Ưu đãi trong gói BHXH tự nguyện nhằm mở rộng diện bao phủ BHXH với lao động làng nghề
TCDN - Hiện nay, chính sách của nhà nước có các mức hỗ trợ kinh phí 10% - 25% - 30% đối với từng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Ngoài ra, nhiều địa phương đang hỗ trợ thêm mức đóng từ ngân sách địa phương cho người lao động, đặc biệt là lao động làng nghề.
Mở rộng diện bao phủ BHXH với lao động làng nghề
Hiện cả nước có hơn 5.400 làng nghề đang hoạt động với hàng triệu lao động đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tuy nhiên tỷ lệ lao động làng nghề tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn thấp không chỉ tác động trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
Xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) được Sở Du lịch TP Hà Nội, UBND huyện Ứng Hòa đầu tư để trở thành một trong những điểm đến du lịch làng nghề. Từ đầu năm 2024 đến nay, xã Quảng Phú Cầu đã đón hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm các công đoạn sản xuất các sản phẩm làng nghề truyền thống, như: Hương nén, nụ trầm, nụ trám, hương vòng.
Hiện nay, xã Quảng Phú Cầu có 7.379 người trong độ tuổi lao động. Thu nhập bình quân của người lao động làm nghề tại xã là 72 triệu đồng/năm, nhưng chỉ có 86 người trên tổng số 7.379 lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Một người dân tại đây chia sẻ, họ gắn bó với công việc nghề truyền thống của làng từ nhiều năm nay, thu nhập trung bình khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, những công nhân lao động ở đây chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để được hưởng các chế độ an sinh xã hội sau khi hết tuổi lao động nên rất ít người tham gia.
Hay như tại Chuyên Mỹ - xã có nghề truyền thống, 7/7 thôn được UBND TP Hà Nội công nhận làng nghề, 100% người có nhu cầu lao động tại địa phương được đào tạo nghề và có việc làm ổn định, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động làng nghề tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp.
Nhiều ưu đãi, hỗ trợ trong gói BHXH tự nguyện
BHXH tự nguyện là một trong những chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa quan trọng giúp người lao động tự do, người có thu nhập thấp có thể bảo đảm cuộc sống khi không còn khả năng lao động. Nhưng nhìn chung lao động ở các làng nghề chưa quan tâm, biết đến và tham gia loại hình bảo hiểm này.
Hiện nay, chính sách của nhà nước có các mức hỗ trợ kinh phí 10% - 25% - 30% đối với từng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Ngoài ra, đã có 22/63 tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ thêm mức đóng từ ngân sách địa phương, chẳng hạn như Hà Nội hỗ trợ thêm cho người dân trên địa bàn Thủ đô trong thời gian từ tháng 8/2022 đến 31/12/2025 với mức hỗ trợ bằng Chính phủ hỗ trợ. Như vậy, người dân Hà Nội đã được hỗ trợ hai lần, đây thực sự là một chính sách rất nhân văn hỗ trợ cho các nhóm yếu thế.
Bà Hà Thị Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội cho rằng để hấp dẫn lao động làng nghề tham gia BHXH, cần có thêm nhiều ưu đãi trong gói BHXH tự nguyện, thay vì chỉ được hưởng lương hưu và tử tuất như hiện nay. Cán bộ cơ quan BHXH cũng cần phối hợp chặt chẽ hơn với chính quyền địa phương, các đơn vị trong công tác tư vấn, truyền thông.
Để phát triển người lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, Luật BHXH (sửa đổi) vừa thông qua đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung mới và bám sát 5 nhóm chính sách cụ thể: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.
Nhằm phấn đấu tăng số người tham gia BHXH, nhất là lao động tự do tại các làng nghề tham gia BHXH tự nguyện, BHXH Việt Nam và BHXH tại các địa phương đang áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp: Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động về lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện, góp phần bảo đảm an sinh xã hội khi hết tuổi lao động; khuyến khích tinh thần nêu gương của đảng viên, công chức trong việc vận động lao động tự do trong gia đình tham gia mua BHXH tự nguyện.
Bên cạnh đó, cơ quan BHXH cũng đã cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện cho người sử dụng lao động không phải đến cơ quan BHXH nộp hồ sơ; thủ tục nhanh chóng thuận lợi, tiền hưởng chế độ BHXH của người lao động khi được cơ quan BHXH thanh toán chuyển đến tài khoản cá nhân người lao động. Các cá nhân có nhu cầu vẫn có thể giao dịch bằng hồ sơ giấy, nộp trực tiếp tại cơ quan BHXH hoặc qua dịch vụ Bưu chính công ích.
Người lao động được giải quyết chế độ hưu trí, BHXH 1 lần, hưởng chế độ thai sản thanh toán trực tiếp, được cán bộ hướng dẫn tận tình, chu đáo, không để người lao động đi lại nhiều lần. Việc chi trả chế độ cho người lao động được đảm bảo chính xác, an toàn.
Với sự vào cuộc của các cấp từ Trung ướng đến địa phương và áp dụng đồng bộ các giải pháp, các chính sách BHXH đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ người lao động sẽ góp phần đảm bảo đời sống cho người dân làng nghề, tránh tạo gánh nặng cho con cái, cộng đồng khi về già hoặc khi gặp rủi ro trong quá trình lao động.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 4094/VPCP-TH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái xử lý vấn đề lao động làng nghề tham gia bảo hiểm xã hội.
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam có các giải pháp phù hợp, hiệu quả, khắc phục những khó khăn, hạn chế trong thủ tục, cơ chế chính sách để thúc đẩy mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội đối với lao động tại làng nghề, góp phần tạo an sinh xã hội.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899