bắc bao gồm Samsung, LG Electronics, Canon, Hyundai, Honda và Vinfast.

Theo ông John Campbell, bối cảnh thị trường công nghiệp đang thay đổi với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư hơn. Khi lĩnh vực sản xuất và hậu cần phát triển, các sản phẩm công nghiệp trở nên ngày càng đa dạng, bao gồm nhà máy xây sẵn, nhà kho, cơ sở đa tầng, cơ sở kết hợp, tòa nhà được kiểm soát nhiệt độ và xây dựng phù hợp nhu cầu.

Thanh Thanh
Bạn đang đọc bài viết Top 10 "ông lớn" KCN: Lợi nhuận 6 đơn vị tăng, 4 đơn vị giảm tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Công ty Chứng khoán APG bị phạt
Do vi phạm quy định về ủy thác quản lý quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân, Công ty Cổ phần Chứng khoán APG bị phạt 85 triệu đồng.