Trốn, tránh thuế gây thất thu hơn 20.000 tỷ đồng mỗi năm
TCDN - Việc trốn, tránh thuế ước tính gây thất thu từ 15,6 đến 20,7 nghìn tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2013-2017.
Đây là con số được đưa ra tại Hội thảo tổng kết Dự án Tài chính cho Phát triển (2016 - 2020). Dự án do Oxfam và các đối tác trong Liên minh Công bằng Thuế Việt Nam, Liên minh Minh bạch Ngân sách và Liên minh Khoáng sản thực hiện. Dự án thuộc Chương trình Đối tác Chiến lược giữa Oxfam, Trung tâm Nghiên cứu về các Tập đoàn Đa quốc gia (SOMO) và Chính phủ Hà Lan.
Báo cáo kết quả từ Dự án cho thấy, ưu đãi thuế doanh nghiệp của Việt Nam ước tính khoảng 62 nghìn tỷ đồng trong năm 2016, tương đương 7% thu ngân sách nhà nước. Ngoài ra, việc trốn, tránh thuế ước tính gây thất thu từ 15,6 đến 20,7 nghìn tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2013 - 2017. Gánh nặng chi tiêu cho các dịch vụ thiết yếu đè nặng lên vai người dân. Trong khi đó, thất thoát và tham nhũng đang diễn ra khá nghiêm trọng trong các dự án đầu tư công.
Ông Nguyễn Đức Thành, Sáng lập, nguyên Viện trưởng và hiện là Cố vấn trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), đại diện Liên minh Công bằng Thuế Việt Nam, khẳng định: “Thứ nhất, việc cải thiện tình trạng ngân sách ở Việt Nam cần bắt đầu từ tiết kiệm và phân bổ chi tiêu hợp lí, chứ không phải nhờ tăng cường thu từ các sắc thuế mới hoặc tăng thuế suất. Chưa nên mở rộng nguồn thu ngay mà nên cắt giảm chi tiêu trước để giảm gánh nặng nợ công.
Thứ hai, việc tái cơ cấu hệ thống thuế nên được thực hiện theo hướng giảm các loại thuế có bản chất lũy thoái. Điều này hàm ý rằng cần phải tăng tỷ trọng thuế trực thu và giảm tỷ trọng thuế gián thu trong tổng thu thuế. Đồng thời, các khoản thu thuế tăng lên cần được chi cho đầu tư phát triển thay vì dành cho chi thường xuyên của Chính phủ, nhằm giúp tăng sản lượng thực của nền kinh tế trong dài hạn”.
Bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc Quốc gia của Oxfam tại Việt Nam cho rằng, “Dự án “Tài chính cho phát triển” đã khẳng định tầm quan trọng của minh bạch và công bằng trong thu và chi ngân sách đối với việc thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng trong xã hội, đảm bảo mọi người dân, đặc biệt người nghèo, phụ nữ và các nhóm yếu thế khác được tham gia và hưởng lợi công bằng từ quá trình phát triển, trong đó sự tham gia của người dân và các tổ chức xã hội trong quản lý và giám sát ngân sách là yếu tố then chốt”.
Trong năm năm triển khai Dự án, Oxfam và Liên minh Công bằng Thuế đã thực hiện nhiều nghiên cứu mang tính đột phá về thuế tại Việt Nam, làm cơ sở cho các khuyến nghị và đóng góp tích cực vào các chính sách thuế. Có thể kể đến “Báo cáo đánh giá mức độ công bằng thuế tại Việt Nam” năm 2017; “Báo cáo đánh giá về tác động của đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng lên tổng thể nền kinh tế và phúc lợi hộ gia đình”; “Khả năng áp dụng và tác động của thuế tài sản tại Việt Nam” năm 2018; “Báo cáo cải thiện khung pháp lý về tránh thuế của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại việt nam – bao gồm trường hợp Conocophillips – Parenco”; “Trốn và tránh thuế ở Việt Nam: Trường hợp thuế thu nhập doanh nghiệp”; “Chi tiêu thuế ở Việt Nam: trường hợp thuế thu nhập doanh nghiệp”...
Nghiên cứu công phu về “Hướng tới chính sách thuế bền vững trong khu vực ASEAN: Trường hợp ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp”. Nghiên cứu này đã tiến hành rà soát tất các các hình thức ưu đãi thuế tại 10 quốc gia ASEAN và chỉ ra rằng cạnh tranh thuế đang diễn ra nghiêm trọng, gây ảnh hưởng nhiều đến thu ngân sách và phát triển bền vững của các nước trong khu vực.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899