Giải pháp thực hiện sàn giao dịch thương mại điện tử thu hộ thuế GTGT tại Việt Nam

24/10/2023, 14:26

TCDN - Nghiên cứu trình bày lí luận liên quan và luật định về sàn giao dịch thương mại điện tử (SGD) thực hiện thu hộ thuế giá trị gia tăng.

1-1

TÓM TẮT:

Nghiên cứu trình bày lí luận liên quan và luật định về sàn giao dịch thương mại điện tử (SGD) thực hiện thu hộ thuế giá trị gia tăng. Từ tổng hợp các nghiên cứu liên quan đến vai trò, thách thức, ưu và nhược điểm của quy định sàn giao dịch thương mại điện tử tiến hành thu hộ thuế giá trị gia tăng (GTGT), bài viết đưa ra một số trao đổi để giải quyết vấn đề quy định sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện thu hộ thuế giá trị gia tăng tại Việt Nam. Điều này bao hàm việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong phân định trách nhiệm rõ hơn của sàn giao dịch, trách nhiệm người bán trên sàn, trách nhiệm người mua, và những chủ thể khác như người vận chuyển, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tham gia vào quá trình bán hàng trực tuyến.

1. Cơ sở lí luận về nền tảng kỹ thuật số và sàn giao dịch thương mại điện tử

Khái niệm nền tảng kỹ thuật số và sàn giao dịch thương mại điện tử: Một trong những thay đổi lớn của cách mạng công nghiệp 4.0 là chuyển sang môi trường số để tiến hành các hoạt động xã hội, nghiên cứu và học tập, giải trí và làm việc.

Môi trường số tồn tại song song với môi trường vật lý, và hầu hết con người phải kết hợp hai môi trường để vận hành. Các nền tảng kỹ thuật số đã trở thành một công cụ quan trọng trong hoạt động của cá nhân, tổ chức, và cộng đồng xã hội. Theo Christoph Zott & Raphael Amit (2017), nền tảng kỹ thuật số được gọi là thị trường gồm các nhóm nhà cung cấp và người tiêu dùng tham gia vào các giao dịch và trao đổi. Christoph Zott & Raphael Amit (2017) đã định nghĩa “nền tảng kỹ thuật số là một khối xây dựng cung cấp chức năng thiết yếu cho hệ thống công nghệ và phục vụ như một nền tảng, trong đó các sản phẩm, công nghệ hoặc dịch vụ bổ sung được phát triển".

Theo OECD (2019), nền tảng kỹ thuật số là các nền tảng bằng các phương tiện điện tử cho phép tương tác trực tiếp giữa hai hoặc nhiều nhóm người, thường là người mua và người bán. Hai đặc điểm chính của nền tảng kỹ thuật số là: (i) mỗi bên tham gia là khách hàng của nền tảng và (ii) nền tảng cho phép tương tác trực tiếp giữa các bên. Như vậy, nền tảng kỹ thuật số là một giải pháp giúp nhà cung cấp, người bán, người sử dụng trao đổi thông tin, sản phẩm, dịch vụ trên Internet. Sàn giao dịch thương mại điện tử là một loại nền tảng kỹ thuật số cho người bán và người mua, ở đó những người bán và người mua tìm kiếm nhu cầu của nhau về các sản phẩm, dịch vụ và tiến hành các giao dịch mua bán. Nó là nền tảng kỹ thuật số nơi nhiều nhà bán lẻ hội tụ để bán sản phẩm của họ, với ba thực thể bắt buộc là chủ sàn giao dịch thương mại điện tử, các người bán, và các người mua.

Theo Điều 9 Luật Thương mại điện tử Trung Quốc (IPkey, 2019), “Các nhà điều hành nền tảng thương mại điện tử là pháp nhân hoặc các tổ chức không hợp nhất khác cung cấp cơ sở kinh doanh trực tuyến, đối sánh giao dịch, phân phối thông tin và các dịch vụ khác cho hai hoặc nhiều bên tham gia giao dịch thương mại điện tử để các bên có thể tham gia vào các giao dịch độc lập. Nhà điều hành trên nền tảng là nhà điều hành thương mại điện tử bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ thông qua nền tảng thương mại điện tử”.

Theo Điều 3 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP (Nghị định 52) về Thương mại điện tử của Chính phủ Việt Nam, “Sàn giao dịch thương mại điện tử là một website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu của website có thể tiến hành toàn bộ hoặc một phần quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên website đó”. Điều 25 Nghị định số 52 cũng phân biệt sàn giao dịch thương mại điện tử với website thương mại điện tử bán hàng (một loại nền tảng kỹ thuật số) như sau: website thương mại điện tử do các thương nhân, tổ chức, cá nhân tự thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình. Cũng theo Điều 25, ngoài Sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, các website thương mại điện tử khác cũng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là website khuyến mại trực tuyến, website đấu giá trực tuyến.

Như điều 9 Luật Thương mại điện tử Trung Quốc và Điều 3 Nghị định 52, thì SGD đóng vai trò là trung gian, người tạo nền tảng để người bán và người mua giao dịch với nhau. Khác nhau của hai định nghĩa này là mức độ tham gia của SGD để người bán và người mua tiến hành một phần hoặc thực hiện các giao dịch độc lập, và điểm giống nhau là ba thực thể bắt buộc là chủ SGD, người bán, và người mua.

Phân loại SGD: Sàn giao dịch là trung gian, nhà cung cấp hạ tầng trên môi trường internet để người bán hàng tham gia vào môi trường kinh doanh trực tuyến, không cần xây dựng website riêng. Việc tiếp cận phân loại SGD được thực hiện theo nhiều hướng, như theo sở hữu sàn, theo hàng hóa, dịch vụ được cung cấp trên sàn... Theo Chow và cộng sự (2000), Mahadevan (2002), sàn giao dịch thương mại điện tử gồm trang tổng hợp, thị trường, sàn đấu giá và nền tảng cộng tác.

Theo quy định pháp luật Việt Nam, SGD là website cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác đăng ký tài khoản, đăng tải thông tin, hình ảnh quảng cáo về doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ để kinh doanh. Việc tổ chức giao dịch trên sàn thương mại điện tử được diễn ra dưới các hình thức là website: i) cho phép mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; ii) cho phép người tham gia lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; iii) có chuyên mục mua bán trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ; iv) các loại khác (Nghị định 52). Pháp luật Việt Nam giải thích hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác. Vì vậy, không cần phải hoàn tất giao dịch qua sàn, mà sàn được các thương nhân, tổ chức, cá nhân có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó. Từ định nghĩa pháp lý sàn giao dịch thương mại điện tử theo Nghị định 52, có thể phân loại SGD như sau:

- Sàn giao dịch chỉ cung cấp dịch vụ cho thương nhân, tổ chức, cá nhân (gọi chung là người bán hàng) mở gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ mà không có tính năng đặt hàng, thanh toán trực tuyến. Trong trường hợp này, sàn chỉ là trang tin tổng hợp. Các giao dịch mua bán giữa người bán với người mua không liên quan đến sàn, là giao dịch diễn ra ngoài sàn. Sàn không kiểm soát giao dịch, dòng tiền, thông tin người mua.

- Sàn giao dịch cung cấp dịch vụ cho người bán và người mua tiến hành giao dịch mua bán trực tuyến. Khi đó, sàn cần có quy trình giao dịch; quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ sàn, quyền và nghĩa vụ của người bán và người mua khi thực hiện giao dịch được trên sàn; trách nhiệm của chủ sàn. Người bán, người mua trên sàn có thể sử dụng sàn như một trung gian thông tin, hoặc như trung gian giao dịch, thậm chí như người đại diện mua hàng hoặc bán hàng tùy thuộc dịch vụ của sàn có cung cấp hay không. Ngay cả khi sàn cung cấp dịch vụ nào đó, nhưng người bán và người mua lại chọn dịch vụ của nhà cung cấp thứ tư.

Như vậy, chỉ những trường hợp luật pháp quy định, thì quyền hoặc nghĩa vụ của người bán và người mua mới bị hạn chế, ví dụ nghĩa vụ tuân thủ về đảm bảo an toàn thông tin trên sàn giao dịch thương mại điện tử; cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa các bên liên quan đến giao dịch qua sàn... Những trường hợp người bán, người mua không chọn sử dụng dịch vụ do sàn cung cấp mà pháp luật không cấm thì sàn không thể cản trở quyền tự do kinh doanh theo luật định của người bán và người mua.

Tóm lại, quyền kiểm soát của sàn giao dịch thương mại điện tử đối với hoạt động của người mua, người bán qua sàn là quyền hạn chế, tùy thuộc vào mức độ sử dụng các dịch vụ của người bán/người mua và quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc đồng ý.

2. Lí luận về thuế GTGT và nghĩa vụ nộp thuế GTGT

Thuế GTGT là loại thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Bản chất của thuế GTGT là loại thuế gián thu. Trong hoạt động kinh doanh, người bán hàng là người nộp thuế GTGT, còn người tiêu dùng là người chi trả thuế khi mua hàng hóa, dịch vụ qua việc cộng tỷ lệ % thuế vào giá bán. Theo điều 2 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP, người nộp thuế GTGT là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT. Người nộp thuế GTGT là cá nhân, tổ chức hoặc cơ sở kinh doanh, và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa chịu thuế GTGT. Nộp thuế GTGT là nghĩa vụ của người nộp thuế (được quy định trong điều 2 Nghị định 209), phù hợp với quy định tại điều 47 Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, và trong Luật Thuế GTGT 2008 của Quốc hội khóa 12. Luật Thuế GTGT 2008 cũng quy định hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế GTGT, những hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. Mục đích của phân loại đối tượng hàng hóa, dịch vụ phải chịu thuế hoặc không chịu thuế GTGT là để hạn chế hoặc khuyến khích xuất khẩu, nhập khẩu các hàng hóa, dịch vụ có thể tự sản xuất trong nước, qua đó thực hiện mục đích của Luật thuế GTGT là tạo khoản thu cho ngân sách nhà nước, điều tiết thu nhập và công bằng xã hội.

Nghĩa vụ thu hộ thuế giá trị gia tăng của sàn: Kinh doanh qua sàn giao dịch thương mại điện tử, người bán là người phải nộp thuế GTGT, vì người bán là người trực tiếp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Người bán phải nộp thuế GTGT với những hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế, hoặc không phải nộp thuế GTGT với những đối tương không chịu thuế. Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định người nộp thuế phải thực hiện đăng ký thuế và được cơ quan thuế cấp mã số thuế trước khi bắt đầu hoạt động sản xuất - kinh doanh hoặc có phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Như vậy, việc quy định sàn giao dịch thương mại điện tử phải thu hộ thuế GTGT có trái Luật thuế GTGT 2008 và không khả thi khi:

i) SGD không phải là người nộp thuế mà người bán hàng trên sàn là người nộp thuế có trách nhiệm nộp thuế theo Luật thuế GTGT 2008;

ii) SGD chỉ cung cấp rất ít dịch vụ hoặc cung cấp dịch vụ rất hạn chế như mở gian hàng trên sàn mà không có chức năng giao dịch mua bán trực tuyến; 

iii) SGD cung cấp nhiều dịch vụ có thể giúp quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ hoàn tất trực tuyến nhưng người bán không sử dụng dịch vụ sàn liên quan đến giao dịch trực tuyến với người mua.

Điều 3 khoản 9 Nghị định 52 chưa làm rõ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn gồm những bước nào. Lấy ví dụ, việc người mua xem thông tin hàng hóa trên gian hàng nhưng không có đặt hàng trực tuyến qua sàn thì có thuộc quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn không? Nếu người mua xem hàng của một gian hàng trên sàn và giao dịch với gian hàng đó không qua sàn thì SGD thu hộ thuế như thế nào? Đây là những vấn đề cần tiếp tục làm rõ dưới góc độ vai trò chức năng của sàn và cơ sở khoa học cho việc quy định sàn giao dịch thương mại điện tử phải thu hộ thuế GTGT.

3. Vai trò của sàn giao dịch thương mại điện tử đối với thu thuế giá trị gia tăng

Kinh doanh qua SGD TMĐT là việc người bán sử dụng dịch vụ do các sàn cung cấp để bán hàng hóa, dịch vụ cho người mua. Người bán không phải tự thiết kế và quản trị website thương mại điện tử để bán mà dùng dịch vụ của sàn do bên thứ ba cung cấp. OECD (2019) đã phân chia trách nhiệm các nền tảng số (trong một số trường hợp là các SGD TMĐT) thành hai loại: trách nhiệm thu hộ thuế GTGT đầy đủ và chế độ thu hộ thuế GTGT tự nguyện.

Trách nhiệm thu hộ thuế GTGT đầy đủ: Theo OECD (2019), chế độ trách nhiệm thu hộ thuế GTGT đầy đủ đối với SGD TMĐT chỉ giới hạn trong các nghĩa vụ liên quan đến thuế GTGT và không giải quyết bất kỳ khía cạnh trách nhiệm pháp lý nào khác, chẳng hạn như trách nhiệm pháp lý đối với bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Điều kiện để áp dụng chế độ thu hộ thuế GTGT đầy đủ là SGD đã thực hiện các hoạt động giống như người bán hàng: SGD đã nhận được hàng hóa từ người bán và đã chuyển hàng hóa cho người mua trong phạm vi quản lý thuế, bao gồm các yêu cầu về lập hóa đơn, kê khai thuế và báo cáo.... SGD chịu trách nhiệm hoàn toàn và duy nhất cho việc đánh giá, thu và nộp thuế GTGT do bán hàng trực tuyến trên sàn. Không có giao dịch mua bán tức là không có GTGT giữa người bán với SGD để tránh phá vỡ chuỗi giao dịch theo giai đoạn.

Ngoài ra, cần không có bất kỳ tác động nào đến quyền cơ bản của người bán được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, tức là người bán phải giữ quyền khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo các quy tắc thông thường khi áp dụng chế độ trách nhiệm thu hộ thuế GTGT đầy đủ. Người mua có thể thanh toán cho người bán hoặc SGD TMĐT. Nếu thanh toán được thực hiện cho SGD thì SGD sẽ nộp thuế GTGT cho cơ quan thuế có thẩm quyền, và người bán trên SGD sẽ không còn phải nộp thuế GTGT nữa. Nếu người mua thanh toán cho người bán, sàn giao dịch TMĐT sẽ cần thu số tiền thuế phải nộp từ người bán để nộp cho cơ quan thuế có thẩm quyền thu thuế.

Chế độ trách nhiệm thu hộ thuế GTGT tự nguyện: SGD TMĐT có thể hỗ trợ việc thu thuế GTGT hiệu quả khi bán hàng trực tuyến. Các SGD TMĐT có nghĩa vụ chia sẻ thông tin, hướng dẫn các người bán sử dụng các dịch vụ do SGD cung cấp, phối hợp giữa cơ quan thuế và SGD qua thỏa thuận để SGD tự nguyện thực hiện nghĩa vụ với tư cách là người thu hộ thuế GTGT. SGD hoạt động như một cơ quan tự nguyện thu hộ thuế. Chế độ này đòi hỏi các cơ quan thuế phải đánh giá tính hợp lý của các biện pháp, có tính đến nhu cầu bố trí nguồn nhân lực, tài chính và công nghệ trong cơ quan thuế để thực hiện và quản lý. Cơ quan thuế có thể xem xét cho phép các SGD hoạt động tự nguyện như một nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba thay mặt cho người bán.

Lưu ý là việc cho phép này có thể phù hợp trong những trường hợp nhất định - một SGD được coi là chịu trách nhiệm đối với một số nguồn cung cấp nhất định nhưng không phải đối với những nguồn cung cấp khác (ví dụ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu dưới ngưỡng tối thiểu, khả năng cho phép SGD tự nguyện thu và nộp thuế GTGT thay mặt người nhập khẩu, tuy nhiên những giao dịch như vậy sẽ cần phải được thực hiện chặt chẽ tham vấn với cơ quan hải quan). Cách làm này có thể mang lại lợi ích và hiệu quả tuân thủ pháp luật cho cả SGD và người bán. Cả hai chế độ thu hộ thuế GTGT của SGD đều dựa trên nguyên tắc tự nguyện của SGD, nhưng sự khác nhau là vai trò của SGD tham gia vào hoạt động bán hàng trực tuyến trên sàn như thế nào. Không có việc quy định trách nhiệm pháp lý bắt buộc SGD phải thực hiện thu hộ thuế GTGT mà chỉ có trách nhiệm hỗ trợ. Nếu cơ quan thuế muốn SGD thu hộ thuế GTGT, cơ quan thuế phải có giải pháp về con người, công nghệ...

4. Giải pháp thực hiện thu hộ thuế GTGT của sàn giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam

Từ phân tích các loại SGD TMĐT, phân tích vai trò của thu hộ thuế của sàn, các nghiên cứu trên thế giới, bài viết này xin có một số trao đổi như là những giải pháp.

Thứ nhất, phải phân loại SGD TMĐT thành những loại nào và làm rõ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn gồm những bước nào. Việc phân loại SGD TMĐT và làm rõ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn có ý nghĩa quan trọng tránh gây hiểu sai, bởi có những SGD là website TMĐT chẳng hạn, chỉ cung cấp dịch vụ mở gian hàng cho người bán để giới thiệu hàng hóa mà không dẫn đến giao kết hợp đồng điện tử. Theo quy định hiện nay, cách hiểu SGD quá rộng, cũng như quy trình hoạt động mua bán hàng hóa trên sàn gồm những bước nào, trong đó bước nào bắt buộc thực hiện qua sàn, bước nào không. Về nguyên lí, nếu không có giao dịch điện tử qua SGD thì quy định SGD thu hộ thuế GTGT là vô nghĩa. Với quy định các SGD TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến có trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay cho người bán là cá nhân trên sàn, tức là đã giới hạn các loại sàn và giới hạn các người nộp thuế. Tuy nhiên, việc quy định sàn cần giới hạn là những sàn phải có đủ chức năng để đảm bảo ký kết hợp đồng mua bán trực tuyến sẽ cụ thể hơn.

Thứ hai, hầu hết cho tới nay, pháp luật các nước không quy định SGD TMĐT phải chịu trách nhiệm pháp lý chính đối với việc thu hộ thuế GTGT, nhưng yêu cầu sàn có thể hỗ trợ cơ quan thuế, các cơ quan hữu quan trong thực thi quản lý người bán hàng trên sàn, để ngăn chặn, xử lý người bán không tuân thủ quy định pháp luật và quy định của sàn. Điều này vừa đúng với quy định của Luật thuế GTGT năm 2008 của Việt Nam, không coi người nộp thuế GTGT là bên trung gian, cũng phù hợp với các quy định trách nhiệm hỗ trợ cơ quan thuế của SGD theo Nghị định 52 và Nghị định 85/2021/NĐ - CP.

Thứ ba, thay cho quy định bắt buộc SGD thu hộ thuế GTGT đối với người bán hàng cá nhân, để kiểm soát những người bán trên SGD không nộp thuế GTGT cần quy định trách nhiệm liên đới của SGD với người bán (gọi tắt là quy định JSL). Đây là một đề xuất của OECD, theo đó quy định trách nhiệm liên đới của SGD có thể được vận dụng để đảm bảo trách nhiệm của sàn khuyến khích các người bán qua sàn phải tuân thủ các nghĩa vụ thuế GTGT (OECD, 2019). Quy định JSL dựa trên giả định lợi ích của SGD được đảm bảo nếu sàn thực hiện đúng trách nhiệm và tạo công bằng cho tất cả những người bán qua sàn cũng như người bán hàng truyền thống. Quy định JSL có thể được áp dụng cho các SGD trong trường hợp sàn không có trách nhiệm pháp lý về thuế GTGT, tức là khi người bán phải nộp thuế GTGT đối với hàng hóa được bán qua sàn (Keigo Fuchi, 2021). Khi cơ quan thuế phát hiện các trường hợp người bán không tuân thủ khai và nộp thuế GTGT và đã thông báo cho SGD mà SGD không thực hiện hành động thích hợp trong một thời gian hợp lý, SGD có thể bị xác định là thiếu trách nhiệm, cơ quan thuế sẽ áp dụng quy định JSL. Tất nhiên, nếu người bán nhận thông báo từ cơ quan thuế và đã nộp thuế GTGT thì không phát sinh trách nhiệm liên đới đối với sàn.

Thứ tư, khuyến nghị đối với sàn giao dịch thương mại điện tử và cơ quan hữu quan: Để tránh chịu trách nhiệm liên đới, SGD TMĐT có thể tự bảo vệ mình bằng cách áp dụng kiểm tra chặt chẽ các người bán hàng trên sàn, như yêu cầu người bán cá nhân phải đăng ký thuế GTGT hoặc thuế thu nhập cá nhân, doanh nghiệp phải đăng ký thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế GTGT khi kinh doanh qua sàn. Các cơ quan hữu quan cần tăng cường cơ chế phối hợp và giám sát hoạt động giao dịch trực tuyến của người bán hàng cá nhân qua sàn, như kiểm tra cơ sở vật lý, kho hàng... kịp thời phát hiện người bán không nộp thuế GTGT.

Thứ năm, khuyến nghị đối với người mua, người mua cần được tuyên truyền về trách nhiệm thuế khi mua hàng trực tuyến. Ở góc độ này, yêu cầu người bán phải thông báo cho người mua biết giá của hàng hóa đã hoặc chưa bao gồm thuế GTGT và đề nghị người mua được biết trước khi quyết định mua. Thông qua những cách thức tuyên truyền hoặc thông báo trước để người mua quyết định có mua hay không mua trực tuyến. Quy định JSL có thể được áp dụng rộng hơn, không chỉ SGD mà cả với những người có trách nhiệm trong quá trình giao dịch trực tuyến qua sàn để đảm bảo nghĩa vụ nộp thuế GTGT được thực thi hiệu quả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bal, A (2019), Germany: New VAT Compliance Obligations for Online Platforms. ECTax Review 28, 114- 119.

2. Christoph Zott and Raphael Amit (2017), Business Model Innovation: How to Create Value in a Digital World, GfK MIR / Vol. 9, No. 1, 2017.

3. Dunja Nicole Lisa Jetten (2021), The VAT liability of digital platforms: the EU rules in the light of the OECD Guidelines, Master Thesis, Master’s Programme in European and International Tax Law.

4. Anh Minh (2022), Thu đủ thuế trong hoạt thương mại điện tử: Bài toán khó, truy cập tại https://baochinhphu.vn/bai-1-thu-du-thue-trong-hoat-thuong-mai-dien-tu-bai-toankho-10222070108182086.htm.

5. Anh Tuấn (2022), Chống thất thu thuế lĩnh vực thương mại điện tử, truy cập tại https://nhandan.vn/chong-that-thu-thue-linh-vuc-thuong-mai-dien-tu-post699377.html.6. IPKey (2019), E-Commerce Law of the People’s Republic of China, ipkey.eu.

TS. Chử Bá Quyết

Trường Đại học Thương mại

Tạp chí in số tháng 10/2023
Bạn đang đọc bài viết Giải pháp thực hiện sàn giao dịch thương mại điện tử thu hộ thuế GTGT tại Việt Nam tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899