Triển vọng sáng của nhóm cổ phiếu ngành hóa chất

23/06/2022, 08:42

TCDN - Với tiềm năng tăng trưởng tốt và định giá hấp dẫn, cổ phiếu ngành hoá chất là cơ hội của nhiều nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường khó lường như hiện nay.

Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) chỉ ra rằng trong tháng 5/2022, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành hoá chất tiếp tục tăng trưởng 5%. Giá bán tăng cao từ đầu năm đến nay là động lực tăng trưởng chính của ngành hóa chất.

Lợi nhuận đột biến của ngành hóa chất

Quý I vừa qua, hàng loạt doanh nghiệp thuộc ngành hoá chất báo lãi tăng đột biến. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã DGC) báo lãi đạt 1.507 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử, tăng 418% so với cùng kỳ; Công ty cổ phần Hóa chất cơ bản miền Nam (mã CSV) báo lãi cao gấp 3 lần cùng kỳ nhờ sản lượng và giá bán tăng mạnh, hoàn thành 56% kế hoạch năm; Công ty cổ phần Hóa chất Việt Trì (mã HVT) báo lãi 36 tỷ đồng, cao gấp 4 lần cùng kỳ.

Đà tăng trưởng này của ngành hóa chất, theo giới quan sát, sẽ còn tiếp diễn. Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định việc Trung Quốc giảm dần các sản phẩm công nghiệp nặng, cũng như đóng cửa một phần dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã làm giảm nguồn cung dài hạn nhiều mặt hàng hóa chất. Giá phốt pho vàng trên thế giới còn tiếp tục tăng cao.

Thực tế, giá lân, phốt pho đã tăng gần 40% trong hai tháng đầu năm và đà tăng chưa dừng lại. Giá axit nitric, hoá chất thiết yếu trong sản xuất phân bón, tăng 4% một ngày. Giá mặt hàng này tăng liên tục từ tháng 3 đến nay với mức tăng 26%.

Năm 2022, Hóa chất Đức Giang đặt mục tiêu doanh thu 12.117 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.500 tỷ đồng. Sau quý I, Công ty đã hoàn thành 30% kế hoạch doanh thu và 43% kế hoạch lợi nhuận năm.

Công ty cổ phần Hoá chất cơ bản miền Nam (CSV) đặt mục tiêu năm nay đạt doanh thu 1.742 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 251 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý I, Công ty hoàn thành 28% mục tiêu doanh thu và gần 56% mục tiêu lợi nhuận cả năm. Hoá chất Việt Trì (mã HVT) cũng hoàn thành 56% mục tiêu lợi nhuận năm chỉ trong ba tháng đầu năm. Năm nay, HVT đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế chỉ 80 tỷ đồng.

Giới phân tích dự báo, kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp ngành hóa chất tiếp tục khả quan.

Ngành hóa chất mở rộng tăng trưởng

Doanh nghiệp ngành hoá chất đang có nhiều kế hoạch để mở rộng tăng trưởng. Ngày 8/6 vừa qua, Tập đoàn Hoá chất Đức Giang đã đầu tư hai dự án tại tỉnh Đắk Nông, gồm dự án nhà máy sản xuất phân bón Đức Giang - Đắk Nông và Dự án tổ hợp nhôm Đắk Nông có tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng dự kiến được triển khai xây dựng trong 12 tháng. Nhà máy sẽ sản xuất phân bón NPK công suất 200.000 tấn/năm và sản xuất phân bón Kali Sulfat công suất 4.800 tấn/năm.

Đối với dự án tổ hợp nhôm Đắk Nông, dự kiến quy mô khai thác đạt khoảng 14,4 triệu tấn quặng bô xít/năm. Tổ hợp sẽ xây dựng 3 nhà máy tuyển quặng với công suất 5,8 triệu tấn quặng tinh/năm. Tổng mức đầu tư của cả 2 giai đoạn là 57.000 tỷ đồng. Dự kiến khi hoàn thành và đi vào hoạt động, dự án sẽ góp nguồn thu cho ngân sách hơn 4.800 tỷ đồng.

Bản thân các doanh nghiệp xác định kế hoạch tăng trưởng trong dài hạn. Công ty cổ phần Hoá chất Việt Trì (HVT) vừa ký kết hợp tác với Tổng công ty Hoá chất và dịch vụ dầu khí (PVChem, mã PVC). Cả hai đều đánh giá cơ hội hợp tác tốt trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng sản phẩm hoá chất cơ bản, nhất là trong lĩnh vực dầu khí và có sự hợp tác lâu dài.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, nhiều công ty đã tập trung đầu tư công nghệ để thúc đẩy tăng trưởng. Đơn cử, Công ty cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao đã triển khai công trình chuyển đổi công nghệ sản xuất axit sunphuric từ tiếp xúc đơn, hấp thụ một lần sang công nghệ tiếp xúc kép, hấp thụ hai lần. Công ty cổ phần Hóa chất cơ bản Miền Nam và Công ty cổ phần Hóa chất Việt Trì đã ứng dụng công nghệ điện phân xút-clo màng trao đổi ion.

Các công ty đã khẳng định được lợi nhiều mặt khi áp dụng công nghệ mới, hiện đại, thiết bị tiên tiến, điều khiển tự động, không những hiệu quả sản xuất tăng, định mức tiêu hao nguyên liệu giảm, mà các yếu tố an toàn, bảo vệ môi trường cũng được nâng cao.

Tại Dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 mà Bộ Công Thương đang trình Chính phủ, ngành công nghiệp hoá chất được xây dựng phát triển ở cả chiều rộng và chiều sâu.

Không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu trong nước, các doanh nghiệp trong ngành đẩy mạnh xuất khẩu, hình thành chuỗi giá trị tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất ngành công nghiệp Việt Nam và khu vực đồng thời hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn.

Nhờ kết quả kinh doanh tốt và triển vọng tăng trưởng tích cực, các cổ phiếu ngành hóa chất như DGC, HVT, CSV vẫn thu hút dòng tiền trong bối cảnh thị trường chung chịu áp lực rung lắc mạnh. Với thị giá ngày 14/6/2022, CSV tăng 15,7% so với hồi đầu năm; HVT đi ngang; nhưng DGC giảm 20%.

hoa chat duc giang

Hiện nay, thị giá nhóm cổ phiếu ngành hoá chất đã trở rẻ so với tiềm năng nội tại của doanh nghiệp sau những nhịp điều chỉnh. Về dài hạn, đây là nhóm ngành có sự tăng trưởng ổn định và bền vững, mang lại lợi ích cho nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định nhóm cổ phiếu hoá chất là một trong những nhóm hưởng lợi cùng đà hồi phục của nền kinh tế.

Nhã Vy
Bạn đang đọc bài viết Triển vọng sáng của nhóm cổ phiếu ngành hóa chất tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan