Trị giá xuất nhập khẩu đạt mốc 500 tỷ USD
TCDN - Theo thông tin của Tổng cục Hải quan, trong nửa cuối tháng 12/2019, trị giá xuất nhập khẩu đã cán mốc 500 tỷ USD.
Tổng cục Hải quan cho biết, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt thặng dư liên tục sau một thời gian dài thâm hụt (nhập siêu). Từ năm 2011 trở về trước, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam luôn trong trạng thái thâm hụt, kéo dài liên tục, con số nhập siêu lên đến hàng tỷ USD, đỉnh điểm lên tới 18,02 tỷ USD trong năm 2008. Nhưng từ năm 2012 đến nay, cán cân thương mại đổi chiều, thặng dư (xuất siêu) liên tục (trừ năm 2015, có mức thâm hụt trị giá 3,55 tỷ USD). Kết thúc năm 2018, xuất siêu hàng hóa của nước ta đã đạt 6,83 tỷ USD. Trong 11 tháng từ đầu năm 2019, với sự gia tăng quy mô xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, thặng dư cán cân thương mại đã lên tới 10,94 tỷ USD.
Trong 11 tháng năm 2019, tổng trị giá xuất nhập khẩu của nhóm doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) đạt 297,87 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vẫn tăng về quy mô trị giá nhưng tốc độ tăng xuất nhập khẩu của nhóm doanh nghiệp này thấp hơn. Bên cạnh đó xuất nhập khẩu của khối các doanh nghiệptrong nước 11 tháng năm 2019 đạt 15,1%, duy trì 3 năm liên tiếp đạt tốc độ tăng trên 10%.
Trước đây, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản là 3 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ năm 2013 với tốc độ tăng vượt trội, Hàn Quốc đã chính thức vượt qua Nhật Bản, vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ 3 của Việt Nam. Cụ thể, trong 11 tháng từ đầu năm 2019, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 105,8 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2018; với Hoa Kỳ đạt 68,7 tỷ USD, tăng 24,5%; với Hàn Quốc đạt 61,4 tỷ USD, tăng 1,8%; với Nhật Bản đạt 36,3%, tăng 4,6%.Trong 11 thángtừ đầu năm 2019, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ tăng mạnh, nhưng xuất sang thị trường Trung Quốc và ASEAN tăng chậm lại,xuất sang Liên minh châu Âu (EU28) giảm nhẹ.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899