VASEP đề xuất giảm 30 - 50% điện, phí cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản
TCDN - Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đề nghị được giảm 30% tiền điện, giảm 30% phí cảng biển, 50% phí hạ tầng khu công nghiệp… để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn gửi tới Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư góp ý Dự thảo Nghị quyết hỗ trợ Doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Theo đó, VASEP đề xuất thời gian thực hiện hỗ trợ để khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất và không muộn hơn 15/9/2022.
Giảm 30% tiền điện cho các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản cho giai đoạn 6 tháng cuối năm 2021. Theo VASEP, các doanh nghiệp chế biến thủy sản đóng vai trò chủ đạo, thúc đẩy và không tách rời với sản xuất của cả chuỗi thủy sản bao gồm lực lượng đông đảo nông dân nuôi trồng và ngư dân khai thác biển. Một doanh nghiệp chế biến thủy sản sẽ gồm đủ tổ hợp cần điện để thực hiện được nhiệm vụ chế biến, đó là chế biến - cấp đông - kho bảo quản, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn đầu tư cả khâu nuôi trồng để hoàn thiện chuỗi cung ứng.
Bên cạnh lĩnh vực chế biến, đại dịch Covid-19 đã làm lĩnh vực nuôi thủy sản bị thiệt hại nặng nề, cần đượ nhà nước hỗ trợ mới có thể duy trì, tái đầu tư… làm nền tảng cho công tác marketing bán hàng của doanh nghiệp mới có thể giữ vững vị thế của thủy sản Việt Nam trên thương trường. Việc hỗ trợ giảm tiền điện cho doanh nghiệp từ khâu nuôi trồng - chế biến - cấp đông - bảo quản sẽ có ý nghĩa lớn tác đọng đến việc phục hồi sản xuất - xuất khẩu thủy sản của cả chuỗi.
“Hiện trong Dự thảo chỉ đưa ra hỗ trợ cho mỗi kho bảo quản thì không hoàn toàn chính xác và không đủ theo đối tượng để có thể tạo ra tác động mang tính hỗ trợ nhằm đạt được mục tiêu duy trì và phục hồi sản xuất của chuỗi thủy sản”, văn bản của VASEP nêu rõ.
Cùng với đó, VASEP cũng đề xuất bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) chi trả lương cho người lao động đang đóng BHXH của các doanh nghiệp khi người lao động (NLĐ) phải đi cách ly hoặc dừng sản xuất theo quy định chống dịch trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Đề nghị hỗ trợ phí công đoàn và kinh phí công đoàn 2% quỹ lương áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp. Đồng thời, giảm mức đóng kinh phí công đoàn xuống tối đa 1% từ mức 2% quỹ lương. Bởi doanh nghiệp đang vô vàn khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã ngưng hoạt động trong khi khoản kinh phí công đoàn và phí công đoàn là vô cùng lớn.
Bên cạnh đó, VASEP đề nghị Tp.HCM và Hải Phòng dừng việc thực hiện thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022 và điều chỉnh giảm ít nhất 30% các mức phí đang áp dụng. Đề nghị các cảng biển giảm ít nhất 50% các phí dịch vụ tại cảng (phí nâng hạ container, phí bốc dỡ, lưu kho, cắm điện,…) từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022.
Đề nghị giảm ít nhất 50% phí hạ tầng của các khu công nghiệp từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022.
"Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp thuỷ sản đánh giá cao và thấy rõ đây là một văn bản với mục tiêu và ý nghĩa vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng và tác động lớn đến sức khoẻ tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Cộng đồng doanh nghiệp đang hết sức trông đợi và những quyết nghị đúng đắn, phù hợp trong giai đoạn hiện nay để không chỉ đảm bảo an toàn cho người lao động mà có thể phục hồi kịp thời được sản xuất, xuất khẩu và sinh kế cho nông-ngư dân trong chuỗi sản xuất thuỷ sản của Việt Nam trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19", đại diện VASEP khẳng định.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899