Triển khai hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành

21/11/2021, 09:22

TCDN - Sáng 21/11/2021, tại trụ sở Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố triển khai Hệ thống hóa đơn điện tử.

Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và lãnh đạo Tổng cục Thuế, các bộ, ngành, địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021, công tác hiện đại hóa hệ thống thuế và triển khai áp dụng hoá đơn điện tử là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng trong năm 2021 bởi những lợi ích to lớn của nó mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân và cộng đồng xã hội.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và lãnh đạo Tổng cục Thuế, các bộ, ngành kích hoạt Hệ thống hóa đơn điện tử.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và lãnh đạo Tổng cục Thuế, các bộ, ngành kích hoạt Hệ thống hóa đơn điện tử.

Theo Bộ trưởng, nhận thức rõ vai trò quan trọng đó, thời gian qua, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, đặc biệt là Tổng cục Thuế đã hết sức nỗ lực, quyết tâm vào cuộc, triển khai khẩn trương, quyết liệt các nhiệm vụ, nội dung công việc nhằm sớm đưa hóa đơn điện tử vào cuộc sông, cụ thể như: Xây dựng hệ thống cơ chế chính sách pháp luật, hành lang pháp lý rõ ràng (Luật quản lý thuế, Nghị định và Thông tư hướng dẫn); Khẩn trương, quyết liệt triển khai chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật (Đầu tư máy móc thiết bị, nâng cấp đường truyền; Xây dựng phần mềm ứng dụng; Thành lập các trung tâm điều hành tại Tổng cục và 06 Cục Thuế; Thành lập BCĐ triển khai hóa đơn điện tử của ngành Thuế và BCĐ tại 06 tỉnh, thành phố ...).

Tại Hội nghị, Bộ trưởng đã công bố chính thức triển khai áp dụng Hóa đơn điện tử tại 06 tỉnh, thành phố. ”Để triển khai thành công giai đoạn 1, làm tiền đề triển khai áp dụng thành công trên toàn quốc, tôi yêu cầu toàn thể các CBCC ngành thuế quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Báo cáo tại Hội nghị, Tổng cục Thuế cho biết, là đơn vị chủ lực dẫn dắt quá trình chuyển đổi số trong ngành Tài chính, ngay từ năm 1991, Tổng cục Thuế đã đưa ứng dụng CNTT vào công tác quản lý. Đến nay qua 30 năm liên tục đầu tư và phát triển, hệ thống CNTT của ngành thuế đã phát triển một cách toàn diện, điện tử hóa được mọi ứng dụng trong tất cả các khâu của quản lý thuế, từ tiếp nhận, xử lý hồ sơ, hạch toán nghĩa vụ thuế của cá nhân, doanh nghiệp trên cả nước với trên 41 triệu mã số thuế và hàng trăm triệu hồ sơ thuế, đến truyền nhận các văn bản chỉ đạo trong nội bộ cơ quan thuế.

Đặc biệt, với 12 năm phát triển cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Tổng cục Thuế là một trong những cơ quan nhà nước tiên phong trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ điện tử cho người dân, doanh nghiệp.

Thời gian qua, ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng đã rất nỗ lực trong cải cách, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội nghị.

Từ năm 2015, ngành Thuế triển khai vận hành Hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) trên phạm vi toàn quốc, cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa, điện tử hóa trong quản lý người nộp thuế từ khâu đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, đến hoàn thuế. Đến nay, việc tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ của người nộp thuế đều được thực hiện tập trung và tự động. Cơ quan thuế từ việc phải nhập dữ liệu kê khai của người nộp thuế vào hệ thống phần mềm thì hiện nay chỉ thực hiện việc đối chiếu, kiểm soát, giám sát dữ liệu kê khai của người nộp thuế, từ đó phân tích thông tin, đưa ra các biện pháp nghiệp vụ phù hợp để quản lý thuế hiệu quả.

Ngành thuế đã đạt được nhiều kết quả, đăng ký thuế: Triển khai đăng ký thuế điện tử liên thông với cơ quan đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp bắt đầu từ năm 2009 và đăng ký thuế điện tử trực tiếp với cơ quan thuế đối với cá nhân và tổ chức khác bắt đầu từ năm 2019, tính đến nay 100% các giao dịch được truyền nhận điện tử đăng ký thuế cùng với đăng ký kinh doanh theo cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan đăng ký kinh doanh;

Về khai thuế điện tử: Triển khai khai thuế điện tử từ năm 2009, tính đến năm 2021 có trên 849.000 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử trên tổng số trên 849.600 DN đang hoạt động, đạt tỷ lệ 99,9%. Số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận trong năm 2021 là trên 16 triệu hồ sơ;  

Về nộp thuế điện tử: Triển khai nộp thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc từ năm 2014, tính đến năm 2021 có trên 837.300 doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử với cơ quan thuế, đạt tỷ lệ 99% số doanh nghiệp đang hoạt động;

Về hoàn thuế điện tử: Triển khai trên toàn quốc từ năm 2017, tính đến năm 2021 số doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử là trên 8.000 trên tổng số 8.200 doanh nghiệp hoàn thuế, đạt tỷ lệ gần 98%.

Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, đã tạo ra bối cảnh người dân và DN thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách mà không phải trực tiếp đến cơ quan thuế.

Thực hiện quy định của Luật Quản lý thuế, Chương trình chuyển đổi số quốc gia Việt Nam đến năm 2030 và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành Thông tư hướng dẫn triển khai Nghị định về hóa đơn điện tử và ban hành các quyết định triển khai hệ thống hóa đơn điện tử theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ và Bình Định bắt đầu từ tháng 11/2021.

Giai đoạn 2 tại 57 địa phương còn lại, đảm bảo đến ngày 30/6/2022 đạt 100% doanh nghiệp trên toàn quốc áp dụng hóa đơn điện tử.

Việc chuyển đổi sang hóa đơn điện tử có ý nghĩa quan trọng giúp doanh nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy (giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn, không gian lưu trữ hóa đơn…), giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế. Và đặc biệt, việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử còn có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (big data), mấu chốt của chuyển đổi số không chỉ đối với cơ quan thuế mà còn đối với cả doanh nghiệp và nền kinh tế. Góp phần quan trọng phát triển Chính phủ điện tử, đổi mới công tác quản lý nhà nước.

T. Phương
Bạn đang đọc bài viết Triển khai hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan