Tp.HCM: Gần 1.000 doanh nghiệp ở nợ bảo hiểm xã hội hơn 1.600 tỷ đồng

26/01/2022, 09:03

TCDN - Theo BHXH TP.HCM, có 999 đơn vị nợ đóng BHXH trên 6 tháng, đến cuối năm 2021 với hơn 1.600 tỷ đồng, tăng gần 1,5% so với cùng kỳ.

Ngày 25/1, BHXH TP.HCM thống kê có 999 đơn vị nợ đóng BHXH trên 6 tháng và từ 300 triệu đồng trở lên (số liệu nợ tính đến hết ngày 31/12/2021). Tổng cộng, 999 đơn vị này nợ đóng BHXH số tiền hơn 1.655 tỉ đồng.

Danh sách các đơn vị, doanh nghiệp này được đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan BHXH TP.HCM (website:https://tphcm.baohiemxahoi.gov.vn).

Bên cạnh những đơn vị nợ suốt thời gian dài, không còn khả năng trả có thêm một số công ty lớn cũng chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Ảnh minh họa. Ảnh: T.Hằng

Ảnh minh họa. Ảnh: T.Hằng

Theo ông Mến, nguyên nhân chính do Covid-19 khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất. Ngoài ra, theo chỉ đạo của Chính phủ, hoạt động thanh tra của ngành bảo hiểm xã hội cũng tạm dừng, không kịp thời nhắc nhở, xử phạt cũng khiến nợ tăng lên.

Mặt khác, việc xử lý đối với doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... vẫn chưa được cơ quan chức năng hướng dẫn rõ ràng. Nhiều công ty khi để nợ số tiền lớn thay địa điểm, đổi tên, sang nhượng cho người khác.

BHXH TP.HCM nhận định, tình trạng nợ BHXH của các doanh nghiệp đã kéo dài nhiều năm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn và cũng dựa vào tình hình dịch Covid-19 cố tình để nợ, không trích đóng BHXH. Ngoài ra, một số đơn vị dù đã bị thanh tra nhiều lần nhưng vẫn chây ì, không khắc phục.

Để đảm bảo quyền lợi ốm đau, thai sản, hưu trí cho người lao động ở những nơi để nợ bảo hiểm, cơ quan này cho phép doanh nghiệp tách riêng các trường hợp này ra để đóng trước. Sắp tới, bảo hiểm sẽ tăng cường công tác thanh tra các doanh nghiệp để nợ. Từ ngày 17/1, quy định xử phạt ở mức cao hơn đối với đơn vi chậm hoặc trốn đóng.

Bảo hiểm xã hội TP HCM cũng đề nghị cơ quan công an xử lý hình sự một số đơn vị để nợ kéo dài, trốn đóng bảo hiểm làm ảnh hưởng nhiều lao động.

Hiện, quy định đóng bảo hiểm xã hội ở mức 30,5% lương cơ sở (cho quỹ hưu trí, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bảo hiểm y tế...), trong đó phía doanh nghiệp đóng 20%, người lao động đóng 10,5%. Mức đóng bảo hiểm xã hội tối đa bằng 20 tháng lương cơ sở (1,49 triệu đồng/tháng), tức là 29,8 triệu đồng. Khi doanh nghiệp chây ì, người lao động sẽ không được hưởng những quyền lợi trên.

Theo báo Thanh niên, hồi đầu tháng 1/2022, cơ quan BHXH TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022. Theo báo cáo tổng kết, năm 2021, cơ quan đã xây dựng và triển khai kế hoạch công tác thanh, kiểm tra; phối hợp với Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, Công an TP.HCM và các đơn vị liên quan đẩy mạnh thanh, kiểm tra liên ngành việc chấp hành pháp luật về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, BHXH TP.HCM đã dừng thanh, kiểm tra trực tiếp tại các đơn vị, doanh nghiệp từ ngày 31/5/2021.

Gia Linh
Bạn đang đọc bài viết Tp.HCM: Gần 1.000 doanh nghiệp ở nợ bảo hiểm xã hội hơn 1.600 tỷ đồng tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan