Ủy ban châu Âu nghi ngờ có hành vi "tẩy xanh" trong lĩnh vực tài chính

02/06/2023, 08:30
báo nói -

TCDN - Ủy ban châu Âu cho rằng, "tẩy xanh" thường được nhiều công ty áp dụng để khiến khách hàng hiểu lầm về các tác động hoặc lợi ích môi trường của sản phẩm hoặc dịch vụ.

Theo Reuters đưa tin, Ủy ban châu Âu vừa yêu cầu các cơ quan giám sát ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán của EU để mắt tới hành vi green-washing (tẩy xanh) trong lĩnh vực tài chính, khi các nhà đầu tư rót hàng tỷ euro vào những quỹ quảng bá về các nét hấp dẫn của họ về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Ủy ban châu Âu cho rằng, tẩy xanh thường được nhiều công ty áp dụng để khiến khách hàng hiểu lầm về các tác động hoặc lợi ích môi trường của sản phẩm hoặc dịch vụ.

Chỉ mô tả những điểm tốt, thiếu sót thông tin, thông tin mơ hồ, tuyên bố không được xác thực (bao gồm cả phóng đại), sử dụng sai thuật ngữ ESG, được coi là những yếu tố gây hiểu lầm phổ biến nhất.

"EU có những doanh nghiệp vừa và nhỏ rất nghiêm túc và xuất sắc trong việc tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường. Nhưng họ lại phải cạnh tranh với những doanh nghiệp xanh giả mạo. Những nhãn hiệu giả mạo này ngày càng tinh vi hơn trong cách thức quảng cáo. Vì vậy chúng tôi can thiệp để có một môi trường kinh doanh bình đẳng hơn", ông Virginijus Sinkevicius, Ủy viên Ủy ban Môi trường EU, cho hay.

hãng đồ ăn nhanh McDonald's cũng từng bị nghi vấn tẩy xanh với chiến dịch thay thế ống hút nhựa bằng ống hút có thể tái chế.

hãng đồ ăn nhanh McDonald's cũng từng bị nghi vấn "tẩy xanh" với chiến dịch thay thế ống hút nhựa bằng ống hút có thể tái chế.

Đơn cử, năm 2019, hãng đồ ăn nhanh McDonald's tung ra chiến dịch thay thế ống hút nhựa bằng chất liệu có thể tái chế được, nhưng sự thật là những ống hút của McDonald's không thể tái chế. Nguồn gốc của nguyên liệu cũng khiến người ta đặt dấu hỏi về tác hại với môi trường. Hoặc như hãng ôtô Volkswagen, năm 2015, hãng ô tô này dính bê bối làm giả báo cáo khí thải của vài dòng xe chạy dầu diesel, dẫn tới các vụ kiện và bồi thường lên tới hàng tỷ USD.

Báo cáo toàn cầu của Mạng lưới Thực thi và Bảo vệ Người tiêu dùng Quốc tế (ICPEN) cũng tiết lộ, khoảng 40% các tuyên bố liên quan đến môi trường từ các công ty có khả năng gây hiểu lầm. 

Trước đó, vào ngày 22/3, Ủy ban châu Âu đã đề xuất các quy tắc đối với doanh nghiệp quảng bá sản phẩm của mình là thân thiện với môi trường. Cơ quan này yêu cầu các công ty ở châu Âu đưa ra bằng chứng để chứng minh sản phẩm của họ, từ hàng điện tử cho tới mỹ phẩm, thật sự là "xanh".

Theo bộ quy tắc này, doanh nghiệp muốn quảng bá sản phẩm của mình là xanh, trước tiên phải thực hiện đánh giá sản phẩm của mình dựa trên cơ sở khoa học, đánh giá tất cả các tác động môi trường đáng kể để chứng minh rằng sản phẩm của họ đáp ứng được yêu cầu.

PV/Theo Reuters
Bạn đang đọc bài viết Ủy ban châu Âu nghi ngờ có hành vi "tẩy xanh" trong lĩnh vực tài chính tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Liên minh châu Âu nhất trí áp giá trần khí đốt Nga
Ngày 19/12, Bộ trưởng Năng lượng các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về giá trần khí đốt sẽ là 180 Euro/megawatt giờ, thấp hơn mức 275 Euro/megawatt giờ được Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất vào cuối tháng trước.