Trung Nam Group đầu tư dự án 14.000 tỷ đồng tại Ninh Thuận
TCDN - Dự án Nhà máy điện mặt trời 450MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam kết hợp đầu tư trạm biến áp 500kv Thuận Nam và các đường dây 500kv, 220kv đấu nối vào hệ thống điện quốc gia có tổng vốn đầu tư gần 14.000 tỷ đồng.
UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có văn bản về việc chọn Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) là nhà đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời 450MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam kết hợp với đầu tư trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây 500kV, 220kV.
Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận cũng yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đầy đủ các nội dung đã cam kết tại hồ sơ đăng ký đầu tư cũng như văn bản cam kết, nhất là về tiến độ triển khai dự án, chất lượng công trình, cơ chế giá điện, bàn giao hệ thống hạ tầng lưới điện truyền tải cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia quản lý; đấu nối, giải tỏa công suất cho các dự án năng lượng tái tạo trong khu vực.
Dự án Nhà máy điện mặt trời 450 MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam kết hợp đầu tư trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây 500 kV, 220 kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia có tổng vốn đầu tư gần 14.000 tỷ đồng.
Đối với dự án này, Trung Nam đặt ra tiến độ triển khai, trong đó công tác xây dựng dự kiến từ quý II đến quý IV/2020 và hoàn thành, đưa vào vận hành cuối quý IV/2020. Khi đi vào vận hành, Dự án sẽ giải tỏa được công suất truyền tải cho khu vực Ninh Thuận và tạo điều kiện tiếp tục phát triển ngành Năng lượng tái tạo của tỉnh nhà. Dự kiến khi đi vào vận hành, nhà máy điện mặt trời Thuận Nam với quy mô công suất 450MW sẽ là nhà máy điện mặt trời lớn nhất tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á hiện tại.
Hiện nay, tại Ninh Thuận, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho được hưởng giá bán điện ưu đãi là 9,35 UScent/kWh với 2.000 MW điện mặt trời hoàn tất trong năm 2020, kéo dài hơn so với mốc ngày 31/6/2019 tại Quyết định 11/2017/QĐ-TTg. Tuy nhiên, văn bản pháp quy về việc hưởng chính sách giá điện ưu đãi này hiện vẫn chưa được ban hành.
Tỉnh Ninh Thuận hiện mới có 17 nhà máy điện mặt trời đi vào hoạt động với công suất trên 1.100 MW, nghĩa là vẫn còn dư địa nếu so với con số 2.000 MW nói trên.
Điều cũng thu hút được sự quan tâm ở dự án này là trường hợp Nhà máy Điện mặt trời công suất 450 MW hoàn tất trước ngày 31/12/2020, trong khi các đường dây 500 kV, 220 kV có thể không hoàn thành kịp với mốc tiến độ này thì giá mua điện áp dụng ra sao?
“Trong quá khứ, đã có một số dự án điện mặt trời ở chính khu vực Ninh Thuận đã được tạo điều kiện cấp COD trước, dù không được huy động lên lưới do chưa có đường dây truyền tải và nhà đầu tư đã chấp nhận bởi họ vẫn hưởng lợi về lâu dài.
Với Dự án điện mặt trời 450 MW cùng các đường dây mà Trung Nam Group trúng thầu, Bộ Công thương sẽ là nơi hướng dẫn rất cụ thể về chuyện đấu nối và các điều kiện về thời điểm được công nhận COD bởi liên quan đến mức giá ưu đãi 9,35 UScent/kWh.
Đây cũng là thử thách với nhà đầu tư trong quá trình làm việc với cơ quan chức năng lẫn bên cho vay, bởi thời gian còn lại không quá dài và các công việc lại liên quan cộng sinh tới nhau”, một chuyên gia về ngành điện nhận xét.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899