Trung Quốc báo động khủng hoảng nghiêm trọng vì thiếu điện
TCDN - Trung Quốc đang lâm vào khủng hoảng thiếu điện nghiêm trọng khiến hàng loạt ngành sản xuất như nhôm, dệt may, sản xuất đậu tương... đã bị yêu cầu phải cắt giảm hoạt động hoặc thậm chí đóng cửa một phần.
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đưa tin, trong tháng 8 vừa qua, 16 trong số 31 tỉnh của Trung Quốc, kể cả tỉnh trọng điểm về công nghiệp ở phía nam như Quảng Đông, đã phải triển khai các biện pháp phân bổ lượng điện. Động thái gây lo ngại cho đông đảo người dân và đẩy ngành công nghiệp của nước này vào hỗn loạn.
“Tình hình trở nên tồi tệ hơn vào cuối tuần qua. Việc mất điện diện rộng không chỉ xảy ra ở các nhà máy nữa", Lu Ting, kinh tế gia trưởng thuộc tập đoàn tài chính Nomura viết trong bản khuyến nghị hôm 27/9.
Khoảng một nửa trong tổng số 23 tỉnh thành của Trung Quốc không thể thực hiện được các mục tiêu tiết kiệm năng lượng mà Bắc Kinh đưa ra và hiện đang chịu nhiều áp lực trong việc cắt giảm tiêu thụ điện năng. Những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm tỉnh Giang Tô, Chiết Giang và Quảng Đông, những tỉnh công nghiệp quan trọng chiếm khoảng 30% kinh tế Trung Quốc.
Các tỉnh đông bắc như Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang đang bị mất điện trên diện rộng. Trên mạng xã hội đầy rẫy những lời phàn nàn của người dân. Một số thậm chí bày tỏ sự tức giận khi bị cắt điện vào giờ cao điểm mà không được thông báo trước đầy đủ.
Chengde New Material, trụ sở tại Quảng Đông, một trong những nhà sản xuất thép không gỉ lớn nhất của đất nước, thông báo sẽ đóng cửa hoạt động trong hai ngày mỗi tuần cho đến khi điện không cần phải dùng theo cơ chế phân bổ nữa. Công ty dự kiến khối lượng sản xuất sẽ giảm 20%, tương đương 10.000 tấn thép mỗi tháng.
"Các công ty không hài lòng về điều này", Klaus Zenkel, Chủ tịch EuroCham ở Nam Trung Quốc, cho biết. Ông nói có đến 80 công ty thành viên của họ bị ảnh hưởng bởi lệnh dừng hoạt động vài ngày trong tuần. Một số công ty thậm chí đã thuê máy phát điện chạy dầu diesel để duy trì hoạt động.
Tại Vân Nam, thiếu điện đã khiến nguồn cung một số kim loại như nhôm và thiếc giảm. Việc giảm sản lượng cộng với khả năng giao hàng chậm trễ có nguy cơ khiến chuỗi cung ứng toàn cầu thêm căng thẳng, theo Henning Gloystein, Giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên của Eurasia Group.
Quảng Đông còn đang có ổ dịch bùng phát ở cảng, khiến việc tồn đọng hàng hóa có thể mất nhiều tháng để giải quyết. "Tình trạng thiếu điện có thể buộc các nhà sản xuất địa phương xếp lại lịch hoạt động, gây ra thách thức thời gian giao hàng và phần còn lại của chuỗi cung ứng", Lara Dong, Giám đốc cấp cao về năng lượng và năng lượng tái tạo tại Trung Quốc tại IHS Markit, nói.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng, tình trạng trên bắt nguồn từ cả sự thiếu hụt than đá và nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đạt các mục tiêu giảm phát thải khí độc hại. Họ cảnh báo, những gián đoạn tiếp theo trong việc cung ứng điện có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát khi sản xuất gia tăng.
Kinh tế Trung Quốc hiện đang đương đầu với rủi ro thiếu trầm trọng than đá và khí đốt sử dụng để sưởi ấm nhà cửa và vận hành các nhà máy vào mùa đông năm nay.
Giá than đá hợp đồng tương lai tại Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi trong tháng vừa qua, lập nhiều kỷ lục mới bởi những lo lắng liên quan đến sự an toàn của các mỏ và tình trạng ô nhiễm gây suy giảm sản xuất nội địa. Cùng lúc đó, Trung Quốc vẫn cấm nhập khẩu than đá từ Australia.
Cùng thời điểm này, giá khí đốt tại nhiều khu vực, từ châu Âu cho đến châu Á, đã tăng lên những mức kỷ lục mới bởi các nước chạy đua giành nguồn cung nhằm bù lại cho nguồn cung suy giảm trước đó.
Trong những đợt cao điểm tiêu thụ điện năng trước đó ở Trung Quốc, nhiều người đã sử dụng máy phát điện chạy dầu diesel để có thể bù đắp được lượng điện thiếu hụt từ mạng lưới điện quốc gia. Trong năm nay, tình trạng thiếu điện có thể sẽ tiếp tục xảy ra nhưng ở mức độ tồi tệ hơn khi mà chính phủ có chính sách hạn chế ngành năng lượng tăng sản lượng nhằm đáp ứng cho nhu cầu tăng cao hơn.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899