Tp.HCM duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng Vành đai 3

04/10/2022, 16:28

TCDN - Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi vừa ký quyết định phê duyệt Hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1 thuộc dự án đường Vành đai 3 đoạn qua Tp.HCM để chuẩn bị cắm cọc, bàn giao hồ sơ ranh giải phóng mặt bằng.

Phạm vi ranh giải phóng mặt bằng được chia thành hai đoạn. Đoạn 1 (địa phận thành phố Thủ Đức) dài khoảng 14,73 km với điểm đầu giáp nút giao cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây), điểm cuối giáp nút giao Tân Vạn. Đoạn 2 (địa phận huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh) dài khoảng 32,62 km, điểm giáp cầu Bình Gởi, điểm cuối hết phạm vi cầu Thầy Thuốc.

Theo báo Đấu thầu, diện tích đất cần giải phóng mặt bằng để làm đường Vành đai 3 đoạn qua Tp.HCM là 409 ha, trong đó hơn 90% là đất nông nghiệp và việc bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 1/12/2022.

Đến tháng 4/2023 sẽ chi trả toàn bộ số tiền bồi thường đất nông nghiệp và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư vào tháng 5/2023 (khoảng 300 ha) để khởi công dự án. Đến tháng 7/2023 các địa phương sẽ chi trả bồi thường phần đất ở cho người dân và bàn giao mặt bằng còn lại trước 30/12/2023.

Phối cảnh nút giao Tân Vạn thuộc đường Vành đai 3, Tp.HCM. Ảnh: Báo Đầu tư

Phối cảnh nút giao Tân Vạn thuộc đường Vành đai 3, Tp.HCM. Ảnh: Báo Đầu tư

Về giá đền bù Dự án đường Vành đai 3, Tp.HCM dự kiến đối với đất phi nông nghiệp, trong đó có đất ở nằm trong khoảng từ hơn 18 triệu đồng đến hơn 40 triệu đồng/m2. Đối với đất nông nghiệp được chia làm 2 loại. Đất trồng cây lâu năm giá bồi thường từ 3,2 triệu/m2 đến 8,5 triệu đồng/m2; đất nông nghiệp có giá bồi thường là 3,2 triệu đồng/m2 đến 6,5 triệu đồng/m2.

Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Tp.HCM phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM, UBND thành phố Thủ Đức, UBND các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, thành phố Thủ Đức và các đơn vị liên quan tổ chức cắm cọc và bàn giao hồ sơ ranh giải phóng mặt bằng dự án để thực hiện các công việc tiếp theo.

Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Giao thông Vận tải, Sở Giao thông Vận tải các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và các đơn vị liên quan thống nhất các nội dung trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi; các hạng mục công trình ảnh hưởng đến mỹ quan chung của dự án; giải pháp kết nối tại các vị trí giáp ranh.

Việc phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc dự án Vành đai 3 sẽ là cơ sở để Tp.HCM thực hiện các công việc tiếp theo như lập đồ án điều chỉnh các quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Xác định nhu cầu tái định cư, bám sát tiến độ tổng thể của dự án đã được đề ra.

Theo TTXVN, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 Tp.HCM được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022, nhằm kết nối Tp.HCM với tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và các địa phương khác trong vùng. Dự án có chiều dài khoảng 76,34 km, chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công; tổng mức đầu tư sơ bộ là 75.378 tỷ đồng.

Tháng 8/2022, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP nhằm triển khai Nghị quyết số 57/2022/QH15 của Quốc hội. Nghị quyết 105/NQ-CP nêu rõ, các địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng từ 1/10/2022; tổ chức thi công từ 30/6/2023 đến 30/6/2026.

Gia Linh
Bạn đang đọc bài viết Tp.HCM duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng Vành đai 3 tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan