Phó thủ tướng: Thu đúng, đủ thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số

06/11/2023, 09:35
báo nói -

TCDN - Báo cáo trước đại biểu Quốc hội, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước được tăng cường, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, nhất là đối với thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ bội chi...

Chính sách tiền tệ chủ động

Sáng 6/11, Quốc hội bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.

Về các lĩnh vực: kế hoạch và đầu tư; tài chính; ngân hàng, Phó thủ tướng cho hay, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, các giải pháp về công tác quy hoạch, đầu tư, tài chính, tiền tệ, tín dụng và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang.

Công tác quy hoạch được đẩy mạnh, chất lượng được nâng lên; đã ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia và nhiều quy hoạch ngành, lĩnh vực, tỉnh, phấn đấu hoàn thành phê duyệt các quy hoạch trong năm 2023. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp được tích cực triển khai, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân. Đầu tư công được cơ cấu lại theo hướng bảo đảm tập trung có trọng tâm, trọng điểm, không để dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công được tăng cường; giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh.

Kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước được tăng cường, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, nhất là đối với thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia trong giới hạn cho phép của Quốc hội.

Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá cơ bản ổn định. Từ đầu năm 2023, đã 04 lần giảm lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%; triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội, 15 nghìn tỷ đồng cho lâm sản, thủy sản; tập trung vốn tín dụng cho các động lực tăng trưởng, lĩnh vực ưu tiên.

Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng, trong các lĩnh vực này vẫn còn những hạn chế, bất cập, đúng như nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu. Tiến độ hoàn thành các quy hoạch ngành, vùng, quy hoạch tỉnh còn chậm. Giải ngân vốn đầu tư công, triển khai chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vay trong gói 40 nghìn tỷ đồng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội chưa đáp ứng yêu cầu. Việc sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Tiếp cận tín dụng còn hạn chế, tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu có xu hướng tăng; việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém gặp nhiều khó khăn do phải đánh giá đúng giá trị tài sản đã qua nhiều thời kỳ…

Hoàn thành, đưa vào sử dụng 659 km đường bộ cao tốc

Về các lĩnh vực: công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn; giao thông vận tải; xây dựng; tài nguyên và môi trường, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung hoàn thiện, ban hành Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Phát triển mạnh thị trường trong nước gắn với mở rộng, đa dạng hóa thị trường quốc tế, nâng cao chất lượng sản phẩm, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; đồng thời đẩy mạnh đàm phán, ký kết các FTA mới; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, tham gia đầu tư vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, hiệu quả cao; kim ngạch xuất khẩu nông sản 10 tháng năm 2023 đạt 43,08 tỷ USD, xuất siêu 9,3 tỷ USD; dự kiến cả năm 2023 đạt 43 triệu tấn lúa, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, các cân đối lớn và ổn định kinh tế vĩ mô.

Chính phủ đã trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư 06 dự án giao thông trọng điểm quốc gia với tổng vốn đầu tư gần 400 nghìn tỷ đồng. Đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thủ tục khởi công toàn bộ các dự án được Quốc hội thông qua. Từ năm 2021 đến nay, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 659 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đưa vào khai thác là 1.822 km; phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành và vượt mục tiêu 3.000 km đường cao tốc theo Nghị quyết Đại hội XIII. 

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo tổng kết, hoàn thiện, trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi); đổi mới chính sách tài chính về đất đai và giá đất. Hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất đai từng bước được nâng cao; tình trạng chậm đưa đất đai vào sử dụng ở các địa phương đã có chuyển biến tích cực. Đã ban hành Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và 07 quy hoạch lưu vực sông.

Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt khoảng 96% (vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 89%).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó thủ tướng nêu rõ, công tác giải phóng mặt bằng, triển khai thi công của một số dự án hạ tầng trọng điểm, nhất là hạ tầng năng lượng và giao thông còn chậm; chưa ban hành Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy định về hoạt động lấn biển. Việc phát triển đô thị thông minh còn hạn chế; thị trường bất động sản còn khó khăn. Chất lượng môi trường ở một số nơi còn chậm được cải thiện; kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, cơ sở sản xuất, lưu vực sông, đô thị còn những bất cập…

Rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng

Về các lĩnh vực: khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động - thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông, Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo sửa đổi đồng bộ cơ chế quản lý, tài chính, phương thức đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp hạng 46/132, tăng 02 bậc so với năm 2022.

Hoàn thiện hành lang pháp lý thực hiện đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo; triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam được cả xã hội quan tâm. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, đặc biệt là đã kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19. Hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở được củng cố, từng bước giảm tải các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến cuối. Cơ bản hoàn thiện cơ chế quản lý về an toàn thực phẩm. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; đời sống nhân dân được cải thiện tốt hơn. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn 2,93%...

Thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06; sớm xây dựng, vận hành các cơ sở dữ liệu quốc gia. Năm 2023 phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100% xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo có đài truyền thanh hoạt động. Đã cơ bản hoàn thành sắp xếp các cơ quan báo chí theo quy hoạch; kịp thời chấn chỉnh, xử lý tình trạng “báo hoá” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng thừa nhận, các lĩnh vực này vẫn còn những hạn chế, tồn tại, khó khăn đúng như các vị đại biểu Quốc hội đã nêu. Đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo còn khiêm tốn. Chất lượng giáo dục đào tạo, dạy nghề có mặt còn hạn chế; tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; cải cách sách giáo khoa chưa đáp ứng yêu cầu. Phát triển văn hoá còn chậm so với phát triển kinh tế; phát triển công nghiệp văn hoá, du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cục bộ chưa được khắc phục triệt để. Số người lao động mất việc làm, giảm giờ làm, rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng cục bộ; lao động khu vực phi chính thức còn lớn; tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao…

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Phó thủ tướng: Thu đúng, đủ thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan