Truyền thông đại chúng, nhận thức và hành vi liêm chính, tham nhũng ở thanh niên

27/05/2025, 10:27

TCDN - Nghiên cứu chỉ ra rằng thanh niên hiện nay đều có nhận thức tốt và khá đầy đủ về liêm chính, tham nhũng tuy nhiên không phải đa số khi có nhận thức đúng thì đều có hành vi đúng về liêm chính.

Tóm tắt:

Bài nghiên cứu về ảnh hưởng của truyền thông đại chúng đến nhận thức và hành vi liêm chính ở thanh niên Việt Nam dựa trên số liệu Khảo sát Liêm chính trong Thanh niên và Khảo sát Hiệu quả Quản trị Hành chính công Cấp tỉnh Việt Nam. Nghiên cứu chỉ ra rằng thanh niên hiện nay đều có nhận thức tốt và khá đầy đủ về liêm chính và tham nhũng tuy nhiên không phải đa số khi có nhận thức đúng thì đều có hành vi đúng về liêm chính. Số liệu chỉ ra rằng một bộ phận không nhỏ được giáo dục liêm chính tốt, hiểu rõ vấn đề này nhưng ý định và hành vi thì đi ngược lại. Trong đó ảnh hưởng của truyền thông đại chúng đến thanh niên hiện tại là rất cao khi ở trong thời đại 4.0 và mạng xã hội cũng như internet đang phủ sóng với tác động mạnh đến nhận thức và hành vi liêm chính của mỗi cá nhân.

1. Giới thiệu

Nghiên cứu về tham nhũng nhận được nhiều sự quan tâm vì đây là vấn đề nhức nhối ở nhiều quốc gia và có ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng tế. Chính vì vậy, ngăn chặn tham nhũng là điều kiện cần thiết để có thể phát triển bền vững trong tương lai. Việc nghiên cứu để tìm ra giải pháp đẩy lùi hiện tượng tham nhũng và tiêu cực ở Việt Nam cũng đang được quan tâm trong giai đoạn hiện nay.  Có thể nói giáo dục liêm chính trong độ tuổi thanh niên là một việc hết sức quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết. Thanh niên hay còn gọi là giới trẻ là những cá nhân ở độ tuổi từ 15 đến 30 được xem là hạt giống, nhân tố tiềm năng của đất nước. Vậy nên việc giáo dục liêm chính đúng đắn ở độ tuổi này như là nền tảng vững chắc trong phòng chống tham nhũng và đào tạo nên đội ngũ liêm chính không tham nhũng trong tương lai. Rosmi (2020) đã nói rằng ở độ tuổi thanh niên nếu có nhận thức về liêm chính tốt thì sẽ có tính trung thực và có trách nhiệm hơn, đây chính là yếu tố tiên quyết để ngăn chặn tham nhũng. Tuy nhiên thực trạng chỉ ra rằng không phải bất cứ cá nhân nào được giáo dục liêm chính tốt thì đều có hành vi trong sạch không tham nhũng hay nhận hối lộ. Trong thực tế một số khảo sát chỉ ra rằng cá nhân có hành vi tham nhũng thực chất hiểu rất rõ về vấn đề này thậm chí được giáo dục liêm chính rất đầy đủ và có nhận thức đúng đắn. Có thể kể đến các khảo sát chỉ ra được điều này như nghiên cứu về liêm chính của giới trẻ do Tổ chức Hợp tác phát triển Kinh tế, Tổ chức Minh bạch Quốc tế hoặc là Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc thực hiện.Vậy liệu thật sự giáo dục liêm chính có thật sự tác động đến giới trẻ, giúp giới trẻ giảm thiểu các hành vi tham nhũng hối lộ? Và liệu có yếu tố nào hiện nay tác động mạnh đến hành vi liêm chính của các cá nhân ở độ tuổi nào hay không?

2. Tổng quan nghiên cứu và cơ sở lí luận

2.1 Tham nhũng, hối lộ, đưa hối lộ

Tham nhũng, được LHQ tóm tắt (2004), có thể được định nghĩa đơn giản là "lạm dụng quyền lực (công cộng) vì lợi ích cá nhân". Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International, 2017), tham nhũng là "lạm dụng quyền lực được ủy thác vì lợi ích cá nhân". TI phân loại tham nhũng thành ba loại: tham nhũng chính trị, tham nhũng lớn và tham nhũng vặt. Tham nhũng chính trị đề cập đến hành động thao túng các chính sách, quy định và thủ tục trong việc phân bổ nguồn lực của những người ra quyết định chính trị. Tham nhũng lớn bao gồm các hành vi được thực hiện ở cấp cao của chính phủ phần nào làm sai lệch các quy định, chính sách hoặc thậm chí là chức năng trung tâm của hệ thống để cho phép giới thượng lưu có thêm của cải hoặc các đặc quyền khác với công chúng. Tham nhũng vặt thường ở dạng hối lộ liên quan đến việc thực hiện các quy định hiện hành, tức là công dân sẽ cần phải trả một số tiền cao hơn giá chính thức của một số dịch vụ, hoặc một cái gì đó được niêm yết là miễn phí. Ngoài ra, tham nhũng vặt cũng có thể được bắt gặp trong việc lạm dụng quyền lực trong các tình huống hàng ngày từ các quan chức nhà nước.

Hối lộ, đưa hối lộ được cho là như một hình thức tham nhũng cụ thể, đề cập đến việc thanh toán bằng tiền hoặc một loại tài sản, hiện vật khác tương đương với tiền, được đưa hoặc nhận trong một mối quan hệ tham nhũng. Nó liên quan đến việc sử dụng hoặc lạm dụng trách nhiệm công cộng hoặc tập thể cho các mục đích hoặc lợi ích cá nhân.

2.2 Liêm chính và giáo dục liêm chính

Theo Transparency International (2019) thì liêm chính là hành vi hay hành động phù hợp với nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức được cá nhân và tổ chức chấp nhận tạo nên rào cản đối với tham nhũng. Nhưng sau tất các các định nghĩa trên thì có thể hình dung được một định nghĩa tổng quát nhất, sát nhất là phẩm chất của một cá nhân, một giá trị đạo đức đẹp, trung thực; đối lập và là rào cản lớn nhất đối với vấn nạn tham nhũng.

Liêm chính có thể được xây dựng qua giáo dục hay còn được gọi là giáo dục liêm chính. Giáo dục liêm chính hướng tới đặc biệt đối với giới trẻ với các nội dung hướng tới nhận thức, thái độ, hành động của từng cá nhân đối với liêm chính hay tham nhũng. Giáo dục liêm chính có thể qua hình thức tuyên truyền, qua các bài thảo luận, các liên hệ thực tế, các tình huống thực tiễn trong đó đẩy mạnh trong truyền thông đại chúng qua sách báo, tin tức, tivi, mạng xã hội được xem là một trong những phương hướng khả thi và đạt hiệu quả tốt hơn so với những phương tiện truyền thống như các lớp bồi dưỡng.

2.3. Tác động của truyền thông đại chúng đến giáo dục liêm chính

Truyền thông đại chúng có định nghĩa chung nhất là là hoạt động cung cấp thông tin thực hiện thông qua các phương tiện truyền tin như báo, đài, phát thanh, truyền hình… tới đông đảo quần chúng nhân dân. Qua các tin tức được cập nhập, người dân sẽ có thêm thông tin về nghĩa vụ, quyền, và lợi ích hợp pháp của mình; hiểu được hành vi nhũng nhiễu nào là sai luật và sẽ bị xử phạt. Nhưng liệu có thêm những kiến thức về hành vi tham nhũng sẽ thúc đẩy thanh niên đấu tranh chống tham nhũng trong tương lai, hay đã vô tình bình thường hóa hành vi tham nhũng trong nhận thức của thanh niên và càng thúc đẩy hành vi tham nhũng phát triển ở mức độ tinh vi, khó phát hiện hơn, để tư lợi. Liệu việc đưa tin về xử lý các vụ án tham nhũng có đang tạo thêm những tư tưởng phi đạo đức và ý định tham nhũng của thế hệ thanh niên Việt Nam? Các người nổi tiếng, các ngôi sao, các doanh nhân, nhà chính trị nổi tiếng có tầm ảnh hưởng liệu tác động như thế nào đến mỗi cá nhân trong vấn đề này khi mà trong những năm vừa qua trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID19 cũng như thiên tai lũ lụt miền Trung, rất nhiều các nghệ sĩ, doanh nhân, nhà chính trị lớn đã bị lên án, đưa tin về hành vi tham nhũng của mình?

Các giả thuyết đưa ra:

H1: Sự ảnh hưởng của phương tiện truyền thông đến cuộc sống có tác động tích cực đến ý định liêm chính của thanh niên Việt Nam

H2: Thông tin về liêm chính qua phương tiện truyền thông có tác động tích cực đến ý định liêm chính của thanh niên Việt Nam

H3: Giáo dục liêm chính qua truyền thông đại chúng có tác động tích cực đến ý định liêm chính của thanh niên Việt Nam

H4: Tác động của truyền thông đại chúng đến nhận thức liêm chính có tác động tích cực đến ý định liêm chính của thanh niên Việt Nam

H5: Truyền thông đại chúng tác động đến hành vi liêm chính có tác động tích cực đến ý định liêm chính của thanh niên Việt Nam

H6: Tần suất tiếp cận phương tiện truyền thông đại chúng có tác động tích cực đến ý định liêm chính của thanh niên Việt Nam

3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Nghiên cứu này có số liệu được trích từ khảo sát mà nhóm thực hiện từ tháng 01/2025 đến tháng 02/2025. Khảo sát của nhóm hướng tới những thanh niên sinh sống và học tập, làm việc tại Việt Nam trong nhóm tuổi 15 – 18, 18 – 23, 23 – 30, với giới tính, trình độ học vấn, dân tộc khác nhau. Sau khảo sát nhóm thu được 704 phản hồi.

z6643132266748_458451bd19fb7eae85138f27baaee29e

Kết quả khảo sát cho thấy giới tính nam và nữ là đồng đều, mỗi nhóm chiếm 50%.Thanh niên tham gia khảo sát có độ tuổi 18 – 23 chiếm 65.8%. Dân tộc kinh chiếm phần đa (96.7%). Về học vấn thì nhóm đang học đại học chiếm tỷ lệ lớn nhất (57.8%). Có 72.7% đối tượng tham gia khảo sát đồng ý và rất đồng ý rằng phương tiện truyền thông đại chúng là phương tiện cung cấp thông tin cho họ nhiều nhất ở thời điểm hiện tại, 74.4% đồng ý và rất đồng ý rằng mạng xã hội và internet là hai phương tiện truyền thông mà họ tham gia với tần suất lớn nhất. Có 73.3% đối tượng tham gia khảo sát trả lời rằng họ đồng ý và rất đồng ý với quan điểm hầu hết các nguồn thông tin về tham nhũng và liêm chính họ đều được tiếp cận thông qua báo đài, tivi, mạng xã hội, internet,... Có 73.2% đồng ý và rất đồng ý rằng giáo dục liêm chính qua phương tiện truyền thông giúp họ có nhận thức đầy đủ về các vấn đề liên quan đến liêm chính và tham nhũng, 72.3% đồng ý và rất đồng ý rằng giáo dục liêm chính qua phương tiện truyền thông đại chúng có ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi trong vấn đề liêm chính của họ. Về tần suất tiếp cận phương tiện truyền thông đại chúng thì kết quả khảo sát chỉ ra mạng xã hội và internet có tần suất tiếp cận cao nhất; tivi; báo in, tạp chí; đài theo thứ tự tần suất giảm dần. Phần lớn đối tượng tham gia khảo sát phản hồi họ thấy bình thường/đồng ý rằng họ luôn có ý thức thúc đẩy tính liêm chính, tự giáo dục liêm chính, tôn trọng và trung thực với quy định, tôn trọng đề cao giá trị liêm chính; họ không chấp nhận, phê phán, lên án, coi những hành vi tham nhũng hối lộ, không liêm chính trong cuộc sống là sai trái.

Kết quả tại bảng 2 cho thấy, sau khi kết thúc bước kiểm định độ tin cậy của thang đo thì tất cả các biến đều có hệ số Cronbach’s Alpha > 0.7 và các hệ số tương quan biến – tổng đều > 0.3 nên các biến đạt yêu cầu đều được sử dụng cho bước phân tích EFA tiếp theo.

z6643132283892_2d19f1eaa1087f2c7e95898a115a9045

Đối với nhân tố GD ban đầu có 7 biến quan sát với hệ số Cronbach’s Alpha là 0.840 tuy nhiên biến quan sát GD7 không đạt yêu cầu (Corrected Item-Total Correlation là 0.240 < 0.3) nên nhóm đã bỏ biến quan sát GD7 và tiến hành kiểm định độ tin cậy lại với 6 biến quan sát và được kết quả như trong bảng 2.

Kết quả phân tích EFA cho các biến quan sát độc lập đại diện cho 6 nhân tố độc lập có hệ số KMO = 0.887 và mức ý nghĩa (sig. = .000) của kiểm định Bartlett’s 5% tuy nhiên biến TDNT4 và GD5 không đạt yêu cầu do đó nhóm đã bỏ 2 biến này đi và tiến hành kiểm định lại được kết quả là hệ số KMO = 0.879 và mức ý nghĩa (sig. = .000) của kiểm định Bartlett’s 5% cùng với đó là tất cả các biến đều đạt yêu cầu, từ đó khẳng định các dữ liệu được sử dụng là thích hợp sử dụng trong nghiên cứu này. Hệ số tổng phương sai trích là 63.352% > 50%, các nhân tố đều có giá trị riêng > 1, cho biết 6 nhân tố sử dụng trong mô hình giải thích được 63.352% biến thiên các dữ liệu.

Phân tích biến phụ thuộc cho thấy hệ số KMO = 0.743 và mức ý nghĩa (sig. = .000) của kiểm định Bartlett’s 5% từ đó khẳng định các dữ liệu được sử dụng là thích hợp sử dụng trong nghiên cứu này. Hệ số tổng phương sai trích là 81.001% và chỉ số Eigenvalue đạt 2.430, như vậy 3 biến quan sát của biến phụ thuộc đã trích ra 1 nhân tố với tổng phương sai trích đạt 81.001%.

Kết quả hồi quy cho thấy TS có sig. = 0.663 > 0.05 như vậy là chưa đạt yêu cầu. Nhóm tiến hành phân tích hồi quy lại với biến phụ thuộc Y và các biến độc lập AH, TT, GD, TDNT, TDHV và kết quả cho thấy tất cả các sig. đều < 0.05 như vậy là đã đạt yêu cầu.

Kết quả ANOVA cho thấy F = 325.999 và sig. = .000 cho thấy các biến độc lập có quan hệ tuyến tính với biến phụ thuộc và mô hình có thể sử dụng được. Bên cạnh đó, hệ số R bình phương hiệu chỉnh là 69.8%; hệ số Durbin – Watson = 1.761 thuộc đoạn [1;3] thể hiện rằng không có hiện tượng tự tương quan. Hệ số phóng đại phương sai (VIF) của các biến đều < 2 từ đó kết luận rằng không xảy ra tình trạng đa cộng tuyến trong mô hình.

Phương trình hồi quy chuẩn hóa có dạng:

Y = 0.073.AH + 0.288.TT + 0.325.GD + 0.097.TDNT + 0.424.TDHV

4. Thảo luận và đề xuất giải pháp  

Các kết quả nghiên cứu của nhóm rất đa dạng, phong phú và có giá trị thiết thực về mặt lý luận lẫn thực tiễn. Đó đã đảm bảo được mục tiêu nghiên cứu đề ra là phân tích các khía cạnh về ảnh hưởng của truyền thông đại chúng đến nhận thức và hành vi liêm chính, tham nhũng ở thanh niên Việt Nam.

Có thể thấy rằng, truyền thông đại chúng đang có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến xã hội, đặc biệt là đối với thế hệ thanh niên ngày nay. Dưới những tác động mạnh mẽ đó, công tác giáo dục liêm chính, nâng cao nhận thức, ý định, hành vi liêm chính cần phải được quan tâm, chú trọng để hướng tới việc đào tạo ra nguồn nhân lực mới chất lượng cao, đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy, cần tận dụng sức ảnh hưởng cũng như phát huy mạnh mẽ vai trò của truyền thông đại chúng trong công tác giáo dục, bồi đắp nhận thức liêm chính cho thế hệ thanh niên trong thời gian tới.

Kết quả của nghiên cứu giúp mang lại một số gợi ý để tăng nhận thức liêm chính và ý định thực hiện hành vi liêm chính, góp phần đẩy lùi tham nhũng qua các phương tiện truyền thông đại chúng:

Thứ nhất, cần xây dựng các chương trình giáo dục liêm chính thông qua truyền thông đại chúng nhắm tới đối tượng khán giả chính là thanh niên để giúp thanh niên hiểu rõ hơn về ý nghĩa của liêm chính và tác động của việc thực hiện hành vi liêm chính đến xã hội. Việc thúc đẩy việc sản xuất và phát sóng các chương trình truyền hình, phim ảnh, báo chí và các nội dung trên mạng liên quan đến liêm chính, nhằm giúp người dân tăng cường nhận thức và hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Thứ hai, cần phải tăng cường giám sát nội dung truyền thông đại chúng, đặc biệt là các nội dung liên quan đến liêm chính, nhằm đảm bảo rằng những thông tin được phát sóng là chính xác và đáng tin cậy. Nhà nước cần đưa ra các biện pháp kỷ luật nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm liêm chính trong các phương tiện truyền thông đại chúng, nhằm truyền tải thông điệp rằng việc thực hiện hành vi liêm chính là rất quan trọng và sẽ bị xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, nên xây dựng bộ quy tắc ứng xử và đạo tạo về liêm chính tại các cơ quan, đoàn thể, trường học để định hướng người dân nói chung và bộ phận thanh niên nói riêng làm việc, học tập, sống một lối sống tích cực, trung thực, liêm chính, đẩy lùi những ý định, hành vi không trong sạch, tham ô, hối lộ.

Thứ ba, cần đào tạo cho thanh niên cách sử dụng và lọc thông tin từ các kênh truyền thông đại chúng một cách thông minh và hiệu quả, nhằm nâng cao nhận thức về đạo đức và tinh thần trung thực, giúp họ đưa ra những quyết định đúng đắn và thực hiện hành vi đúng đạo đức. Một số gợi ý để làm điều này là: đưa vào chương trình giáo dục phổ thông các khóa học về đọc hiểu, tìm kiếm thông tin, phân tích và đánh giá các nguồn thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng; tổ chức các khóa học, buổi tư vấn và các hoạt động giáo dục khác cho thanh niên về liêm chính và sử dụng thông tin truyền thông đại chúng; và xây dựng một cơ sở dữ liệu các tài liệu và nguồn thông tin đáng tin cậy và chính xác đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin của thanh niên.

Tài liệu tham khảo:

Campos, J.E, Lien, D. & Pradhan, S.(1999), ‘The impact of corruption on investment:  Predictability matters’, World Development, 2796), 1059-1067.

Castro, A., Phillips, N. & Ansari, S. (2020), ‘Corporate corruption: a review and research agenda’, Academy of Management Annals, 14(2), 935-968.

Le, Q.C., Nguyen, T.P.T. & Do, T.N. (2021), ‘State ownership, quality of sub-national governance, and total factor productivity of firms in Vietnam’, Post-Communist Economies, 33(1) 133-146.

Lê Quang Cảnh (2018), ‘Vị thế xã hội, văn hóa và hối lộ của người dân Việt Nam’, Tạp chí Kinh tế & Phát triển, 252, 2-10.

Transparency  International (2014), Asia Pacific youth: integrity in crisis, Retrieved on  February 15st, 2022, from <https://www.transparency.org/en/publications/asia-pacific-youth-integrity-in-crisis>.

PGS. TS. Lại Phi Hùng - Trường đại học Kinh tế Kỹ thuật – Công nghiệp

TS. Lê Hoàng Anh - Đại học Kinh tế Quốc dân

Inthavanh Fongmekhong - Hội đồng nhân dân thủ đô Viêng Chăn, Lào

Tạp chí in số tháng 5/2025

Bạn đang đọc bài viết Truyền thông đại chúng, nhận thức và hành vi liêm chính, tham nhũng ở thanh niên tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

x