Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị kiểm toán thị trường bảo hiểm nhân thọ

27/09/2023, 11:28
báo nói -

TCDN - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thành lập một chuyên đề riêng kiểm toán tình hình thị trường bảo hiểm nhân thọ hoặc thông qua kiểm toán các tổ chức tín dụng và bảo hiểm để trả lời rõ các nội dung nghị quyết Quốc hội đã đề ra.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có văn bản thông báo Kết luận của UBTVQH về Báo cáo công tác năm 2023 và dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2024 của KTNN.

Theo đó, trong năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu hoạt động kiểm toán cần tiếp tục góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách, tiền tệ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị kiểm toán thị trường bảo hiểm nhân thọ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị kiểm toán thị trường bảo hiểm nhân thọ.

Tăng cường công việc thực hiện chủ trương kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong công tác kiểm toán. Xử lý nghiêm cán bộ vi phạm...

Cùng với đó, KTNN tiếp tục đề cao tính công khai, minh bạch, khách quan, trung thực các hoạt động kiểm toán theo quy định.

Về kế hoạch năm 2024, UBTVQH đề nghị KTNN rà soát xác định lại mục tiêu kiểm toán chung và điều chỉnh một số cuộc kiểm toán chuyên đề đảm bảo tập trung, tăng cường kiểm toán các vấn đề trọng tâm, trọng điểm..

 Mục tiêu kiểm toán chung của cả năm cần tập trung đánh giá thị trường đất đai, tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản để dự báo được các vấn đề rủi ro kinh tế vĩ mô.

Làm rõ lý do vì sao tín dụng ngân hàng tăng chậm, hệ thống tài chính ngân hàng đang khó khăn, nợ xấu tăng, tình hình chậm trả nợ vay trái phiếu đáo hạn, nhất là trong lĩnh vực bất động sản tăng.

Xử lý dứt điểm các khó khăn trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế. Vấn đề in, phát hành, chiết khấu, giá bán sách giáo khoa và nhiều nội dung liên quan trong lĩnh vực giáo dục, đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

UBTVQH cũng đề nghị có một chuyên đề riêng kiểm toán tình hình thị trường bảo hiểm nhân thọ hoặc thông qua kiểm toán các tổ chức tín dụng và bảo hiểm để trả lời rõ các nội dung nghị quyết Quốc hội đã đề ra.

Liên quan đến hoạt động bảo hiểm nhân thọ, để tăng cường quản lý trong lĩnh vực này, Bộ Tài chính cho biết thời gian qua đang tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật. Theo đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2023. Trong quá trình hoàn thiện các văn bản hướng dẫn đối với nội dung được phân công tại Luật, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 46/2023/NĐ-CP ngày 01/7/2023.

Bên cạnh đó, Nghị định 46/2023/NĐ-CP cũng bổ sung trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc kiểm tra, giám sát đối với chất lượng hoạt động đại lý của nhân viên trong tổ chức tín dụng, phối hợp với tổ chức tín dụng trong việc xử lý vi phạm đối với các nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý.

Cũng theo Bộ Tài chính, hiện nay cơ quan này đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định 46/2023/NĐ-CP của Chính phủ.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2013/NĐ-CP, Nghị định số 48/2018/NĐ-CP, Nghị định số 80/2019 về xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số.

Về công tác thanh tra, kiểm tra, từ tháng 9/2022 đã triển khai thanh tra chuyên đề bán bảo hiểm qua các ngân hàng và tổ chức tín dụng đối với 6 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

Bộ này đã lưu hành kết luận thanh tra tại 4 doanh nghiệp bảo hiểm (Prudential, MB Ageas, Sun Life, BIDV Metlife) và thực hiện công khai kết luận thanh tra theo quy định pháp luật, đồng thời thông tin báo chí về kết quả thanh tra tại 4 doanh nghiệp bảo hiểm này.

Qua thanh tra phát hiện các hành vi vi phạm của 4 doanh nghiệp bảo hiểm liên quan đến hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm qua kênh bancassurance.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đang tiến hành rà soát các hành vi vi phạm của 4 doanh nghiệp bảo hiểm để xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật.

Bộ Tài chính thông tin, qua thanh tra đã kiến nghị xử lý tổng số tiền là 15.488 tỷ đồng. Trong đó, loại ra khỏi chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2021 của 4 doanh nghiệp bảo hiểm nêu trên với tổng số tiền là 1.520,99 tỷ đồng.

PV
Bạn đang đọc bài viết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị kiểm toán thị trường bảo hiểm nhân thọ tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Người dân có quyền rút hay không rút bảo hiểm xã hội một lần
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, người dân, người lao động có quyền rút hay không rút bảo hiểm xã hội một lần. Chúng ta xử lý ở đây tức là vẫn đảm bảo quyền này. Phương án có nhiều nhưng tiếp tục lắng nghe, nghiên cứu, thẩm tra để tạo được sự đồng thuận.